Y tế

Bắc Giang: Số bệnh nhân lao điều trị khỏi ngày một tăng

Kiều Anh - 15:19 21/10/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - (Tapchinongthonmoi) - Trong những năm qua, được sự quan tâm và chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Y tế, Chương trình chống lao Quốc gia và dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống lao Trung ương Hội Nông dân Việt Nam… công tác phòng, chống lao trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã được Hội Nông dân tỉnh tăng cường tuyên truyền, chỉ đạo thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực.
TIN LIÊN QUAN

Những mô hình phòng chống lao do Hội ND thành lập 

Bắc Giang là tỉnh miền núi, diện tích đất tự nhiên là 382.200 ha, dân số khoảng 1,8 triệu người, có 24 dân tộc sinh sống ở 9 huyện và 01 thành phố, mật độ dân số khoảng 350 người/km2.  Người dân trên địa bàn tỉnh đã được tuyên truyền, tiếp cận thông tin nhanh và chính xác về bệnh lao, nhận thức của người dân về bệnh lao đã được nâng cao. Bệnh nhân lao đã được điều trị bằng nhiều kỹ thuật mới để chẩn đoán bệnh lao/lao kháng thuốc như: Hệ thống máy xét nghiệm Gene-Xpert, máy chụp cắt lớp, hệ thống máy nội soi, máy thăm dò chức năng hô hấp để chẩn đoán sớm bệnh lao.

Tổng số bệnh nhân lao trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có xu hướng giảm dần, số bệnh nhân lao điều trị khỏi ngày một tăng. Ảnh tư liệu Bệnh viện Phổi Bắc Giang

Do vậy tổng số bệnh nhân lao có xu hướng giảm dần, số bệnh nhân lao điều trị khỏi ngày một tăng. Theo thông tin từ Sở Y tế Bắc Giang, hiện nay, tổng số bệnh nhận lao các thể trên địa bàn tỉnh hơn 1.700 người, tỷ lệ người dân mắc bệnh lao 121/100.000 dân; tỷ lệ phát hiện các thể lao khoảng 87%; tỷ lệ khỏi đối với bệnh nhân mới đạt 98%; số bệnh nhận tử vong do lao khoảng 16/100.000 dân.

Quyết liệt thực hiện chương trình phòng chống lao trên địa bàn, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 311 về "Kiện toàn Tổ chống lao Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang" gồm 05 thành viên, do đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh làm Tổ trưởng. Lựa chọn và chỉ đạo Hội Nông dân các huyện Việt Yên, Lạng Giang, Lục Nam thành lập 03 mô hình “Nông dân phòng chống lao” cấp huyện và 30 mô hình “Quản lý lao tiềm ẩn cấp xã”.

Ngay sau khi thành lập, Tổ chống lao Hội Nông dân tỉnh đã tiến hành họp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đồng thời xây dựng kế hoạch hoạt động với các chỉ số cụ thể. Tổ chống lao Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp tổ chức 08 lớp tập huấn cho 240 cán bộ, hội viên nông dân các cấp về kiến thức phòng, chống lao; Phối hợp tổ chức 15 hội nghị truyền thông về lao tiềm ẩn trong cộng đồng cho trên 800 hội viên nông dân. Tổ chức 05 cuộc giám sát và thu thập dữ liệu lao tiềm ẩn đối với các huyện; 37 buổi kiểm tra và giám sát các mô hình.

Hội Nông dân cấp huyện và cơ sở đã tổ chức các hoạt động thăm khám tại nhà cho 1.120 bệnh nhân lao,  khuyến khích 600 lượt người nhà tiếp xúc với bệnh nhân lao tham gia sàng lọc lao tiềm ẩn, tuân thủ điều trị lao tiềm ẩn, đồng thời lập danh sách và thưởng cho 76 cộng tác viên có bệnh nhân lao điều trị thành công. Hội Nông dân cấp huyện cũng đã tổ chức 50 cuộc giám sát và thu thập dữ liệu lao tiềm ẩn đối với các xã.

Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã phối hợp tổ chức 245 buổi truyền thông cho trên 20.000 hội viên, nông dân về các kiến thức phòng, chống bệnh lao, để mọi người dân hiểu phòng, chống lao vừa là quyền lợi và trách nhiệm của công dân, của mỗi cấp, mỗi ngành và toàn xã hội; qua đó phát hiện sớm người có dấu hiệu nghi mắc lao, vận động đi khám, soi đờm góp phần giảm số người bị di chứng về phổi hoặc bị tử vong do bệnh lao trên địa bàn toàn tỉnh.

Hội Nông dân các cấp cũng đã tranh thủ sự hỗ trợ của các phòng, ban và chính quyền địa phương phối hợp kẻ vẽ được 134 pano, áp phích trên các đường giao thông trong thôn, bản; viết 1.312 tin, bài đăng trang thông tin điện tử và phát trên sóng  truyền thanh cơ sở về các gương người tốt, việc tốt trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung và công tác phòng, chống bệnh lao nói riêng; phối hợp cấp phát trên 10.000 tờ rơi, sách bỏ túi tuyên truyền về phòng, chống lao…

Tổ chức cho trên 90% các gia đình nông ký cam kết thực hiện phòng, chống các tệ nạn xã hội và dịch bệnh; tiếp tục duy trì có hiệu quả các mô hình “Chi hội Nông dân phát hiện sớm người nghi mắc lao; tư vấn và hỗ trợ người nghi mắc lao điều trị theo DOTS” đã thành lập trong giai đoạn trước đây.

