Bảo Lạc nỗ lực giảm nghèo bền vững
Đổi thay của xóm Khuổi Khon
Xóm Khuổi Khon (xã Kim Cúc) là vùng đất sinh sống lâu đời của đồng bào Lô Lô; nằm cách trung tâm huyện Bảo Lạc 16 km, xóm có 62 hộ dân sinh sống với gần 300 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Lô Lô; trước đây 50% hộ trong xóm là hộ nghèo, hộ cận nghèo. Nhưng từ khi người dân nơi đây được hỗ trợ đầu tư và học làm du lịch cộng đồng, cuộc sống đã có nhiều đổi thay, giờ đây số hộ nghèo của xóm chỉ còn 10/62 hộ nghèo.
Để có được kết quả đó người dân xóm Khuổi Khon luôn nhắc nhau về Đề án “Bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Lô Lô gắn với phát triển điểm du lịch cộng đồng xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng”. Trong năm 2020, Đề án đã đầu tư 5 tỷ đồng để tu bổ, sửa chữa 05 nhà ở truyền thống, 01 nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng và một số công trình phụ trợ khác… Đặc biệt là Đề án đã mở được lớp tập huấn để hướng dẫn bà con trong xóm làm du lịch homestay ngay tại địa phương.
Ông Chi Viết Hải là một trong những người đi đầu của xóm Khuổi Khon trong kinh doanh dịch vụ lưu trú cho khách du lịch cho biết: Trở về từ lớp tập huấn làm du lịch homestay lại được sự hỗ trợ về tiền để sửa chữa nhà, xây dựng các công trình… vì vậy ngôi nhà 5 gian 4 mái của tôi đã trở lên khang trang, đáp đứng đủ yêu cầu để đón khách du lịch tới thăm quan, nghỉ lại. Với mỗi khách du lịch nghỉ lại gia đình tôi chỉ lấy từ 50.000-100.000 đồng/ngày. Cũng chính từ du lịch mà giờ đây trung bình mỗi năm gia đình tôi cũng có thu nhập 30-50 triệu đồng, vì vậy mà gia đình cũng đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.
Cũng giống như gia đình ông Hải, gia đình chị Chi Thị Phêng cũng đã tham gia làm du lịch homestay từ sớm. Chị Phêng chia sẻ: Không chỉ khách du lịch nước ngoài mà thời gian qua chúng tôi cũng đã đón rất nhiều các đoàn khách trong nước đến thăm quan và tìm hiểu cuộc sống của người dân Lô Lô chúng tôi. Khách du lịch đến nơi đây không chỉ được hít thở bầu không khí trong lành, thoáng mát, tận hưởng những cảnh đẹp của những ngôi nhà sàn; của núi rừng trùng điệp… mà còn được hoà mình vào với cuộc sống của bà con Lô Lô như tham gia các trải nghiệm: Dệt thổ cẩm; chăm sóc gia súc, gia cầm; làm nông nghiệp; chế biến các món ăn truyền thống…
Những nhà chưa đầu tư xây dựng được những homestay thì trồng rau, trồng cây ăn quả, phát triển chăn nuôi… để phục vụ cho nhu cầu của khách du lịch tới thăm quan và mua sắm về làm quà. Cũng từ đó mà du lịch ở xóm Khuổi Khon đã góp phần vào sự thay đổi của bà con nơi đây.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc cho biết: Để phát triển du lịch ở Khuổi Khon, trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành để mở thêm các lớp dạy nghề đan lát, thêu thùa; lựa chọn những bài hát, điệu múa đặc sắc để dàn dựng, hướng dẫn luyện tập, bồi dưỡng kỹ năng trình diễn cho các nghệ nhân và đội văn nghệ phục vụ khách du lịch; vận động người dân thành lập tổ thêu, dệt vải may trang phục truyền thống cho gia đình và bán cho du khách đến trải nghiệm...
Mỗi năm sẽ giảm 5% hộ nghèo
Giai đoạn 2021-2025, huyện Bảo Lạc đặt mục tiêu hàng năm giảm 5% hộ nghèo. Dự kiến, huyện sẽ dành trên 400 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững. Thực hiện mục tiêu giảm nghèo, huyện Bảo Lạc sẽ tập trung vào ưu tiên nguồn lực cho các xã, xóm đặc biệt khó khăn để đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng như điện, đường giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt.
Ông Hùng cho biết để thực hiện được mục tiêu giảm nghèo huyện Bảo Lạc đã đề ra những giải pháp để thực hiện như: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền và vai trò các tổ chức, đoàn thể từ cấp huyện đến cơ sở đối với công tác giảm nghèo. Phát huy mọi nguồn lực, lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án, tập trung giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, động viên, để mỗi hộ nghèo, cận nghèo phải có ý thức vươn lên, tự lực vượt qua khó khăn, thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng.
Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo về hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình giảm nghèo hiệu quả phù hợp... Bên cạnh đó, huyện tổ chức học tập nhân rộng các mô hình giảm nghèo đã thực hiện thành công, để nhân rộng những cách làm hay sáng tạo trong công tác giảm nghèo.
Tập trung chỉ đạo công tác giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới; có cơ chế khuyến khích tăng nguồn vốn cho các địa phương thực hiện chương trình đạt kết quả tốt; giảm nguồn vốn đối với các địa phương thực hiện đạt hiệu quả thấp.
Bố trí thêm cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp; tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ các cấp và đại diện cộng đồng về công tác giảm nghèo; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình tại cơ sở; đánh giá thường xuyên, đánh giá đột xuất để đề ra các giải pháp thực hiện phù hợp với tình hình thực tế.
- Hà Giang: Kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu tại Thủ đô
- Hà Giang: Nuôi dê Bách Thảo - sinh kế lâu dài cho nông dân vùng cao
- Thanh Hoá: Nông dân được học tập, chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải thân thiện với môi trường
- Lào Cai: Hỗ trợ hơn 1 tấn cá giống giúp nông dân khôi phục sản xuất sau bão Yagi