Nghệ An: Những đổi thay từ thành quả xây dựng nông thôn mới
Nông thôn mới – trọng tâm phát triển kinh tế
Người xưa có câu “Có thực mới vực được đạo” không chỉ phản ánh đơn thuần về việc phải đảm bảo bản thân ấm no để có thể học tập và làm việc tốt mà còn liên quan đến việc hành động và thực hiện những mục tiêu lớn hơn trong cuộc sống. Do đó, để hoàn thành các mục tiêu đề ra, vấn đề cốt lõi là xây dựng được nền kinh tế đủ vững mạnh mới có thể tiến đến những vấn đề sâu xa hơn.
Nghệ An là tỉnh có địa bàn rộng lớn, có nhiều thành phần dân tộc sinh sống ở các vùng miền khác nhau; Xuất phát điểm trong xây dựng NTM của tỉnh rất thấp (năm 2010 bình quân chỉ đạt 3,64 tiêu chí/xã, 50 xã không đạt tiêu chí nào), số xã triển khai xây dựng NTM lớn. Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ ở khu vực nông thôn còn nhỏ lẻ, hiệu quả thấp; các hình thức tổ chức sản xuất đổi mới còn chậm;...Những điều đó dẫn đến đời sống của cư dân ở các vùng nông thôn còn nhiều khó khăn.
Xác định rõ điều đó, thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới tỉnh Nghệ An đã lấy phát triển kinh tế làm nhiệm vụ trọng tâm, là thước đo về những đổi thay tích cực, toàn diện trên mọi lĩnh vực.
Minh chứng cho điều này có thể nhắc đến ở lĩnh vực phát triển kinh tế nông nghiệp trong việc thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; các làng nghề chế biến nông sản được hình thành và mở rộng, tạo thêm việc làm tại chỗ cho người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh giảm nghèo bền vững ở nông thôn nhất là các xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Nhờ đó, hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xuất hiện nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung tạo vùng liên kết theo chuỗi giá trị, vùng hàng hóa rộng lớn hướng đến xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp. Điển hình như: vùng rau hàng hóa ở Nghi Long (Nghi Lộc), Quỳnh Bảng, Quỳnh Minh, Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu); bí xanh ở Thanh Liên, Thanh Tiên, Thanh Hòa (Thanh Chương),...
Đặc biệt, từ xây dựng vùng kinh tế hàng hóa tập trung đã tạo tiền đề để hình thành nền kinh tế tập thể, toàn tỉnh có 701 HTX nông nghiệp, trong đó có 466 HTX hoạt động hiệu quả; có 2 Liên hiệp Hợp tác xã; có 349 Tổ hợp tác tính đến thời điểm 31/3/2024.
Song song với đó, việc triển khai thực hiện chương trình OCOP đã góp phần thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở một số địa phương, điển hình như: Chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng sen của HTX nông nghiệp Sen quê Bác; chuyển đổi từ đất trồng màu và đất trồng lúa sang trồng cà gai leo, dây thìa cây, giảo cổ lam tại công ty cổ phần dược liệu Pù Mát; Trồng Nhân trần tại Mã Thành huyện Yên Thành, Mùi Tàu tại Diễn Thái huyện Diễn Châu,...; sang trồng Nho của các HTX Nghi Trung, Khánh Hợp huyện Nghi Lộc và Nghĩa Thuận TX Thái Hòa...; chuyển từ nuôi gà lai sang nuôi gà địa phương kết hợp cho ăn giun quế ở Đặng Sơn huyện Đô Lương,...Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh Nghệ An hiện có 669 sản phẩm OCOP đạt sao, đứng thứ 2 cả nước.
Nhìn chung, cơ cấu lại ngành Nông nghiệp được triển khai đồng bộ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của ngành; xác định rõ định hướng phát triển các lĩnh vực, của từng vùng, từng địa phương gắn với thị trường tiêu thụ nông sản; từng bước đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất tiên tiến, hiệu quả.
Chính việc tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp đã góp phần rất lớn vào công tác giảm nghèo và an sinh xã hội có nhiều chuyển biến rõ rệt, đời sống của người dân ngày một được nâng lên.
Chất lượng sống của người dân được nâng lên
Nhìn lại chặng đường suốt thời gian thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, mỗi người dân Nghệ An đều cảm nhận rõ những đổi thay ngay trong từng gia đình, từng ngõ xóm đến cộng đồng dân cư. Những thay đổi đó được kết tinh từ sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị và người dân. Tất cả đều hướng đến cốt lõi là dành những giá trị tốt đẹp nhất cho người dân.
Để rõ hơn về chất lượng cũng như đời sống của người dân được nâng lên rõ nét có thể kể đến việc lựa chọn thực hiện các chương trình trong xây dựng nông thôn mới như: Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới hướng tới nông thôn mới thông minh; Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM; Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh trật tự trong xây dựng NTM;... Đặc biệt, toàn bộ 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới đều hướng đến thước đo phục vụ đời sống của người dân một cách toàn diện nhất.
Là huyện vừa tổ chức công bố đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024, Hưng Nguyên đã làm tốt công tác cải thiện, nâng cao đời sống của người dân bắt đầu bằng việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ nghèo đa chiều. Từ chủ trương chung, huyện Hưng Nguyên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển... đặc biệt khai thác mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển các ngành kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng ngành Nông nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng và dịch vụ. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người hàng năm luôn tăng: Năm 2010 đặt 15,9 triệu đồng/người/năm; năm 2015 đạt 26,6 triệu đồng; đến năm 2023 thu nhập bình quân đầu người đạt 52 triệu đồng/người/năm. Từ đó tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện năm 2021 đang giữ tỷ lệ 2,28% đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo còn 1,49%.
Để người dân có kế sinh nhai ổn định, tạo thu nhập đều hàng tháng, huyện Hưng Nguyên đặc biệt quan tâm đến công tác giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn. Thời gian qua, công tác này đã đạt được những kết quả tích cực. Hàng năm đã tạo việc làm mới từ 3.500 - 4.000 lao động, trong đó đưa người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài từ 1.000 – 1.200 người/năm. Bên cạnh đó, người lao động đã vận dụng các kiến thức, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào lao động sản xuất, cải thiện chất lượng việc làm, nâng cao thu nhập ổn định cuộc sống góp phần xoá đói giảm nghèo. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 79% và tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 38 %.
Có thể khẳng định, việc tập trung chỉ đạo quyết liệt để thực hiện các tiêu chí, đặc biệt là nâng cao đời sống của nhân dân, tạo khí thế phấn khởi trong nhân dân, khơi dậy và phát huy tốt vai trò chủ thể của nhân dân đã thể hiện được mục tiêu cốt lõi của Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới.
Đến nay, tỉnh Nghệ An có 320/411 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 77,86%); trong đó có 103 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (chiếm 31,56% xã NTM); 16 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (chiếm 5% xã NTM); 10 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM; (TP. Vinh, Thị xã Thái Hoà, Nam Đàn, Yên Thành, Nghi Lộc, thị xã Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Diễn Châu, Hưng Nguyên); huyện Nghĩa Đàn đang cố gắng phấn đấu đạt chuẩn năm 2024; Có 1 huyện Nam Đàn được Hội đồng thẩm tra của tỉnh tổ chức đánh giá huyện nông thôn mới nâng cao và đang hoàn thiện hồ sơ để trình Trung ương thẩm định. Bình quân tiêu chí cả tỉnh là 17,21 tiêu chí/xã.