Còn khó khăn trong việc chẩn đoán, điều trị và tiên lượng bệnh

Công tác phòng, chống lao trên địa bàn tỉnh luôn được sự quan tâm, chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cùng cấp ủy các cấp. Sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho các mô hình phòng, chống lao của Hội Nông dân hoạt động có hiệu quả.

Theo thống kê của Tổ chống lao Hội Nông dân tỉnh, tính đến cuối năm 2021, số người được tư vấn hỗ trợ các thông tin, kiến thức về phòng chống lao là 10.650 người; Số người nghi mắc lao vận động đi khám 4.250 người; Số lượt thăm bệnh nhân tại nhà 1.120 lượt; Số người mắc lao mới 599 người; Số người nguy cơ cao nhiễm lao tiềm ẩn vận động đi khám sàng lọc 6.234 người; Số người phát hiện nhiễm lao tiềm ẩn 1.512 người.

Các mô hình đã đáp ứng đúng nguyện vọng của hội viên, nông dân, do vậy được hội viên, nông dân đón nhận và nhiệt tình hưởng ứng. Các mô hình phòng, chống lao ở tỉnh đã thành lập trong giai đoạn trước vẫn được duy trì và phát huy tốt những kết quả đã đạt được. Hội Nông dân các cấp đã có nhiều kinh nghiêm trong việc triển khai, thực hiện công tác phòng, chống lao.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, diễn biến về lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh nhân lao trên địa bàn tỉnh còn phức tạp dẫn tới khó khăn trong việc chẩn đoán, điều trị và tiên lượng bệnh. Số lượng bệnh nhận lao kháng thuốc đang dần trở nên phổ biến, bình quân mỗi năm toàn tỉnh phát hiện thêm từ 50 - 55 bệnh nhân lao kháng thuốc. Trong đó tỷ lệ kháng thuốc ở nhóm mắc mới là 4,1% và nhóm đang điều trị là 26%.

Theo thống kê của Bệnh viện Phổi tỉnh, cứ 100 ca mắc lao, có 3- 4 người người bị kháng thuốc hoặc siêu kháng thuốc. Nguyên nhân chủ yếu do bệnh nhân chưa tuân thủ đúng phác đồ điều trị, bỏ thuốc. Một số lượng lớn bệnh nhân không có nghề nghiệp, sống tự do, thường xuyên di chuyển, không cư trú tại một nơi cố định. Người bệnh vẫn còn có tâm lý dấu bệnh, mặc cảm về bệnh tật nên công tác tuyên truyền, khám phát hiện, điều trị và quản lý còn gặp nhiều khó khăn.

Trình độ nhận thức của người dân còn thấp, không đồng đều, vẫn còn những quan niệm lạc hậu với những thành kiến lâu đời, sự kỳ thị tồn tại trong cộng đồng dẫn đến tâm lý dấu bệnh, ngại đi khám, không điều trị hoặc nếu có thì điều trị cũng không đúng cách, không đúng phác đồ. Bắc Giang là tỉnh có sự biến động dân cư tương đối lớn, gây ảnh hưởng đến công tác thu dung và quản lý điều trị đối với bệnh nhân lao.

Bệnh nhân lao được điều trị tại Bệnh viện phổi Bắc Giang. Ảnh tư liệu Bệnh viện Phổi Bắc Giang

Năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19 đã tác động lớn đến các hoạt động phòng chống lao trên địa bàn, tuy nhiên với vai trò, trách nhiệm của mình, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội phối hợp với ngành Y tế và các ngành chức năng có liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng chống lao gắn với tuyên truyền phòng chống Covid -19 trong cộng đồng cho cán bộ, hội viên, nông dân. Thông qua đó đã giúp cho cán bộ hội cơ sơ và các thành viên trong mô hình nâng cao nhận thức về bệnh lao, làm tốt công tác tuyên truyền vận động người thân, gia đình, hàng xóm, hội viên nông dân trên địa bàn phòng, chống và điều trị bệnh lao đạt hiệu quả.

Thời gian tới, tỉnh Bắc Giang quyết tâm hoàn thành mục tiêu giai đoạn từ 2021-2025 giảm 50% tỷ lệ bệnh nhân lao mới mắc vào năm 2025 so với năm 2018; Giảm 75% tỷ lệ tử vong do lao vào năm 2025 so với năm 2015; Duy trì tỷ lệ mắc lao kháng thuốc thấp hơn 5% trong tổng số ca lao mới. Mục tiêu đến năm 2030, giảm số người mắc bệnh lao các thể trong cộng đồng xuống dưới 20/100.000 người dân; Giảm tỷ lệ tử vong do bệnh lao còn dưới 1/100.000 người dân; Giảm số người mắc bệnh lao đa kháng thuốc còn dưới 1,5% trong tổng số người bệnh lao mới phát hiện.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác