"Yên dân" là nhân tố quyết định mọi thắng lợi
Hội nghị Trung ương lần thứ 8 khóa XIII với nhiều quyết định cơ bản và quan trọng đã chính thức bế mạc sau 7 ngày họp tại Hà Nội, làm việc không kể ngày nghỉ, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát 7 nội dung chính được thảo luận, trong đó nhấn mạnh: "Yên dân" là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hội nghị Trung ương 8 diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế- xã hội đã có những chuyển biến tích cực khi tăng trưởng GDP quý 3/2023 đạt 5,33%, cao nhất so với 2 quý đầu năm, kéo mức tăng trưởng chung của 3 quý đạt 4,24%. Những điểm sáng đáng ghi nhận trong 9 tháng qua là chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 3,5%, thấp hơn nhiều so với dự đoán khoảng 4,5%. Vốn đầu tư toàn xã hội tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 700 tỉ USD, trong đó, xuất siêu khoảng 15 tỉ USD. Gần 660 km đường bộ cao tốc được đưa vào sử dụng. Các chính sách xã hội, nhất là chính sách đối với người có công, chính sách bảo trợ xã hội và các chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân gặp khó khăn được triển khai thực hiện kịp thời. Các hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động, liên tục. Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và đối tác chiến lược với tất cả các nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các nước G20. Tuy nhiên, với kết quả này, dự kiến tăng trưởng GDP cả năm đạt trên 5%, thấp hơn so với mục tiêu 6,5% như Quốc hội đề ra.
Với tinh thần "yên dân" là nhân tố quyết định mọi thắng lợi, Hội nghị Trung ương 8 đã thống nhất những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong những tháng còn lại của năm 2023 và cho năm 2024; trong đó yêu cầu tập trung tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Trung ương cũng nhấn mạnh sự cần thiết, đúng đắn của việc thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 01/7/2024.
Bên cạnh việc thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội, Hội nghị Trung ương lần này cũng xem xét, quyết định nhiều vấn đề trọng đại, phức tạp, nhạy cảm, có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII từ nay đến hết nhiệm kỳ.
Theo đó, Trung ương nhất trí cao ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội; Nghị quyết mới về tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức nước nhà; Nghị quyết về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Tiếp tục khẳng định đại đoàn kết là nhân tố quan trọng hàng đầu để đạt mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, Trung ương yêu cầu bổ sung, hoàn thiện luật pháp, chính sách sát hợp với tình hình mới để phát huy tốt hơn nữa sức mạnh của tất cả các tầng lớp nhân dân, khơi dậy ý chí và khát vọng phát triển của toàn dân tộc, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện dân chủ hoá đời sống xã hội.
Một nội dung hết sức quan trọng của Hội nghị Trung ương 8 là việc thảo luận, cho ý kiến về Tờ trình quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2026 - 2031.
Việc chuẩn bị nhân sự cấp chiến lược cho khóa tới được nhân dân rất quan tâm bởi thực tế hơn nửa nhiệm kỳ khóa XIII, số lượng Ủy viên Trung ương mắc sai phạm bị kỷ luật, bị truy tố, xét xử tiếp tục tăng lên. Sai phạm ngày càng nghiêm trọng, tác động không nhỏ tới niềm tin của quần chúng nhân dân. Bởi vậy, yêu cầu đặt ra cho công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược lần này là chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch dựa trên cách làm và bài học kinh nghiệm có được từ các nhiệm kỳ trước, đặc biệt là nhiệm kỳ khoá XIII.
Việc sớm quyết định quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2026 – 2031 sẽ tạo thuận lợi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Những cán bộ đã được đưa vào quy hoạch, nếu phát hiện có sai phạm, không đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch đồng thời giới thiệu bổ sung quy hoạch. Lộ trình đặt ra là quy hoạch xong Ban Chấp hành Trung ương mới làm quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sau đó mới đến quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt.
Cũng tại Hội nghị lần này, Trung ương đã thảo luận và thống nhất quyết định thành lập 5 Tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng, xem xét, quyết định một số vấn đề về công tác cán bộ.
Kết quả của Hội nghị Trung ương 8 thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự đoàn kết thống nhất cao của Trung ương. Phát biểu bế mạc Hội nghị, người lãnh đạo cao nhất của Đảng- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tha thiết kêu gọi mỗi Ủy viên Trung ương trên từng cương vị công tác của mình, nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân và Đất nước, tập trung lãnh đạo và tổ chức thực hiện thật tốt các nghị quyết của Trung ương lần này, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và tiến hành chuẩn bị thật tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Theo VOV
- Cà Mau: GRDP nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước
- Bình Dương phấn đấu trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030
- Đến năm 2030, phấn đấu trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái áp dụng IPHM
- Vĩnh Long: Định hướng cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới