Nhà nông với khoa học, kỹ thuật

Ứng dụng kỹ thuật giúp người trồng na Bắc Giang phấn khởi vì tiêu thụ thuận lợi

Nguyễn Thế Dương - 15:39 31/07/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Từ đầu năm đến nay, do thời tiết thuận lợi đối với sự sinh trưởng, phát triển nên cây na tại các vùng trồng tỉnh Bắc Giang cho năng suất, sản lượng cao hơn so với năm trước. Hiện nay đang vào đầu vụ thu hoạch, sản lượng na tại Bắc Giang dự kiến đạt 16.000 tấn (tăng gần 1.000 tấn so với cùng kỳ năm 2023). Hiện người dân các địa phương đã thu hoạch hơn 220 tấn na.
TIN LIÊN QUAN

Áp dụng kỹ thuật thụ phấn nhân tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và kéo dài thời vụ

Sản phẩm na ở Lục Nam được đánh giá là sản phẩm OCOP 3 sao. Điểm nổi bật của na dai Lục Nam những năm gần đây là quả trái vụ. Nhờ áp dụng biện pháp rải vụ, kỹ thuật thụ phấn nhân tạo, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và kéo dài thời vụ thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 12, các chủ vườn không chịu nhiều sức ép trong khâu tiêu thụ, thị trường tiêu thụ quả tương đối thuận lợi, do đó giá trị kinh tế, chất lượng quả na được nâng lên rõ rệt.

Toàn tỉnh Bắc Giang hiện có hơn 2.000ha na, tập trung ở một số xã như: Huyền Sơn, Nghĩa Phương, Đông Phú (huyện Lục Nam) và một số xã của huyện Lục Ngạn. Do thời tiết thuận lợi nên na năm nay quả to, đều, mẫu mã đẹp hơn, cho năng suất, sản lượng cao hơn so với năm trước và tiêu thụ thuận lợi khiến người trồng na rất phấn khởi.

Hiện, giá bán na tại vườn đang dao động từ 35 - 60.000 đồng/kg tùy loại. Giá bán này được xem là cao (tương đương so với cùng kỳ năm ngoái). Theo dự đoán, giá na sẽ duy trì ổn định ở mức trên trong khoảng 10 ngày tới, trước khi vào chính vụ. Theo lãnh đạo UBND xã Nghĩa Phương (huyện Lục Nam), hiện nay địa phương có hơn 400ha na, sản lượng vụ này ước đạt 10 nghìn tấn, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước. Người dân thường hái na vào ban đêm để sáng sớm bán cho các tiểu thương đưa đi tiêu thụ.

Do thời tiết thuận lợi nên năm nay na tại Lục Nam quả to, đều, mẫu mã đẹp hơn, cho năng suất, sản lượng cao hơn so với năm trước và tiêu thụ thuận lợi.

Na dai của huyện Lục Nam từ lâu nổi tiếng bởi hương vị thơm, ngọt mát, bùi, dẻo dai, được nhiều người biết đến. Cây na dai được trồng ở Lục Nam từ lâu để ăn chơi cho đến khoảng những năm 1987-1988, nhiều người được ăn, thấy giống na ngon, họ để giống và đặt vườn. Quả na dai Lục Nam bắt đầu vươn xa, theo chân các thương lái đến nhiều vùng khác nhau. Từ những năm 1990, người dân Lục Nam bắt đầu phát triển thêm diện tích trồng na. Đặc biệt, khoảng 15 năm trở lại đây, cây na trở thành cây phát triển kinh tế chính của địa phương. Trải qua hàng chục năm trồng, chăm sóc, người trồng na ở Lục Nam đã tuyển chọn được các giống na ngon, tìm ra cách chăm sóc để cho na ra sai quả. Có giống na ngon, có kỹ thuật chăm tốt, na Lục Nam đã trở thành cây trồng mũi nhọn của người dân Lục Nam.

