Nông thôn mới

Bảo Thắng xây dựng nông thôn mới thành công nhờ phương pháp tuyên truyền sáng tạo

Thu Hường - 13:07 19/11/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Một trong những bài học quý góp phần xây dựng thành công Chương trình nông thôn mới (NTM) giúp Bảo Thắng là huyện đầu tiên của tỉnh Lào Cai được công nhận là Huyện NTM năm 2022 đó là “Lấy dân làm gốc”. Đảng uỷ, chính quyền huyện luôn xác định phải lấy người dân làm trung tâm trong triển khai mọi công việc, được thực hiện trên cơ sở nhu cầu, nguyện vọng của chính nhân dân, sáng tạo trong tuyên truyền để người dân thấy rõ lợi ích của mình cùng chung tay xây dựng NTM.
TIN LIÊN QUAN

Ông Đặng Xuân Phong (bên phải) - Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai trao Bằng công nhận huyện Bảo Thắng đạt chuẩn NTM. Ảnh T.L

Điểm sáng thành công nhờ sáng tạo trong tuyên truyền nhiều mô hình, cách làm hay

Tư tưởng “Lấy dân làm gốc” đã được đúc kết thành kim chỉ nam định hướng cho cả chặng đường xây dựng NTM ở Bảo Thắng những năm tiếp theo bởi giá trị này đã được tôi rèn, thử thách qua thực tiễn khá sinh động. Lãnh đạo huyện Bảo Thắng xác định xây dựng NTM là cuộc “cách mạng” ở nông thôn, làm thay đổi mạnh mẽ diện mạo nông thôn, cuộc sống trực tiếp của nông dân, do đó người dân sẽ đóng vai trò quan trọng, là chủ thể trong cuộc “cách mạng” này. 

Hưởng ứng phong trào thi đua xây dựng NTM, nhiều mô hình, cách làm hay trong tuyên truyền của Bảo Thắng trở thành điểm sáng như phương châm “Làm nhà, làm bếp xếp sau làm đường”. Đặc biệt, mô hình tuyên truyền với cách thức “Đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng thôn” của Huyện ủy. Ngoài ra còn mô hình của các xã, cơ quan, đơn vị khác như đẩy mạnh sự chủ động tham gia, chung tay xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững của người dân bằng việc “Mỗi người dân, một ý tưởng”; trong huy động, lồng ghép các nguồn lực thì xác định “huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định”.

Nhiều khẩu hiệu dễ nhớ đã từng bước tác động vào hành vi của người dân như “Đường rộng, sáng điện nhiều hoa, nhân dân đồng lòng, nông thôn phát triển” dã thôi thúc người dân sáng tạo, đóng góp ý tưởng cho việc xây dựng NTM, tạo phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp. Đến tháng 2/2021, Bảo Thắng đã làm được gần 230 km đường điện; 170 km đường hoa; trên 133 km đường cắm cờ theo quy cách. Huyện đã phát huy tối đa quy chế dân chủ trong xây dựng NTM, công khai, minh bạch các nguồn lực để người dân tự làm, tự quyết định, tự kiểm tra, giám sát…

Lãnh đạo huyện Bảo Thắng tham gia trồng hoa tại cơ sở vào ngày thứ 7. Ảnh T.L

Đặc biệt là huyện Bảo Thắng đã có phong trào “Sáng thứ bảy cùng dân”. Theo đó, cán bộ, công chức dành buổi sáng thứ bảy xuống cơ sở, thăm nắm địa bàn, cùng làm với người dân. Các công việc thiết thực mà cán bộ và nhân dân cùng làm như tu sửa đường giao thông nông thôn, vệ sinh môi trường, trồng các tuyến đường hoa, các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, phổ biến kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, cách làm hay trong phát triển kinh tế xã hội... Qua đó, người dân còn được tiếp xúc trực tiếp với cán bộ, lãnh đạo để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng tạo sự gắn kết và không còn khoảng cách giữa người dân với chính quyền.

 “Đòn bẩy” xây dựng NTM: Phát triển hạ tầng giao thông với phương châm “Làm nhà, làm bếp xếp sau làm đường”

Huyện Bảo Thắng có trên 40% dân số là đồng bào DTTS, sau 10 năm triển khai xây dựng huyện Nông thôn mới, dện mạo nông thôn của huyện đã có những thay đổi rõ nét, toàn diện. Cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng theo hướng hiện đại, đồng bộ; 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, giao thông nông thôn được bê tông hóa, nhựa hóa; các điểm bưu điện văn hóa xã, hạ tầng viễn thông đạt tiêu chuẩn về chất lượng dịch vụ.

Là huyện biên giới, khi bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, Bảo Thắng gặp nhiều khó khăn, thách thức như: Địa bàn rộng, trình độ dân trí không đồng đều, hệ thống hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, nguồn lực còn hạn hẹp, số tiêu chí đạt chuẩn còn thấp. Với sự đồng lòng, đoàn kết, quyết tâm cao, đến tháng 10/2020, toàn huyện đã có 11/11 xã đạt chuẩn NTM. Tổng nguồn lực huy động thực hiện xây dựng NTM toàn huyện đạt gần 12 nghìn tỷ đồng, trong đó nguồn ngoài ngân sách là gần 10 nghìn tỷ đồng.  Cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn được đầu tư nâng cấp, diện mạo nông thôn khởi sắc. Cơ sở vật chất trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư nâng cấp đạt chuẩn.

