Bạc Liêu: Khai mạc Không gian hội tụ tinh hoa di sản văn hóa phi vật thể
Dự Lễ khai mạc có các đồng chí: Võ Văn Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương; Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL; Lê Thị Ái Nam, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL và đông đảo các nghệ nhân, nghệ sĩ các tỉnh, thành phố tham gia không gian hội tụ tinh hoa di sản...
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Các loại hình Di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) được UNESCO và Bộ VH-TT&DL vinh danh, công nhận thể hiện nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng các dân tộc anh em trên lãnh thổ Việt Nam. Thông qua cuộc hội tụ, giao lưu, diễn xướng các di sản lần này giúp cho các nghệ sĩ, nghệ nhân có điều kiện giao lưu, học hỏi giá trị các loại hình di sản mang tính nhân văn sâu sắc, độc đáo, trữ tình, thể hiện đậm nét truyền thống văn hóa đặc trưng các vùng, miền trên cả nước, góp phần bảo vệ và phát huy giá trị các di sản. Có thể nói, DSVHPVT là những báu vật của quốc gia và chúng ta phải có trách nhiệm giữ gìn. Đặc biệt, những di sản văn hóa được UNESCO công nhận phải được tôn tạo, giữ gìn và phát huy.
Thời gian qua, UNESCO đã công nhận: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác truyền khẩu và DSVHPVT của nhân loại vào ngày 25/11/2005. Dân ca quan họ Bắc Ninh được công nhận là DSVHPVT đại diện của nhân loại vào ngày 30/9/2009. Ngày 1/10/2009, UNESCO đưa ca trù vào danh sách DSVHPVT cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Ngày 5/12/2013, đờn ca tài tử Nam Bộ chính thức có tên trong danh sách DSVHPVT đại diện của nhân loại. Nghệ thuật bài chòi Trung bộ được UNESCO đưa vào danh DSVHPVT đại diện của nhân loại vào ngày 7/12/2017.
Không gian Hội tụ tinh hoa DSVHPVT đại diện các vùng, miền sẽ diễn ra từ ngày 27 - 29/11/2022. Tại đây thu hút sự tham gia của các loại hình: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, Bài Chòi Trung Bộ, hát Chèo, hát Xẩm và các loại hình nghệ thuật của đồng bào Khmer đến từ các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Nam, Phú Yên, Sóc Trăng và Bạc Liêu.
Không gian hội tụ tinh hoa DSVHPVT đại diện các vùng, miền lần này, UBND tỉnh Bạc Liêu sẽ tạo mọi điều kiện để các đoàn được giao lưu, quảng bá, trao đổi kinh nghiệm trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc. Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Ngoài ra, quảng bá tiềm năng văn hóa, liên kết phát triển du lịch di sản bền vững giữa các vùng, miền...
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu tặng Bằng khen cho các tập thể có nhiều đóng góp trong tham gia tổ chức Không gian Hội tụ tinh hoa DSVHPVT đại diện các vùng, miền.