Góc nhìn

Nông nghiệp số: Không nhanh sẽ lỡ chuyến tàu

Hoàng Trọng Thủy - 07:05 23/03/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Giá trị của chuyển đổi số trong nông nghiệp, không chỉ là ứng dụng công nghệ tạo thêm giá trị thặng dư cho nền kinh tế; không chỉ là sử dụng thiết bị, công nghệ thông minh để kết nối, bán hàng… mà cao hơn, là giúp cho hàng triệu hộ gia đình nông dân tiếp cận, cập nhật tri thức mới, mở ra cách nghĩ mới, cách làm mới.
Ảnh minh họa.

Có tín hiệu xanh ấm áp, khi các Quỹ bảo hiểm của thế giới đã chọn đầu tư vào thượng nguồn, tức là đầu vào của ngành Nông nghiệp. Ba lĩnh vực thượng nguồn được chọn nhiều nhất là: Quản lý trang trại, thiết bị cảm ứng và Internet vạn vật (IoT). 

Tuy nhiên, năm 2019, đầu tư vào ba mảng trên chỉ chiếm 7% tổng số vốn đầu tư. Điều này cũng có nghĩa rằng, cơ hội đầu tư thượng nguồn vẫn còn dư địa rất lớn, đặc biệt là trong bối cảnh nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đang đẩy nhanh xây dựng hạ tầng công nghệ số.

Tín hiệu ban đầu…

Với kỳ vọng cuộc cách mạng số sẽ thực sự tạo ra sự bứt phá cho nông nghiệp trong những thập niên tới. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề cập đến chủ trương này, với định hướng rõ nét và cụ thể  “Công nghệ số sẽ làm thay đổi từ phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng đến đời sống văn hóa, xã hội; thúc đẩy kinh tế số, xã hội số là tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế để đến năm 2030, hoàn thành xây dựng chính phủ số, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP, đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong khu vực Asean về chính phủ điện tử, kinh tế số”. Đây là mục tiêu đầy tham vọng nhưng không phải là bất khả thi.

Trên thực tế tại Việt Nam, việc số hóa, chuyển đổi số hướng tới xây dựng nông nghiệp số đã có những kết quả ban đầu, đáng mừng như: Ứng dụng Flycam máy quay đa phổ, máy đo diệp lục, máy đo bức xạ quang hợp, độ ẩm, độ PH trong đất. Ứng dụng hệ thống IoT quản lý trang trại và điều khiển tự động hệ thống tưới, bón phân, chiếu sáng cho cây thanh long. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để nhận diện sâu bệnh. Ứng dụng Blockchain để truy xuất nguồn gốc. Từ đó, xây dựng chuỗi cung ứng, bao gồm: Nông dân trồng trọt, chăn nuôi, các nhà cung cấp dịch vụ thiết bị, công ty chế biến, các tổ chức chứng nhận, tín dụng, các nhà xuất khẩu, nhập khẩu. 

Trong lĩnh vực Lâm nghiệp, đã xây dựng được hệ thống thông tin quản lý rừng theo từng lô rừng, mỗi lô rừng có 52 trường dữ liệu khác nhau. Và đang tiến tới phục vụ cho khai thác rừng hay đạt độ che phủ rừng được cập nhật kịp thời trên hệ thống. Riêng với ngành Thủy sản, mô hình nuôi tôm “ba tầng”: Tầng đáy là ao đắp nổi nuôi tôm, tầng mái là các tấm quang năng tạo ra điện, tầng giữa là sản phẩm mới. Các suất ăn được chế biến từ ao nuôi tôm và nguyên liệu trong vườn. Song, ngành Thủy sản còn nhiều việc phải làm như: Số hóa đến từng hộ nuôi để có được số liệu về tình hình sản xuất, sản lượng, chất lượng… phục vụ cho việc quản lý, điều hành sản xuất. Đối với lĩnh vực đánh bắt hải sản trên biển, phải cấp giấy chứng nhận khai thác điện tử cho các tàu đi biển để thông suốt trong quản lý, cơ sở dữ liệu từ khai thác đến chế biến và cấp giấy chứng nhận sản phẩm.

