Diễn đàn mở

Bà Rịa - Vũng Tàu lấy ý kiến người dân về tên huyện, xã khi sáp nhập

Nguyễn Vân - 07:05 23/04/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - (Tapchinongthonmoi,vn) - Ngày 22/4, tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Sở Nội vụ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ lấy ý kiến cử tri về dự thảo đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh.

Theo báo cáo của Sở Nội vụ, giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có một ĐVHC cấp huyện thuộc diện sắp xếp là huyện Long Điền; 4 ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp, bao gồm một phường và ba xã. Về phương án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, dự kiến nhập toàn bộ diện tích, dân số của huyện Long Điền vào huyện Đất Đỏ, thành lập huyện Long Đất.

Theo Sở Nội vụ, Long Đất không phải là tên gọi mới, tên gọi Long Đất có từ tháng 5/1951 khi đó tỉnh Bà Rịa - Chợ Lớn được thành lập gọi tắt là tỉnh Bà Chợ; được hình thành trên cơ sở sáp nhập hai huyện Long Điền và Đất Đỏ thành huyện Long Điền - Đất Đỏ gọi tắt là Long Đất. Trải qua nhiều lần chia tách, sáp nhập 2 huyện trong lịch sử trước đây. Vì vậy, huyện Long Điền và huyện Đất Đỏ có chung các yếu tố đặc thù về truyền thống, lịch sử hình thành, kết cấu cộng đồng dân cư và phong tục tập quán của địa phương.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: ĐVCC

Việc sắp xếp, sáp nhập huyện Long Điền vào huyện Đất Đỏ để thành lập huyện Long Đất nhằm tiếp nối truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời của vùng đất này, đảm bảo quy mô diện tích tự nhiên phù hợp với năng lực quản lý của chính quyền địa phương; đảm bảo điều kiện tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có, các thế mạnh kinh tế, đảm bảo phát triển hài hòa và bền vững; góp phần tăng quy mô đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội.

Đối với việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã An Nhứt vào xã An Ngãi và xã Tam Phước và có tên gọi là xã Tam An. Tam An là địa danh có sẵn trước khi sáp nhập, có sự kết hợp hài hòa của 3 địa phương, phù hợp với quy định, các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa.

Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Lộc An vào xã Phước Hội. Thành lập xã Phước Hội trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Long Mỹ vào thị trấn Phước Hải. Thành lập thị trấn Phước Hải trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số.

Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Phước Hiệp, TP. Bà Rịa vào phường Phước Trung, TP. Bà Rịa; thành lập phường Phước Trung, nơi đặt trụ sở làm việc tại trụ sở phường Phước Trung hiện hữu. Sau sáp nhập, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 7 đơn vị hành chính cấp huyện, giảm 1 đơn vị và 77 đơn vị hành chính cấp xã giảm 5 đơn vị.

Cử tri, người dân sinh sống tại các địa phương nói trên sẽ được phát phiếu lấy ý kiến về việc có đồng ý hay không đồng ý hoặc có ý kiến khác về tên đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới. Sau đó, HĐND hai cấp tập hợp và thông qua tên gọi mới với thời gian trước ngày 15/5/2024.

Theo Sở Nội vụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, việc sắp xếp đơn vị hành chính và đặt tên gọi sau sáp nhập là phù hợp với yếu tố lịch sử, có nét tương đồng về điều kiện tự nhiên, văn hóa, phong tục, tập quán, nhằm ít gây xáo trộn, giảm khối lượng công việc để thực hiện các thủ tục chuyển đổi con dấu, giấy tờ cho tổ chức, cá nhân ở các đơn vị hành chính chịu sự tác động, có thể gây lãng phí.

Việc xác định tên gọi của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp, lựa chọn vị trí đặt công sở, các chế độ, chính sách đặc thù... khi thực hiện phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 đã được các địa phương, đơn vị tập trung tuyên truyền, triển khai sâu rộng, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác