Bắc Giang công nhận thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu năm 2024
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ký các Quyết định số 65/QĐ-UBND, 70/QĐ-UBND, 71/QĐ-UBND và 74/QĐ-UBND công nhận 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, bao gồm: Xã Nam Dương (thị xã Chũ); Xã Yên Sơn (huyện Lục Nam); Xã Thường Thắng (huyện Hiệp Hòa) và xã Hợp Thịnh (huyện Hiệp Hòa).
Ngoài ra, Quyết định số 72/QĐ-UBND và 73/QĐ-UBND công nhận 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu gồm xã Đoan Bái (huyện Hiệp Hòa) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về Giáo dục và xã An Thượng (huyện Yên Thế) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về Y tế.
Việc công nhận các xã đạt chuẩn NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu là sự ghi nhận những nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương trong việc xây dựng NTM cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tổ chức công bố quyết định và tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được trong thời gian tới.
Trước đó, Hội đồng thẩm định xét, đề nghị công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 của tỉnh đã họp thảo luận, bỏ phiếu đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh công nhận cho các xã.
Người dân đồng lòng xây dựng NTM
Ông Hà Minh Quý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Giang cho biết: Tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thông qua phong trào thi đua "Bắc Giang chung sức xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2021-2025.
Phong trào thi đua đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ các cấp, các ngành và người dân trên địa bàn toàn tỉnh. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện phong trào một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, các nội dung, giải pháp được đề ra đều mang tính thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đồng thời đảm bảo việc bố trí, sử dụng hợp lý và hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM.
Hưởng ứng cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", các sở, ban, ngành của tỉnh đã lựa chọn và triển khai nhiều phần việc thiết thực gắn với xây dựng NTM, góp phần tạo nên không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp trên địa bàn.
Đặc biệt, người dân Bắc Giang đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, tích cực tham gia đóng góp sức người, sức của cho xây dựng NTM. Toàn tỉnh đã vận động người dân hiến 25.732 m2 đất, đóng góp trên 9,3 tỷ đồng và 7.115 ngày công để làm đường giao thông, kênh mương nội đồng, nhà văn hóa… Các huyện Việt Yên, Tân Yên, Lục Ngạn là những điển hình trong việc huy động sự đóng góp của người dân.
Đến nay, toàn tỉnh có thêm 24 xã đạt chuẩn NTM các loại, bao gồm 05 xã NTM, 12 xã NTM nâng cao và 7 xã NTM kiểu mẫu. Kết quả này vượt 14,3% kế hoạch đề ra.
Về chất lượng, số tiêu chí bình quân toàn tỉnh đạt 18,0 tiêu chí/xã, tăng 0,2 tiêu chí so với năm 2023. Toàn tỉnh có thêm 79 thôn NTM kiểu mẫu, vượt 12,5% kế hoạch.
Ngoài ra, hiện tỉnh Bắc Giang có 334 sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao (vải thiều Lục Ngạn Hồng Xuân); 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 23 sản phẩm 4 sao, 308 sản phẩm 3 sao.
Những thành quả này khẳng định sự nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân trong việc triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Đặc biệt, huyện Tân Yên đang tập trung thực hiện các tiêu chí huyện NTM nâng cao, phấn đấu đạt chuẩn vào năm 2025.
Với những kết quả đạt được, Bắc Giang tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu về xây dựng NTM trong khu vực Trung du miền núi phía Bắc.
Theo ông Hà Minh Quý, quy hoạch tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được phê duyệt, tạo cơ sở để các địa phương triển khai đồng bộ, kết nối nông thôn - đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân.
Để đô thị hóa bền vững, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao chất lượng phong trào thi đua, tập trung vào xây dựng NTM, đô thị văn minh. Các địa phương cần hoàn thành các tiêu chí trọng tâm như phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, gắn kết giữa đô thị và nông thôn, bảo vệ môi trường và giữ gìn văn hóa truyền thống.
Những địa phương đạt chuẩn NTM và hướng tới đô thị hóa cần rà soát, khắc phục các tiêu chí còn thiếu như lao động phi nông nghiệp, hạ tầng đô thị, dịch vụ công, môi trường. Đặc biệt, cần chú trọng quy hoạch hạ tầng giao thông, kết nối giữa các đô thị, khu công nghiệp, đồng thời dành quỹ đất cho công trình công cộng như bãi đỗ xe, công viên, khu văn hóa - thể thao.
Việc quản lý chặt chẽ đầu tư phát triển đô thị là cần thiết. Trên cơ sở quy hoạch, các địa phương cần lập kế hoạch phát triển, xác định danh mục dự án ưu tiên và huy động nguồn lực để phát triển hệ thống hạ tầng, tạo động lực thu hút đầu tư, góp phần xây dựng đô thị ngày càng văn minh, hiện đại.