Bàn giải pháp gỡ khó cho ngành cá tra trong giai đoạn tới
Đây là nhận định được các đại biểu đưa ra tại hội nghị “Giải pháp phát triển nuôi cá tra tháng cuối năm 2021 và năm 2022” diễn ra vào chiều ngày 09/12.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gây rất nhiều khó khăn đối với ngành cá tra ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long - nơi có đến 8 tỉnh, thành phố sản xuất ngành hàng này. Bên cạnh đó, thách thức từ rào cản kỹ thuật của các thị trường xuất khẩu trọng điểm đòi hỏi ngành phải chủ động các phương án và kịch bản trong giai đoạn “bình thường mới”. Vừa đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch vừa đảm bảo an toàn trong phát triển kinh tế, các đại biểu cho rằng, dịch Covid-19 vừa tạo ra thách thức nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất cá tra điều chỉnh cơ cấu thị trường trong giai đoạn tới.
Ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản cho rằng, ngành cá tra có lợi thế, quy mô và tỷ suất hàng hóa cao được xây dựng theo chuỗi và có rất nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao, vì vậy, cần tăng cường liên kết giữa các địa phương theo vùng, có sự điều hòa phối hợp từ công nhân đến nhà máy, người nuôi của các địa phương ra đến thị trường nước ngoài.
“Mỗi một địa phương có lợi thế khác nhau có thể sản xuất hoặc tham gia một khâu trong chuỗi các địa phương chúng ta ưu tiên sản xuất con giống vật nuôi hoặc chế biến. Các địa phương quan tâm tích cực hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ đã ban hành và có cơ chế chính sách để tăng cường hợp tác liên kết theo chuỗi thì chúng ta thấy rõ ràng qua khó khăn vừa rồi thì liên kết chuỗi là một trong những nội dung rất quan trọng đối với doanh nghiệp, Hiệp hội, người sản xuất. Đề nghị thực hiện nghiêm các quy định về điều kiện sử dụng thuốc, hóa chất để đảm bảo kiểm soát chất lượng của sản phẩm và tăng cường hợp tác liên kết liên kết, chúng ta nắm được thông tin từ thị trường điều tiết hoạt động sản xuất và như vậy sẽ thích ứng với những khó khăn dịch bệnh xảy ra”, ông Như Văn Cẩn nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam nêu ý kiến: “Tăng cường tháo gỡ khó khăn cho người nuôi cũng như doanh nghiệp chế biến xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi cú huých để sớm trở lại hoạt động trong điều kiện bình thường mới; cải thiện chất lượng ngành hàng, cá tra, đầu tư và mở rộng kinh phí để triển khai chương trình giống 3 cấp dịch bệnh. Khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, cần xây dựng thị trường trong nước. Thời gian qua, một số doanh nghiệp tham gia xây dựng thị trường trong nước nhưng so với tiềm năng còn hạn chế. Bên cạnh đó, xây dựng hình ảnh Việt Nam ở thị trường truyền thống mà chúng ta đã bị suy giảm trong thời gian qua”.
Theo nhận định chung, dịch Covid-19 có thể còn tiếp tục diễn biến phức tạp trong năm 2022 và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động logistic và ảnh hưởng gián tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cá tra. Dự báo, diện tích thả nuôi cá tra trong các tháng 7,8,9 của năm nay giảm khoảng 30% đến 55% so với cùng kỳ năm ngoái, do đó, trong các tháng 1,2 và 3 của năm 2022 khả năng có thể xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu cho chế biến.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản lưu ý, cần theo dõi sát diễn biến thị trường để đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu của các quốc gia nhập khẩu, sẵn sàng xuất khẩu ngay khi có thời cơ. Đa dạng hóa sản phẩm theo hướng sản xuất sản phẩm tiện lợi cho tiêu dùng, trọng lượng phù hợp với bữa ăn gia đình và theo từng phân khúc thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động giao dịch thương mại điện tử trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
“Đối với quá trình nuôi thì cần phải có thời gian, chính vì thế, việc giải quyết trước mắt là các địa phương rà soát, cân đối lại số lượng trong các tháng tiếp theo có khả năng cung cấp nguyên liệu bao nhiêu để từ đó có giải pháp về mặt kỹ thuật để cung ứng được kịp thời nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu cũng phải giải quyết hiện nay. Đó là làm thế nào để ứng dụng khoa học công nghệ để giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận cho người nuôi tiếp tục liên kết như vừa qua. Cần hoàn thiện hơn nữa để chia lại các lợi nhuận giữa các mắt xích từ người nuôi đến các nhà máy chế biến để đảm bảo các bên đều có lợi trong quá trình sản xuất”, ông Trần Đình Luân nhấn mạnh./.
Theo VOV
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
- Sầu riêng ở Krông Pắc trở thành cây trồng mũi nhọn, tạo thu nhập cao cho bà con nông dân