Liên kết, hợp tác và chia sẻ trách nhiệm với ngành Nông nghiệp - Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông muốn phối hợp tổ chức tập huấn cho 11.000 nông dân theo hướng mỗi xã, phường có ít nhất một nông dân thành thạo kỹ năng số để làm hạt nhân lan tỏa ra cộng đồng. Đồng thời, phát động một làn sóng doanh nghiệp công nghệ số trong ngành Nông nghiệp, tham gia nghiên cứu phát triển, triển khai các giải pháp phục ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; đặc biệt là thúc đẩy hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, chủ trang trại, gia trại trở thành một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số, hướng tới mỗi hộ nông dân có ít nhất một người có điện thoại thông minh. Và mỗi hộ có đường truyền cáp quang phổ cập danh tính số, địa chỉ số.

Cần hành động trong cuộc đua tranh đến nền kinh tế số

Mong đợi là vậy, song số hóa, chuyển đổi số trong nông nghiệp không bao giờ là sự dễ dàng từ tư duy, thống nhất nhận thức đến hành động phối hợp của các bộ, ban, ngành, các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế của nông dân và người nông dân. Bởi lẽ, chuyển đổi số không phải là cải tiến, mà là sự sáng tạo mang tính “xóa bỏ” cách làm theo thói quen, kinh nghiệm sẵn có. Với điểm xuất phát rất thấp như hiện nay, nguồn lực tài chính và con người còn phân tán, hạn chế thì mỗi bước đi phải thận trọng và không cho phép sai lầm, không đi tắt đón đầu, không bắt chước làm theo mà phải chính xác từ hành vi ghi chép, theo dõi, cập nhật thông tin hàng ngày cho đầy đủ, chính xác, kịp thời để số hóa từng hộ gia đình/nhóm/tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp… những đơn vị cơ sở nhỏ nhất để hình thành nên dữ liệu cơ sở, kết nối thành hệ thống Dữ liệu Quốc gia để thực hiện chuyển đổi số. Việc này, cần được triển khai ngay, nhưng phải thực hiện từng bước, chắc chắn không ngừng. Vì vậy, phải xây dựng kế hoạch số hóa, chuyển đổi số cụ thể trong ngành trồng trọt, chăn nuôi, trong nông, lâm, thủy sản cho từng năm và dài hạn.

Giá trị của chuyển đổi số trong nông nghiệp, không chỉ là ứng dụng công nghệ tạo thêm giá trị thặng dư cho nền kinh tế; không chỉ là sử dụng thiết bị, công nghệ thông minh để kết nối, bán hàng… mà cao hơn, là giúp cho hàng triệu hộ gia đình nông dân tiếp cận, cập nhật tri thức mới, mở ra cách nghĩ mới, cách làm mới, sẵn tinh thần thay đổi để làm cùng nhau, tất cả cùng làm - đây là một nhu cầu bắt buộc.

Để những hy vọng được thắp lên một khi con người, tổ chức, công nghệ cùng “vào trận” thì sớm có lời giải cụ thể của các thách thức nền nông nghiệp nước nhà; thúc đẩy những “cánh đồng lớn”, “cánh đồng không dấu chân người” hay các bộ cảm biến, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, máy bay phun thuốc trừ sâu…không còn xa lạ với nông thôn, nông nghiệp, nông dân Việt Nam.

Việc cần làm ngay lúc này là các bộ, ngành, từng địa phương, từng doanh nghiệp cho đến người dân và các cấp Hội Nông dân cần hành động trong cuộc đua tranh đến nền kinh tế số, xã hội số. Việc đặt ra ngay trong lúc này là cần tìm những người giỏi, những cán bộ thật sự tài năng được tổ chức thành bộ phận chuyên trách, trực tiếp đảm nhiệm công việc số hóa, chuyển đổi số ở cơ quan, địa phương mình… để mỗi tổ chức, cá nhân trở thành một thành phần không thể thiếu trong khả năng chống chịu và phục hồi kinh tế dài hạn sau đại dịch Covid - 19; một động lực mới thúc đẩy tiếp nối cho kinh tế tăng trưởng và đổi mới sáng tạo - Nếu chần chừ và do dự, nếu không thống nhất về ý chí và dám thay đổi hành vi thì sẽ lỡ chuyến tàu. 
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác