Yên Bái nỗ lực tư vấn, tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá
Nam nông dân tự nguyện từ bỏ thuốc lá
Một ngày làm việc của anh Nguyễn Văn Tài, 54 tuổi (Văn Chấn, Yên Bái) bắt đầu từ 4 giờ sáng. Ở vùng núi này, bà con ai cũng đi làm sớm. Phần vì thói quen, phần vì tránh nắng vào mùa Hè.
Làm nông nghiệp tuy không căng thẳng như ngồi bàn giấy nhưng cũng rất mệt. Nhiều lúc mệt hoặc ngồi nghỉ thấy bứt rứt là anh Tài vác bao thuốc lá ra hút. Ngày hút ít thì 7- 8 điếu, ngày hút nhiều thì có thể hết cả bao.
Anh Tài cho biết: Cách đây chục năm chủ yếu hút thuốc lào thế rồi đi đình đám người ta hay mời thuốc lá nên hút thuốc lá thành quen. Hút nhiều thì nghiện.
“Dù nghe nhiều tác hại của thuốc lá nhưng chưa đủ quyết tâm bỏ, mỗi ngày già hơn nên sức khỏe yếu đi nên phải bỏ thuốc lá”, anh Tài nói.
Hiện nay, anh Tài đã bỏ thuốc được 3 tháng, anh vẫn trong thời kỳ cai nghiện. Đôi lúc cũng thấy thèm khi thấy người khác hút nhưng được sự động viên của gia đình, anh lại nâng cao quyết tâm.
“Từ ngày tôi ngừng hút, những vấn đề như ho tức ngực, mất ngủ cũng giảm rõ rệt. Cơ thể còn cảm thấy khỏe mạnh hơn trước”, anh Tài cho hay.
Tương tự ông Đỗ Chí Đức - Thôn Minh Thành - xã Tuy Lộc sau nhiều năm hút thuốc sức khỏe đã giảm sút. Ông thường xuyên ho nhiều, đau ngực, đờm nhiều... khi đi khám tại Bệnh viện Phổi Trung ương được chẩn đoán hẹp vành mạch phổi, tràn dịch màng phổi.
Ông Đức nói: “Từ bé tôi đã hút thuốc lá nên sức khỏe cũng giảm đi nhiều khiến tắc động mạch vành... nên tôi hy vọng những người trẻ không nên hút. Mọi người đang hút thì nên từ bỏ”.
Cũng như anh Tài, ông Đức, nhiều nông dân ở các xã thuộc huyện Văn Chấn cũng đã nhận thấy tác hại của thuốc lá nên đã và đang có xu hướng từ bỏ. Có được thành quả này là nhờ công rất lớn của Hội Nông dân các cấp, trong đó cụ thể là Hội Nông dân cấp xã.
Ông Lê Chí Tâm - Cán bộ Hội Nông dân ở huyện Văn Chấn cho biết, dù 2 năm nay bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid- 19 nhưng các cấp Hội vẫn nỗ lực truyền thông tư vấn pháp luật cho bà con nông dân, trong đó có tư vấn, tuyên truyền về tác hại thuốc lá và phòng chống tác hại của thuốc lá.
“Vì dịch nên các hoạt động tuyên truyền bị hạn chế nhiều. Tuy vậy, Hội Nông dân cấp xã, huyện vẫn cố gắng lồng ghép các thông tin truyền thông thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ hoặc các nội dung khác”, ông Tâm nói.
Cũng theo ông Tâm, do đặc thù bà con nông dân sống ở các vùng quê, nhận thức chưa cao nên việc truyền thông phải được làm thường xuyên liên tục, đa dạng. “Tôi cho rằng cần thực hiện truyền thông theo kiểu ‘mưa dầm thấm lâu’ có như vậy ý thức của người dân nhất là nam nông dân mới thay đổi triệt để”, ông Tâm chia sẻ thêm.