Huyện Bảo Thắng xác định việc mở rộng đường giao thông là nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2020 – 2025. Ảnh tư liệu

Phong trào thi đua xây dựng đường giao thông nông thôn gắn với duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông thôn được nhân dân trên địa bàn hưởng ứng tích cực. Cơ bản hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn huyện đã đảm bảo chủ động tưới cho 100% diện tích lúa. Cơ sở trường học được xây dựng trường đảm bảo có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia được xác định là nhiệm vụ quan trọng để các xã phấn đấu xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Theo ông Trần Minh Sáng, Bí thư Huyện ủy Bảo Thắng, thực hiện chương trình xây dựng NTM trong 10 năm qua, nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đã đóng góp hơn 10.000 ngày công lao động, hiến hơn 300.000 m2 đất để làm các công trình hạ tầng nông thôn, sau hơn 1 năm phát động phong trào này, huyện Bảo Thắng đã làm được 353 km đường điện, 334 km đường hoa.

Đến thời điểm này, nhờ xây dựng NTM, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao, thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn đạt 48,7 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,9%. Diện mạo của huyện từ thành thị đến nông thôn đều khởi sắc.. Toàn huyện không còn nhà ở dột nát, tỷ lệ nhà ở đạt chuẩn chiếm trên 93%; chất lượng giáo dục của huyện ngày càng được nâng cao, đứng thứ 2 toàn tỉnh; 100% số trạm y tế đạt chuẩn theo quy định. Toàn huyện có 80 thôn được công nhận thôn kiểu mẫu, 2 xã được công nhận NTM nâng cao.

Phấn đấu trở thành huyện NTM điển hình của khu vực và cả nước

Với những kết quả đã đạt được, ngày 3/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2036/QĐ-TTg công nhận Bảo Thắng là huyện đầu tiên của tỉnh Lào Cai hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Tại Lễ công bố Quyết định ngày 16/2/2022, ông Trịnh Xuân Trường - Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nêu rõ: Trong quá trình xây dựng NTM, là địa phương có xuất phát điểm thấp, gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội nhưng với quyết tâm cao, nỗ lực vượt bậc, tinh thần chủ động, sáng tạo, huyện Bảo Thắng đã có những bước phát triển khá toàn diện, đạt được những thành tích đáng khích lệ trên tất cả các mặt. 

Quang cảnh Lễ công bố Quyết định công nhận “Huyện Bảo Thắng đạt chuẩn NTM” của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh T.L

Đón nhận Quyết định công nhận “Huyện Bảo Thắng đạt chuẩn nông thôn mới” của Thủ tướng Chính phủ là vinh dự, niềm tự hào nhưng việc duy trì, nâng cao chất lượng NTM là nhiệm vụ cao cả hơn. Do vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bảo Thắng tiếp tục xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, toàn diện, lâu dài với các nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục triển khai cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI; Đề án số 01-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy về phát triển nông, lâm nghiệp, sắp xếp dân cư, xây dựng NTM tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020-2025; Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ông Trịnh Xuân Trường - Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai phát biểu tại Lễ công bố Quyết định công nhận “Huyện Bảo Thắng đạt chuẩn NTM”. Ảnh T.L

Ông Trịnh Xuân Trường - Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị huyện Bảo Thắng tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết, sáng tạo của toàn thể nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội; duy trì các kết quả đạt được, bảo đảm thực chất, bền vững; trong xây dựng nông thôn mới phải lấy đời sống, thu nhập của người dân làm trọng tâm. Đặc biệt, Bảo Thắng phải bứt phá không chỉ là huyện NTM của tỉnh, mà phải là Huyện NTM điển hình của khu vực và cả nước.

Thời gian tới, huyện Bảo Thắng cần tập trung chỉ đạo rà soát, bổ sung quy hoạch xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện chủ trương cơ cấu lại kinh tế, bảo đảm phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển của tỉnh. Phát huy sức dân, vai trò làm chủ của nhân dân với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”, qua đó xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án cụ thể để tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Vùng chè tại xã Phú Nhuận - Xã đạt chuẩn NTM đầu tiên của huyện Bảo Thắng. Ảnh T.L

Bảo Thắng cũng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm khai thác và phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế để phát triển toàn diện và bền vững hơn, nhất là phát triển công, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; tranh thủ và huy động tổng thể nguồn lực để xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Cùng với đó, tập trung tổ chức khai thác có hiệu quả các công trình đã đầu tư, quan tâm bảo vệ môi trường, xây dựng kế hoạch triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị.

Các cơ sở chế biến nông - lâm sản được huyện khuyến khích phát triển. (Trong ảnh: Cơ sở thu mua, sơ chế quế xuất khẩu tại thị trấn Phố Lu). Ảnh T.L

Đây là cơ sở, động lực để huyện Bảo Thắng phấn đấu xây dựng “huyện đạt chuẩn NTM nâng cao” giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 86 triệu đồng/người/năm vào năm 2025; 50% số xã trong huyện đạt chuẩn NTM nâng cao...

Tin cùng chuyên mục
Tin khác