Nông nghiệp

Yên Bái: Phát triển sản xuất chè an toàn theo hướng hữu cơ

16:05 27/09/2021 GMT+7

Tái cơ cấu ngành chè Yên Bái theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững các mối quan hệ giữa trồng chè – chế biến – tiêu thụ sản phẩm. Sắp xếp các cơ sở chế biến, đổi mới thiết bị, công nghệ, đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm mang lại giá trị gia tăng cao, nâng cao thu nhập cho người sản xuất, kinh doanh chè là mục tiêu mà tỉnh Yên Bái đang nỗ lực thực hiện để chè là 1 trong 10 cây trồng chủ lực.

Theo Trung tâm Khuyến nông Yên Bái, trong những năm qua, cây chè đã được tỉnh Yên Bái xác định là cây trồng có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế nhằm phát huy những ưu thế sẵn có về đất đai, lao động, việc tập trung đầu tư thâm canh, cải tạo và phát triển diện tích, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, tăng thu nhập góp phần xoá đói giảm nghèo.

Tại Yên Bái, diện tích chè được trồng trên địa bàn 8 huyện, thành phố (119 xã, phường, thị trấn). Gồm nhiều giống chè khác nhau có thể sản xuất và chế biến được chè xanh chất lượng cao như Shan tuyết, Bát Tiên, Phúc Vân Tiên, LDP1, LDP2… Tập trung chủ yếu ở các huyện Văn Chấn 4.900 ha; Yên Bình 567,96ha và Trấn Yên 904ha… Các diện tích chè trên địa bàn tỉnh được trồng trên đất sườn đồi có độ dốc trung bình, đất bằng có thể chủ động tưới nước, áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác để sản xuất chè xanh chất lượng cao, an toàn đối với cộng đồng và thân thiện với môi trường.

Chè đang dần trở thành một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Yên Bái.

Tại một số vùng trồng tập trung gắn với cơ sở chế biến việc thu mua và chế biến tương đối ổn định, cơ bản lượng chè búp tươi tại các vùng này được tiêu thụ hết và đã tạo thu nhập ổn định cho người dân. Toàn vùng có 10 cơ sở chế biến chè (nhà máy, xưởng chế biến nhỏ) và 46 bom quay tay. Sản phẩm chế biến là chè xanh. Trong đó có 1 xưởng xây dựng và hoàn thành năm 2015 (Xưởng sản xuất chế biến chè Suối Giàng, công suất chế biến 2 tấn chè búp tươi/ngày do dự án QSEAP hỗ trợ). Đối với các vùng chè tập trung có sản lượng, các cơ sở chế biến ước đạt 3.000 tấn chè búp tươi.

Trong khi đó, công tác thông tin tuyên truyền quảng bá, đăng tải thông tin miễn phí giới thiệu về sản phẩm và doanh nghiệp trên bản tin Công thương, Website sở Công thương; Cổng thông tin điện tử của tỉnh, truyền hình Bộ Công thương; Truyền hình tỉnh; Sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh. Hỗ trợ các doanh nghiệp chè Đức Thiện; HTX chè Suối Giàng tham gia thực hiện Dự án “Thành lập ngạch hữu cơ và thương mại bình đẳng cho sản phẩm chè Suối Giàng” trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa tỉnh Yên Bái và tỉnh Val-de-Marne (Cộng hòa Pháp), thực hiện chứng nhận trên 300 ha tại xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn. Tư vấn và hỗ trợ cho huyện Trạm Tấu xây dựng và triển khai thực hiện đề án phát triển vùng chè Phìn Hồ.

Định hướng phát triển sản xuất chè an toàn theo hướng hữu cơ trong những năm tới, theo Trung tâm Khuyến nông Yên Bái, tỉnh cần tập trung vào các huyện có vùng chè lớn, có điều kiện thâm canh và mở rộng diện tích chè như Văn Chấn, Trấn Yên, Yên Bình…; Xây dựng và hình thành được những vùng sản xuất chè an toàn nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu sạch, có chất lượng cao tại các xã như Bình Thuận, Thượng Bằng La, Suối Giàng.

Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở chế biến chè trên địa bàn đầu tư nâng cấp dây chuyền công nghệ chế biến theo hướng chuyên sâu để nâng cao giá trị sản phẩm. Ngoài ra, các địa phương cần tích cực trong việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, thương hiệu vùng và đăng ký sở hữu trí tuệ; Phấn đấu 100% sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; Gia tăng tỷ lệ sản phẩm chè xanh, chè đặc sản, chè hữu cơ đạt trên 30%; Tiếp tục thực hiện đề án phát triển giống chè Shan – sản phẩm đặc sản tại các huyện vùng cao trong tỉnh./.

(Theo mard.gov.vn)

Tin cùng chuyên mục
Tin khác