Nhà nông với khoa học, kỹ thuật

Hiệu quả từ canh tác giống lúa lai An Nông 0818

Hương Giang - 10:24 22/07/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Thời gian qua, giống lúa lai 3 dòng An Nông 0818 đã được sản xuất tại tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Đây là giống lúa có chất lượng cao, cơm ngon, dẻo cơm, để nguội cơm vẫn dẻo và giữ nguyên hương vị.
TIN LIÊN QUAN

Giống lúa An Nông thích hợp trên các chân đất bằng phẳng

Giống lúa lai 3 dòng An Nông 0818 do Công TNHH Khoa học Nông nghiệp Canh Vân Hi Đức Tứ Xuyên, Trung Quốc lai tạo và sản xuất; Được cấp phép đăng ký lưu hành tại Việt Nam cho Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp An Nông.

Theo Ths. Phan Anh Thế (Công ty TNHH Profesfar Việt Nam), giống lúa lai 3 dòng An Nông 0818 đã được Bộ NN&PTNT cấp phép lưu hành tại Việt Nam do Công ty TNHH Profesfar Việt Nam độc quyền cung ứng tại 2 tỉnh trồng nhiều lúa lai nhất của cả nước là Nghệ An và Hà Tĩnh.

Thực hiện việc xây dựng Mô hình trình diễn giống lúa lai 3 dòng An Nông 0818, Công ty TNHH Profesfar Việt Nam, Công ty TNHH PTNN An Nông phối hợp với Sở NN&PTNT Nghệ An, Chi cục TT&BVTV Nghệ An, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An, UBND huyện Thanh Chương, Yên Thành, Diễn Châu đã phối hợp đánh giá hiệu quả phương thức canh tác, chất lượng của giống lúa lai này.

Bà Võ Thị Nhung, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An đánh giá cao giống lúa An Nông 0818. Mô hình thực hiện tại xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương, Nghệ An, vụ Xuân 2024.

Thời gian sinh trưởng trung bình của An Nông 0818 tương đương các giống lúa lai khác, dễ bố trí mùa vụ, trồng được các vụ trong năm. Thời gian sinh trưởng từ 130-135 ngày, 105-105 ngày ở vụ Hè Thu – vụ Mùa. Rất thích hợp trên các chân đất vàn (bằng phẳng), vàn thấp. Thích hợp vừa phải trên các chân đất quá sâu trũng. Giống lúa này chống chịu với một số loại sâu bệnh hại chính như đạo ôn, rầy nâu...

Trên chân đất vàn, vàn thấp trong điều kiện thâm canh, An Nông 0818 có thể đẻ từ 15-30 dảnh/khóm với mật độ cấy 32-25 khóm/m2. Trên chân đất vàn cao, có thể đẻ từ 10-15 dảnh/khóm. Tỷ lệ hữu hiệu đạt gần như tuyệt đối. Độ đồng đều các bông cao, không có bông nhỏ.

Ông Nguyễn Tiến Đức - Chi Cục trưởng Chi cục TT&BVTV (thứ 2 từ trái sang), ông Tạ Quang Sáng - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh (ngoài cùng bên trái), ông Nguyễn Đình Hương, Phó Chi cục trưởng - Chi cục TT&BVTV tỉnh Nghệ An (thứ 3 từ trái sang) thăm mô hình An Nông 0818 tại Nghệ An.

Giống An Nông 0818 là giống lúa lai 3 dòng năng suất cao nhưng cơm lại rất ngon. Năng suất từ 10-12 tấn/ha. Hạt giống chắc mẩy không lép lửng như các giống lúa lai khác, tỷ lệ nảy mầm cao, mầm mạnh, là giống ưa thâm canh, khả năng chịu rét tốt, đẻ nhánh khỏe và tập trung, ít dảnh vô hiệu, chiều cao cây từ 95-105 cm, dạng hình đẹp, cứng cây chống đổ rất tốt. Màu sắc lá xanh đậm, bộ lá đòng xanh bền, phiến lá to, trỗ gọn tập trung.