Huyền Sơn là "vựa na" của huyện Lục Nam. Các vườn na nơi đây đang phát triển tốt, đang vào vụ thu hoạch. Ông Nguyễn Đức Bồn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Huyền Sơn cho biết, do quả na dai thơm, ngon được nhiều người biết đến, nên na đã trở thành cây phát triển kinh tế chính của vùng quê này. Na dai Lục Nam vươn xa, theo chân các thương lái đến nhiều vùng khác nhau, đặc biệt là Hà Nội, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng rồi đến khu vực miền Trung…

Độc đáo kỹ thuật tỉa cành để “bắt” quả na trổ ra từ thân cây

Điều đáng nói, người dân xã Huyền Sơn có "mẹo" để quả na trổ ra từ thân. Quả hút dinh dưỡng trực tiếp từ thân cây nên căng mọng, ngọt lịm và nhiều nước. Theo ông Bùi Văn Quang, Chủ nhiệm HTX sản xuất na dai Lục Nam, từ quan sát thực tế, những quả na ra từ thân đều to, mã đẹp nên ông thực nghiệm cắt hết đầu cành na với chiều dài từ 15 - 20cm. Vậy là từ thân cành, lộc ra khá nhiều, sau đó trổ hoa, đậu quả. Ông đã mạnh dạn áp dụng cách làm này trên diện tích hơn 1,5 mẫu vuờn na của gia đình.

Ông Bùi Văn Quang, Chủ nhiệm HTX sản xuất na dai Lục Nam - người đi đầu áp dụng kỹ thuật lai tạo na dai ở xã Huyền Sơn.

Ông Quang chia sẻ, để làm điều này cần đốn toàn bộ cành cây cao vào trung tuần tháng 11 năm trước, cắt bớt một số cành cho thoáng, để cây không tốn dinh dưỡng nuôi cành. Quả ra từ thân sẽ hấp thụ dinh dưỡng nhanh hơn ở cành nên thường cho quả to. Để cây khỏe bật mầm, ra hoa sớm và quả đẹp nên chăm bón, phục hồi cây sau thu hoạch, cần phòng trừ một số sâu bệnh thường gặp như giòi quả, bệnh vàng lá, bọ nhảy, muội đen, sâu….

Vườn na của gia đình ông Phương Minh Hiến, thành viên HTX sản xuất na dai Lục Nam ở thôn Khuyên, xã Huyền Sơn có quả chín, quả xanh, quả non và hoa theo ý muốn người trồng là nhờ kỹ thuật tỉa cành và thụ phấn nhân tạo, điều chỉnh lượng quả trên cây ở từng giai đoạn. Ông Phương Minh Hiến chia sẻ: "Dù ra hoa chậm hơn một tháng, nhưng bù lại năng suất đạt gần 20 tấn/ha. Đó là thành tích mơ ước của người trồng na". Hiện trên diện tích canh tác 3ha, trồng 600 gốc na dai, trừ chi phí, gia đình ông Hiến thu lãi trên 200 triệu đồng/năm.

Tại nhà vườn gia đình ông Phương Minh Hiến ở xã Huyền Sơn, 100% cây na đều ra quả từ thân.

Không chỉ Huyền Sơn, các xã Nghĩa Phương, Đông Phú, Lan Mẫu cũng phát triển các vườn na. Lục Nam cũng là địa phương đầu tiên tìm tòi và áp dụng phương pháp thụ phấn bổ sung vừa để kéo dài mùa vụ thu hoạch na, vừa tránh việc na chín rộ dẫn đến không kịp thu hoạch. Thêm vào đó, việc sử dụng tro rơm để trộn vào phân bón cho cây của người dân địa phương cũng giúp bổ sung Kali làm tăng quá trình phân hóa mầm non, giảm tỷ lệ rụng và tăng tỷ lệ đậu quả, nâng cao chất lượng nông sản thông qua quá trình tích lũy đường, vitamin, giúp cho màu sắc quả đẹp hơn, hương vị quả thơm hơn và tăng khả năng bảo quản. Chính vì vậy, na Lục Nam có màu tươi hơn và lâu bị thâm quả hơn so với nhiều loại na khác.

Na dai Lục Nam dạng khối hình trái tim, vỏ quả sần, có màu xanh hơi vàng, kẽ mắt có màu vàng trắng. Quả có đường kính 74,31-89,68mm, chiều cao 68,66-85,84mm, trọng lượng quả ở mức 299,56 - 466,40g/quả. Tỷ lệ phần ăn được của na dai Lục Nam ở mức 54,20 - 66,75%. Khi ăn, na có mùi thơm nhẹ và vị ngọt thanh, chua nhẹ, không chát. Sở dĩ na dai Lục Nam có mùi vị đặc trưng như vậy là do hàm lượng đường tổng số và độ Brix trong quả cao (hàm lượng đường tổng số: 12,05-12,56%; độ Brix: 15,96-19,04 %), trong khi hàm lượng Axit và Vitamin C trong quả thấp hơn các sản phẩm cùng loại khác (hàm lượng Axit tổng số: 1,61-1,90%; hàm lượng Vitamin C: 36,79-43,38mg/100g tươi phần ăn được). Đặc biệt, na Lục Nam còn có hàm lượng Cellulose (chất xơ) cao (ở mức 0,88-1,62%).

Phát huy sự thuận lợi địa hình để áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào trồng na

Ở những điểm trồng na dai Lục Nam thường là các sườn đồi có độ dốc <15 độ thuộc địa hình vùng rẻo cao và vùng đồi núi thấp, rất thuận lợi cho việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất. Do vùng trồng na Lục Nam ở khu vực chân núi và đồi núi thấp, nên chất lượng quả na dai Lục Nam thường ngọt hơn so với các sản phẩm na khác được trồng trên những ngọn núi đá vôi cao. Huyện Lục Nam có dòng sông Lục chảy qua, những dải đất ven sông được bồi đắp phù sa thích hợp với sự phát triển của cây na. Thổ nhưỡng của khu vực địa lý gồm nhóm đất vàng đỏ và nhóm đất tầng mỏng. Đất có thành phần cơ giới trung bình, thịt pha sét và cát. Đất có phản ứng chua nhiều, độ pH H2O tầng 1 giao động 4,4-5,4, độ pH KCl tầng 1 giao động 3,80-4,60. Độ pH ở các vùng đất trồng na dai Lục Nam có sự khác biệt hoàn toàn đối với các vùng trồng na dai khác và rất phù hợp với đặc tính ưa đất chua của cây na.

Ngoài các yếu tố tự nhiên của khu vực địa lý, kỹ thuật sản xuất, thu hoạch và bảo quản của nông dân địa phương cũng góp phần tạo nên đặc thù của na dai Lục Nam. Sau mỗi vụ thu hoạch, người trồng na dai tại Lục Nam có kinh nghiệm đốn tỉa các cây già yếu, hoặc cắt cành mọc trong tán trên cây na đang thời kỳ sung sức, kết hợp bón phân, chăm sóc để cây na cho nhiều quả, quả to, chất lượng tốt. Đặc biệt, việc đốn tỉa còn làm cho na ở Lục Nam ra hoa, đậu quả trên thân cây, khắc phục việc ra quả ở đầu cành dễ bị gió quật làm cho quả bị rơi xuống đất, vỡ nát.

Áp dụng kỹ thuật “bắt” na ra quả từ thân cây tại vườn nhà ông Phương Minh Hiến, xã Huyền Sơn.

Theo số liệu của phòng NN&PTNT huyện Lục Nam, toàn huyện hiện trồng khoảng 1.700 ha na, sản lượng na ước đạt 17.000 tấn, doanh thu trên 400 tỷ đồng/năm. Riêng xã Huyền Sơn có 10/15 thôn trồng na, diện tích canh tác khoảng 120ha, tập trung tại các thôn Văn Giang, Giếng Giang, toàn xã đạt thu khoảng 30 tỷ đồng/năm, nhờ đó mà người dân phấn khởi bám đất, giữ rừng.

Để phát huy lợi thế vùng đồi, UBND xã Huyền Sơn đề ra nhiều biện pháp phát triển cây na thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực như: Quy hoạch vùng trồng na hàng hóa; thành lập HTX sản xuất na dai Lục Nam quy tụ các xã viên để giúp đỡ nhau về kỹ thuật sản xuất; cử các hộ trồng na tiêu biểu tham gia Hợp tác xã na của huyện; mở rộng diện tích canh tác na; thực hiện các thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận hàng hoá cho sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng, tạo uy tín và thương hiệu cho na dai Lục Nam nói chung, xã Huyền Sơn nói riêng.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác