Nông thôn mới

Bạc Liêu sẽ xóa nhà tạm, dột nát cho 1.760 hộ nghèo

07:06 18/01/2025 GMT+7
Chiều 17/1, Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bạc Liêu tổ chức họp mặt Doanh nghiệp đầu năm 2025 kết hợp với sơ kết phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.
TIN LIÊN QUAN

Chú thích ảnh

Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng đến thăm và chia sẻ khó khăn với người dân trên địa bàn huyện Vĩnh Lợi thuộc chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát. Ảnh minh họa: Chanh Đa/TTXVN

Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng cùng lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố và gần 150 đại biểu đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Tại buổi họp mặt, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh Bạc Liêu Trần Văn Út thông tin về mục tiêu huy động, vận động các năm 2025 xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 1.760 hộ nghèo, hộ cận  nghè cần hỗ trợ về nhà ở, đồng thời phát động kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục ủng hộ thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà đột nát trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu tại buổi họp mặt, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều chia sẻ, trong bối cảnh nhiều khó khăn, song Bạc Liêu vẫn đạt tăng trưởng kinh tế 6,62%, đứng thứ 10/13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 46/63 cả nước.

Đạt được kết quả này, ngoài sự quyết tâm, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị của tỉnh, còn có sự chung tay trách nhiệm, sự nỗ lực đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần rất lớn vào sự thành công chung của tỉnh. Doanh nghiệp đã đầu tư tạo nguồn lực cho tỉnh, vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, đồng thời cũng tham gia tích cực vào nhiều hoạt động từ thiện, an sinh xã hội, nhất là những đóng góp rất quan trọng trong phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đồng tâm hiệp lực, năng động sáng tạo. Từng doanh nghiệp tập trung vào thế mạnh của mình, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, luôn nỗ lực hết mình, vượt qua khó khăn để duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, tiếp tục có nhiều đóng góp tích cực hơn nữa vào sự nghiệp phát triển của Bạc Liêu.

Ông Phạm Văn Thiều cũng yêu cầu các cấp, các ngành, nhất là các cơ quan chức năng về đầu tư, đăng ký kinh doanh, đất đai, môi trường, xây dựng, giao thông vận tải, thuế... phải tập trung tối đa trong cải cách, nâng cao năng lực bộ máy, phải chuyển từ “nhà nước quản lý” sang "nhà nước phục vụ”, đảm bảo cao nhất tinh thần: “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tinh gọn hiệu quả, tăng tốc bức phá” theo đúng phương châm 16 chữ của Chính phủ; tạo điều kiện ở mức cao nhất trong khuôn khổ pháp luật để các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh và đầu tư; phải quán triệt rõ đây chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất cần phải thực hiện quyết liệt để Bạc Liêu phát triển trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu tổ chức Hội nghị họp mặt doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (định kỳ 2 lần/năm), các buổi “Cà phê - điểm tâm sáng với Doanh nghiệp”; đồng thời, các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố định kỳ hàng tháng tổ chức đối thoại với doanh nghiệp thông qua việc phát huy hiệu quả của mô hình cà phê doanh nhân, để gặp gỡ lắng nghe và giải quyết kịp thời các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Các ngành, các cấp cần phải quán triệt nghiêm túc phương châm của tỉnh đối với doanh nghiệp: “Việc gì khó dành cho chính quyền, việc gì dễ dành cho doanh nghiệp”.

Chia sẻ tại buổi họp mặt, đại diện cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Bạc Liêu đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh trong việc tạo điều kiện thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuận lợi trong khuôn khổ những quy định của pháp luật. Ông Lê Chí Tôn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bạc Liêu cho biết, tỉnh có gần 3000  doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mặc dù gặp khá nhiều khó khăn trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn luôn nỗ lực phục hồi sản xuất – kinh doanh và có bước phát triển mới.

Thông qua quá trình đầu tư kinh doanh, doanh nghiệp cũng góp phần lớn trong tổng mức đầu tư toàn xã hội làm tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác các tiềm năng, thế mạnh, góp phần định hình, hiện thực hóa các định hướng phát triển của tỉnh theo 5 trụ cột.

Lãnh đạo tỉnh cũng thể hiện sự quan tâm đối với doanh nghiệp thông qua các hoạt động như đối thoại gặp gỡ doanh nghiệp, cà phê sáng với doanh nghiệp được tổ chức giữa lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng các sở, ngành đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Bạc Liêu kiến nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm nhiều hơn nữa, nhất là cải cách hành chính theo hướng đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian cho doanh nghiệp. Cùng đó tăng cường giám sát thực hiện về chủ trương chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng như giám sát trong thực thi công vụ đối với các sở ngành địa phương.

Theo TTXVN/Vietnam+

Tin cùng chuyên mục
Tin khác