An Nông 0818 độ đồng đều cao. Mô hình thực hiện tại xã Phú Thành, Yên Thành, Nghệ An vụ Xuân 2024

Bông lúa to, dài, nhiều hạt, tỷ lệ hạt chắc cao, chín tập trung số hạt trên mỗi bông từ 250-380, tỷ lệ hạt chắc trên mỗi bông đạt từ 85-92%. Gạo từ giống lúa An Nông 0818 thuộc nhóm gạo cao cấp, thích hợp cho xuất khẩu và phân khúc thị trường người tiêu dùng cao cấp. Hạt gạo > 7,28 mm, trắng trong.

Kỹ thuật trừ cỏ cho ruộng 

Theo Ths. Phan Anh Thế (Công ty TNHH Profesfar Việt Nam), vấn đề đau đầu của nhà nông là sau khi sử dụng thuốc trừ cỏ mà cỏ vẫn mọc nhiều. Sau đây là các vấn đề cần lưu tâm.

Mộng gieo bắt buộc đã phải có mầm và rễ mầm; Ruộng gieo phải phẳng, tránh đọng nước, việc nước đọng khiến thuốc dồn về chỗ trũng sau khi phun và chỗ đọng thuốc lúa sẽ chết và chỗ cao không đủ thuốc, cỏ sẽ mọc bình thường.

Lượng nước phun tối thiểu phải 400l/ha. Nhiều người cho rằng, phun trên ruộng lúa gieo ẩm rồi không cần nhiều nước là sai lầm, bởi cần độ phủ để thuốc phân tán đều mặt ruộng; Nên phun ngay sau khi là phẳng ruộng (trước khi gieo), nếu lúc đó ruộng nhão bùn có thể phun trước 1 ngày hoặc một buổi đợi bùn đặc lại thì tiến hành gieo. Nếu để muộn, đất khô nước, phun thuốc xuống không phân tán đều được dẫn đến cỏ sẽ mọc chỗ không có thuốc.

Ông Phan Duy Hải (người đội mũ), Phó chi cục trưởng - Chi cục TT&BVTV Nghệ An thăm mô hình An Nông 0818 do Profesfar Việt Nam thực hiện.

Trong vụ Xuân hay mưa nhiều, giá rét, vấn đề độ ẩm của ruộng luôn đảm bảo thì nên phun muộn hơn so với khuyến cáo khoảng 3 ngày trở lên, tuỳ nhiệt độ, càng thấp thì nên phun càng muộn. Vì cơ chế của thuốc hấp thu qua mầm cỏ, trong điều kiện lạnh hạt cỏ sẽ nảy mầm muộn hơn. Ví dụ cỏ lồng vực vụ Hè sau làm đất khoảng 2-3 ngày là nảy mầm, vụ đông có thể 4-7 ngày mới nảy mầm. Phun sớm, hạt cỏ lên muộn, lúc lên thuốc có thể đã giảm hoặc hết hiệu lực, cỏ vẫn lên. Tuy nhiên, nếu đêm lạnh mà ngày nhiệt độ trên 25 độ C thì hạt cỏ vẫn nảy mầm nhanh. Nên có thể xử lý sớm như khuyến cáo.

Trong vụ Hè Thu, vụ Mùa, gieo xong nên phun ngay, vì nhiệt độ cao, mặt ruộng nhanh khô, khi thuốc phun tiếp xúc mặt ruộng thiếu ẩm độ khiến thuốc không phân tán kín đều trên mặt ruộng. Nếu bùn nhão quá, có thể phun trước gieo 1 ngày hoặc nửa ngày. Tuy nhiên nếu mặt ruộng còn nhão quá còn đọng từng vũng nước thì phải đợi hơi se ruộng mới phun.

Sau khi phun thuốc khoảng 4 ngày, hoặc đến lúc thấy đất se cứng thì lập tức cho nước vào ruộng giữ ẩm, để mặt ruộng không bị nứt. Nếu mặt ruộng nứt nẻ, màng thuốc trên mặt ruộng bị rách, các hạt cỏ sẽ theo rãnh nẻ mọc lên mà không bị trúng thuốc.