Nhờ có nhiều hoạt động truyền thông đa dạng mà tới nay, 100% nông dân đã hiểu được tác hại của thuốc lá. Hầu hết các đình đám, tiệc tùng, lễ hội ở Yên Bái đã không còn cảnh mời thuốc. Số người nghiện thuốc cũng giảm dần.
Các cấp Hội sẽ triển khai nhiều hoạt động
Mặc dù là tỉnh miền núi, nhưng nhiều năm qua bằng nhiều giải pháp Hội Nông dân tỉnh Yên Bái cũng đã nỗ lực thực hiện công tác truyền thông tư vấn pháp luật nói chung trong đó có tư vấn phòng chống tác hại thuốc lá.
Ông Nguyễn Văn Quý - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Yên Bái cho biết, toàn tỉnh có hơn 117 nghìn hội viên, trong đó đa phần hội viên là nông dân làm nông nghiệp. Đời sống bà con còn nhiều khó khăn, trong quá trình lao động sản xuất vất vả, cánh đàn ông thường tìm đến thuốc lá như phương tiện giải sầu. Tuy vậy, cũng theo ông Quý thời gian gần đây qua quan sát thì thấy nhận thức của bà con nông dân cũng dần thay đổi theo hướng tích cực. Đa phần người trẻ, nông dân trẻ không còn thích hút thuốc. Số người hút thuốc chủ yếu là người thế hệ trước hoặc người trung niên. Giới trẻ họ nhận thức rất rõ tác hại của thuốc lá. Ngay cả những người nghiện thuốc lá họ cũng đang có ý định bỏ dần.
Dù đã rất cố gắng nhưng việc truyền thông tác hại thuốc lá của các cấp Hội ở Yên Bái còn đang gặp nhiều khó khăn. Khó khăn chính là do thiếu kinh phí. Hiện nay cấp Hội không được cấp ngân sách cho hoạt động này, vì thế nếu có truyền thông thì phải lồng ghép dẫn tới hiệu quả hoạt động chưa cao.
Nhiều chuyên gia phòng chống tác hại thuốc lá cho rằng để hoạt động truyền thông phòng chống tác hại đạt hiệu quả cao thì rất cần tổ chức các hoạt động truyền thông tại cộng đồng. Hoạt động này phải được tổ chức sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với văn hóa, nhu cầu của bà con tại địa phương.
Ví dụ có thể triển khai các buổi hội diễn, hội thi tuyên truyền viên giỏi... Tất cả những hoạt động này sẽ góp phần tuyên truyền tốt hơn về những quy định pháp luật liên quan tới Luật phòng chống tác hại thuốc lá.
“Thời gian tới, dịch Covid -19 được kiểm soát và lui dần, chúng tôi sẽ kết hợp thêm với các ban ngành địa phương để tăng cường các hoạt động truyền thông tới người dân và nông dân. Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện chương trình thanh kiểm tra, giám sát thực hiện nghiêm các quy định cấm hút thuốc trong nhà, nơi làm việc ở Hội Nông dân, tiếp đó là cấp Hội cơ sở”, ông Nguyễn Văn Quý cho biết thêm.
“Khác với tuyên truyền cho các đối tượng khác, muốn tuyên truyền cho bà con nông dân tốt, người cán bộ làm công tác tuyên truyền phải ‘đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, tuyên truyền mọi lúc mọi nơi, từ trong nhà, tới ngoài ngõ, tới ngoài đồng ruộng. Ngoài ra, song song với tuyên truyền cũng cần thực hiện việc nêu gương. Nêu gương tốt để bà con xem xét rút kinh nghiệm với những việc xấu, thực hiện theo gương tốt”.
Ông Nguyễn Văn Quý - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Yên Bái.
THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 81/2014/QĐ-TTg CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
- TP. Hồ Chí Minh: Tổ chức Hội thi “Nông dân với pháp luật” năm 2024
- Hội Nông dân huyện Trực Ninh ra mắt 03 Câu lạc bộ “Nông dân bảo vệ môi trường”
- Hội Nông dân huyện Vũ Quang tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới
- Cà Mau: Gần 100 ngàn hội viên hộ nông dân ký cam kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm