"Bác sĩ Nông học": Giúp nông dân Yên Châu nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp
Đông đảo hội viên, nông dân tham gia Chương trình “Bác sĩ Nông học”
Chương trình “Bác sĩ Nông học” tổ chức tại huyện Yên Châu (Sơn La) có sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp và gần 200 đại biểu là hội viên, nông dân trên địa bàn huyện Yên Châu.
Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết: Nhằm góp phần phát triển hơn nữa vị thế nông nghiệp của tỉnh Sơn La, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Sơn La và các đơn vị liên quan tổ chức chuỗi chương trình “Bác sĩ Nông học”.
Chương trình "Bác sĩ Nông học" đưa ra các giải pháp hữu hiệu trong quá trình canh tác để phòng, trừ dịch hại; sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu; tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán canh tác, sản xuất của bà con nông dân để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đồng thời tư vấn chuyển đổi giống cây trồng phù hợp với địa phương.
Đây là chương trình tư vấn, khuyến nông, nhằm liên kết một cách có hiệu quả nhất giữa bà con nông dân với các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp; tạo sân chơi bổ ích cho bà con nông dân được giao lưu, học tập, trao đổi thông tin, củng cố và trang bị thêm kiến thức khoa học, kinh nghiệm phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Tham gia chương trình, bà con nông dân có dịp được tiếp cận trực tiếp với các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nông hóa thổ nhưỡng, trồng trọt, bảo vệ thực vật, dinh dưỡng cây trồng, chăn nuôi, thú y để được tư vấn, hướng dẫn và giải đáp những vướng mắc gặp phải trong thực tế để ứng dụng vào quá trình sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và ổn định đời sống người dân.
“Bác sĩ Nông học” hỗ trợ hội viên, nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác nông nghiệp
Tại Chương trình "Bác sĩ Nông học", các đại biểu là hội viên, nông dân đã đưa ra nhiều câu hỏi liên quan đến kỹ thuật chăm sóc, sử dụng phân bón, phòng trừ sâu bệnh, xử lý ra hoa trái vụ với cây trồng; giải pháp chăn nuôi hiệu quả; cách tiếp cận thị trường; các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp,...
Các chuyên gia về nông nghiệp đã trả lời chi tiết, cụ thể những thắc mắc của hội viên, nông dân. Đồng thời, các chuyên gia nông nghiệp cũng đã trao đổi với hội viên, nông dân về các giải pháp về phát triển nông nghiệp như: Biến đổi khí hậu và những hệ lụy tác động đến sản xuất nông nghiệp. Kiến thức khoa học về nông hóa, thổ nhưỡng; Tập quán sinh hoạt và chu kỳ sinh trưởng của giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng, cho giá trị kinh tế cao; Tư vấn áp dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác nông nghiệp.
Về các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và phương pháp sử dụng phù hợp. Hướng dẫn phân biệt phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thật và giả thông qua việc trưng bày, giới thiệu và tặng sản phẩm dùng thử cho hội viên, nông dân đến tham dự Chương trình; Cơ chế, chính sách mới của Nhà nước đối với nhà doanh nghiệp, nhà nông; Tư vấn, giải đáp vấn đề liên quan hoạt động xúc tiến thương mại và tiếp cận thị trường đối với các mặt hàng nông sản, sản phẩm OCOP.
Phát biểu tại Chương trình, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La cho biết: Tính đến nay, Sơn La đã trở thành vựa trái cây lớn nhất miền Bắc với tổng diện tích cây ăn quả các loại trên 84.000ha, sản lượng khoảng 455.000 tấn/năm.
Ngoài việc tập trung phát triển cây ăn quả, tỉnh Sơn La cũng chú trọng thâm canh, tăng năng suất và chất lượng các loại cây công nghiệp phục vụ cho công nghiệp chế biến như: Cà phê Arabica trên 20.700ha, cây chè trên 6.000ha, mía đường trên 10.000ha. Tổng đàn đại gia súc của tỉnh hiện có hơn 340.000 con; Phát triển nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện Sơn La, thủy điện Hòa Bình với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt gần 3.000ha với tổng số hơn 6.700 lồng nuôi, tổng sản lượng ước đạt hơn 7.000 tấn.
''Bác sĩ Nông học'' là chương trình đối thoại sâu rộng giữa nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông, giúp nông dân được giao lưu, học tập, trao đổi thông tin, kinh nghiệm sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống.