Công tác Hội

Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi vịt thương phẩm ở Bắc Giang

Đỗ Tuấn - 12:25 25/12/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Sau một quá trình khảo sát, căn cứ vào đề xuất của Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang, Thường trực Trung ương Hội nông dân Việt Nam quyết định đầu tư “Xây dựng mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm hỗ trợ, phát triển và củng cố Chi hội Nông dân nghề nghiệp, hợp tác xã tại xã Tân Liễu, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang". Mô hình hiện nay hoạt động tốt, có thể xem xét nhân rộng trên địa bàn các địa phương khác.

Dự án mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân   

Hiện nay nhu cầu về thực phẩm sạch có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường của người dân ngày càng tăng. Người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn s phẩm hữu cơ cho những bữa ăn hàng ngày bởi tính an toàn, giàu dinh dưỡng. Huyện Yên Dũng là một vùng chiêm trũng, trung tâm hành chính, chính trị kinh tế, văn hóa của tỉnh Bắc Giang; tốc độ đô thị hóa phát triển nhanh với các khu vực đô thị sinh thái vườn, có nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, từng bước tham gia cung cấp dịch vụ du lịch sinh thái của tỉnh Bắc Giang.

Xã Tân Liễu là một xã miền núi, nằm ở phía Tây Bắc của huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, cách trung tâm huyện 4 km. Phía Đông giáp với xã Xuân Phú và Thị trấn Neo (nay là thị trấn Nham Biền); phía Tây giáp với xã Đồng Sơn (thành phố Bắc Giang); phía Nam là dãy núi Nham Biền; phía Bắc được bao bọc bởi con sông Thương; bên kia là xã Tân Tiến (thuộc thành phố Bắc Giang) và xã Hương Gián. Xã có diện tích đất tự nhiên là 907,01ha, toàn xã có 03 thôn là Liễu Nham Tân Độ và Liễu Đê với 1.613 hộ và 6.778 nhân khẩu. Điều kiện tự nhiên: Địa hình, thổ nhưỡng xã Tân Liễu phức tạp, thấp hơn so với các địa phương khác trong huyện, thường ngập lụt vào mùa mưa. Phía Bắc chủ yếu là đất phù sa, phần đất bãi bên ngoài để thường xuyên được sông Thương bồi tụ phù sa hằng năm, tương đối màu mỡ. Xã còn có nguồn nước dự trữ khá, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân. Hiện nay trên đại bàn xã có tuyến đường liên xã dài 3,4 km, tuyến đường đê sông Thương dài gần 7km cùng với 30,8 km đường giao thông liên thôn, xóm, trục chính nội đồng. Xã còn có hệ thống giao thông đường thủy trên sông Thương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế- văn hóa giữa địa phương và vùng phụ cận.

Bàn giao giống, vật tư cho mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm hỗ trợ, phát triển và củng cố Chi hội Nông dân nghề nghiệp, hợp tác xã tại xã Tân Liễu, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.

Nhìn chung, xã Tân Liễu có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp đa dạng. Đây là tiền đề quan trọng để Đảng bộ và nhân dân địa phương từng bước nâng cao đờ sống, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Hiện nay người chăn nuôi trong xã nói chung và chăn nuôi vịt nói riêng vẫn áp dụng hình thức chăn nuôi truyền thống, nhỏ lẻ dẫn tới việc không đảm bảo vệ sinh môi trường, sử dụng vaccine bừa bãi trong chăn nuôi vịt, gây nhờn thuốc, kháng thuốc; lượng thức ăn tiêu tốn nhiều nhưng vịt không hấp thu hết thải ra ngoài bị vi sinh vật phân hủy gây ô nhiễm môi trường và lãng phí. Trong thời gian vừa qua do ảnh hưởng của dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi, nhiều hộ chăn nuôi lợn chuyển đổi sang chăn nuôi gia cầm trong đó có con vịt phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Một mặt, do lợi nhuận từ chăn nuôi vịt so với những con nuôi khác có phần ổn định hơn, thời gian nuôi ngắn mức độ quay vòng nhanh. Mặt khác, thịt vịt nhiều dưỡng chất, giá thành rẻ hơn so với các loại thịt khác. Do vậy, người tiêu dùng có xu hướng chọn thịt vịt hữu cơ tăng cao cho bữa ăn hàng ngày bởi tính an toàn, giàu dinh dưỡng.

Bàn giao vịt giống ngày 02/11/2023 cho các hộ nông dân tham gia thực nghiệm mô hình

Qua khảo sát thực tế, căn cứ vào đề xuất của Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang, Thường trực Trung ương Hội quyết định đầu tư “Xây dựng mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm hỗ trợ, phát triển và củng cố Chi Hội Nông dân nghề nghiệp, hợp tác xã tại xã Tân Liễu, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang". - Quy mô: 2.000 con - Số hộ tham gia: 6 hộ - Tổng kinh phí dự kiến thực hiện: 260.490.000 đồng.

Những tín hiệu tích cực từ mô hình

Ngày 02/11/2023, Văn phòng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp và sản xuất nông nghiệp Lúa Vàng phối hợp cùng Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang, Hội Nông dân huyện Yên Dũng đã tổ chức bàn giao giống, vật tư cho mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm hỗ trợ, phát triển và củng cố Chi hội Nông dân nghề nghiệp, hợp tác xã tại xã Tân Liễu, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Trung ương hội giao cho các hộ 2000 con vịt giống, thuốc chế phẩm, thuốc khử trùng, vaccine, 18 tấn cám vịt thịt cho 6 hộ thực hiện mô hình, gồm có các hộ ông: Nguyễn Văn Mùi, Nguyễn Văn Lê , Nguyễn Văn Mai , Đặng Văn Mài , Nguyễn Văn Bạch.

Sau 54 ngày kể từ lúc bàn giao vịt giống, phóng viên Tạp chí Nông thôn mới quay lại HTX dịch vụ, chăn nuôi thủy sản Tín Phát, thôn Liễu Đê, xã Tân Liễu để tìm hiểu hiệu quả của mô hình.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Văn Mùi cho biết: “Trong thời gian bắt giống các hộ nuôi đến thời điểm này, vịt đang phát triển tốt và lớn theo từng ngày. Chúng tôi dự kiến khoảng 20 ngày nữa là xuất bán được. Gia đình tôi và 5 hộ khác rất phấn khởi vì chất lượng của con giống lẫn chất lượng thức ăn rất tốt”.

Theo ông Mùi, do được chăm sóc tốt nên đến lúc xuất bán, đàn vịt sẽ có cân nặng từ 3,6 đến hơn 4 kg/con. Được biết, giá vịt tại địa bàn Bắc Giang đang dao động từ 52-57 nghìn đồng/kg, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, với 2,000 con vịt nặng 4 kg, lợi nhuận kỳ vọng của đàn vịt khoảng hơn 100 triệu đồng.

Các nông dân hi vọng đến lúc xuất bán, đàn vịt sẽ có cân nặng từ 3,6-4 kg/con.

Các hộ chăn nuôi cũng như Hội Nông dân huyện Yên Dũng hy vọng sẽ tiếp tục được thí điểm và nhân rộng mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm; hỗ trợ, phát triển và củng cố Chi Hội Nông dân nghề nghiệp, hợp tác xã theo mô hình này.

Được biết, trong thời gian tới, Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, đề xuất với chính quyền tiếp tục bổ sung nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân từ ngân sách; phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng để tạo thêm nguồn lực hỗ trợ nông dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; thực hiện tốt công tác quản lý, cho vay, sử dụng vốn hiệu quả, đúng mục đích.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác