Xuất khẩu thủy sản tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), năm 2022, xuất khẩu tôm sẽ thuận lợi bởi Việt Nam có thể tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương.
Nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới tăng trở lại nhất là ở các thị trường lớn như Liên minh châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là yếu tố quan trọng để ngành tôm Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm tận dụng tốt cơ hội nhanh chóng phục hồi sau giãn cách xã hội kéo dài phòng chống dịch Covid-19.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, Việt Nam đã và đang thực hiện 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và các thị trường đều yêu cầu cao về tiêu chuẩn và quy chuẩn. Trên cơ sở đánh giá chung về thị trường, các nhà sản xuất, doanh nghiệp chế biến cần chuẩn bị những giải pháp kỹ thuật và xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường một cách chủ động hơn.
Để khai thác tốt cơ hội về thị trường, theo ông Luân, năng suất và chất lượng là 2 yếu tố then chốt. Vì vậy, thời gian tới phải chú trọng các yếu tố về nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là con giống, hạ tầng vùng nuôi trong chuỗi sản xuất tôm. Đối với thị trường tôm có rất nhiều tiềm năng, nhưng cũng có nhiều thách thức và rủi ro, đòi hỏi trong quá trình triển khai phải rất linh hoạt trong chỉ đạo và điều hành, để thích ứng với điều kiện thực tế của từng giai đoạn. Phải tăng cường chất lượng truy xuất nguồn gốc và giảm chi phí đầu vào.
“Chúng ta đã có các thị trường rất tiềm năng, do đó trong chỉ đạo chung của ngành thủy sản phải duy trì phát triển và mở rộng thị trường mới, tuân thủ các điều kiện của thị trường nhập khẩu. Tổng cục Thủy sản rất tự tin khi các doanh nghiệp sau 2 năm đối mặt với những khó khăn của dịch Covid-19 đã có những thích ứng, biến đổi và đưa những sản phẩm chế biến phù hợp với các kênh tiêu thụ ở các cửa hàng tiện ích, phù hợp với nhu cầu sử dụng trong các hộ gia đình”, ông Luân cho biết./.
Theo VOV