Thời gian giữ ẩm ruộng vụ Hè khoảng 10 ngày sau gieo, vụ Xuân khoảng 15 ngày sau gieo. Nếu dùng thuốc nước, nên dùng dạng nhũ dầu (EC), nếu dùng thuốc bột nên dùng bột hoà tan trong nước (WG) hiệu quả sẽ cao hơn.

Lưu ý: Nếu sử dụng nhiều các năng lượng hoá thạch như thuốc cỏ, phân vô cơ nhiều năm, kết cấu đất sẽ giảm dần, giữ nước kém, dễ rạn nứt, tạo ra nhiều rãnh nẻ, đó cũng là lý do vì sao mà hiệu quả trừ cỏ của tất cả các loại thuốc ngày càng giảm. Vì vậy nên cố gắng bổ sung phân bón hữu cơ hàng năm.

Theo Thạc sĩ. Phan Anh Thế  Có thể sử dụng thuốc NewYORKFIT-USA 370EC có chứa 280g/l Pretilachlor và 90g/l Butachlor để phòng trừ các loại cỏ dại trên lúa gieo sạ. Ngoài trừ cỏ, Pretilachlor trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam đã được đăng ký để trừ lúa cỏ (lúa ma).

Quy trình gieo cấy:

Lượng giống sử dụng: Nếu gieo cấy theo phương pháp cải tiến SRI lượng giống cần khoảng 12-16 kg/ha. Gieo cấy theo phương pháp truyền thống hoặc gieo sạ từ 16-24 kg/ha.

Canh tác cần tuân theo chỉ đạo của địa phương, có thể tham khảo khung lịch sau: Vụ Xuân sớm: Từ ngày 01/12-25/12; Xuân chính vụ từ ngày 25/12-20/01; Xuân muộn từ ngày 21/1-20/2; Vụ Hè Thu từ ngày 15/5-10/6 và vụ mùa từ ngày 25/6-05/7.

Ngâm ủ giống lúa An Nông 0818: Hạt giống được cắt ra khỏi bao, phơi nắng nhẹ. Dụng cụ ngâm phải sạch, không dùng các dụng cụ đựng các hóa chất như sơn, dầu,… Thời gian ngâm từ 14-16 giờ, nếu thời tiết lạnh có thể ngâm 18-20 tiếng. Thay nước 3-4 tiếng một lần, để rửa chua, chỉ nên ngâm tối đa 24 giờ. Nên ngâm nhiều nước.

Kỹ thuật gieo, cấy giống lúa An Nông 0818: Thời điểm gieo đối với giống An Nông 0818 khi mầm mộng (mầm cây không phải mầm rễ) bằng 1/4 chiều dài hạt thóc, là thời điểm gieo tốt nhất.

Gieo mạ cấy: Mật độ gieo từ 50-60g/m2 để đảm bảo mạ đanh dảnh, có ngạnh trê, tức cần 20m2 để gieo 1kg giống An Nông 0818.

Gieo sạ: Đối với sạ lan (gieo thẳng bằng tay) từ 24-32kg/ha (từ 1,2 -1,6kg/sào 500m2).  Đối với sạ hàng bằng máy từ 16-24kg/ha (từ 0,8-1,2kg/sào 500m2).

Gạo An Nông 0818 thuộc nhóm gạo cao cấp, ngon, dẻo.

Làm mạ: Cần che phủ nilon chống rét ở vụ Xuân, lưu ý lúc dỡ nilon phải luyện mạ, dỡ từng góc, và dỡ ra một lúc rồi đậy lại, nếu dỡ hết ngay mạ có thể chết.

Thời điểm cấy: Đối với chân đất vàn, cấy mạ đủ tuổi tức từ 3,5-4,0 lá thật, muộn nhất 6 lá.

Đối với chân đất vàn cao: Nên cấy mạ giai đoạn 3-3,5 lá thật (lúc mạ đã đẻ nhánh), tốt nhất cấy mạ xúc, cây mạ còn dính với hạt thóc.

Đối với đất sâu trũng: Nên cấy mạ già, đã đẻ 4,0-4,5 dảnh, khi cấy xuống không cần đẻ nữa. Vì đất sâu trũng nước ngập sâu khả năng đẻ nhánh bị ảnh hưởng.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác