Nhân rộng mô hình, đưa hoạt động nông dân tham gia bảo vệ môi trường đi vào chiều sâu, bền vững
Vừa qua, Trung tâm Môi trường nông thôn (Trung ương Hội Nông Việt Nam) phối hợp với Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội nghị tập huấn, ra mắt Câu lạc bộ Nông dân bảo vệ môi trường và Tổng kết việc xây dựng mô hình “Phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt” tại các địa phương thuộc 2 tỉnh được lựa chọn để triển khai mô hình điểm. Ông Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cùng dự và đánh giá cao hiệu quả bước đầu của dự án.
Dấu ấn nông dân từ “công trình, phần việc”
Trong năm 2023, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bắt đầu tiến hành triển khai Dự án hỗ trợ xây dựng mô hình điểm của Hội Nông dân tham gia phân loại, thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nông thôn. Được biết, tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế là một trong 6 địa phương của cả nước gồm Sơn La, Nam Định, Đắk Lắk được lựa chọn để triển khai mô hình điểm.
Trong đó, dự án triển khai tại 2 tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, Hội Nông dân; được sự hưởng ứng và phát huy tinh thần của hội viên nông dân tích cực tham gia trong công tác bảo vệ môi trường.
Trung tâm môi trường nông thôn là đơn vị trực thuộc được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phân công trực tiếp chủ trì, phối hợp với các địa phương triển khai dự án. Đây là lần đầu tiên Trung ương Hội triển khai xây dựng mô hình điểm về lĩnh vực bảo vệ môi trường ở cấp xã có quy mô lớn, giá trị cao và triển khai bài bản.
Trong năm 2023 và 2024, Trung tâm môi trường nông thôn (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) và các cấp của Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam đã tích cực triển khai dự án và xây dựng mô hình điểm tại xã Tam Dân, huyện Phú Ninh; Năm 2024, triển khai dự án tại hai xã Phú Diên, Vinh Xuân của huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Thông qua việc triển khai dự án, các cán bộ, hội viên nông dân được trang bị kiến thức, kỹ năng truyền thông và hướng dẫn phân loại, thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình; Hỗ trợ các trang thiết bị và chế phẩm vi sinh cho tất cả các hộ đã đăng ký tham gia để xây dựng mô hình điểm.
Chính vì lẽ đó, đã cho thấy ứng xử của người dân về rác thải thay đổi, góp phần bảo vệ môi trường và từng bước cải thiện chất lượng môi trường nông thôn. Ghi nhận, đánh giá từ những kết quả mang lại, lãnh đạo các địa phương hưởng lợi cho rằng đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng, hiệu quả, thời gian tới sẽ nhân rộng để góp phần cũng địa phương thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Nổi bật như mô hình triển khai tại xã Tam Dân, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam đã thu hút hơn 1.200 hộ dân tham gia. Từ khi triển khai, bà con đã thay đổi thói quen, thu gom rác thải sinh hoạt đúng nơi quy định, giữ gìn vệ sinh chung, góp phần bảo vệ môi trường. Đặc biệt, các gia đình khi được tham gia tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật…đã thực hiện phân loại rác để ủ thành phân hữu cơ, làm phân bón cho cây trồng.
Nhân rộng mô hình, đưa hoạt động đi vào chiều sâu để duy trì bền vững
Báo cáo của chủ đầu tư dự án cho thấy chất thải, rác thải hữu cơ trong sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp ở nông thôn hiện nay đang trở thành vấn đề nổi cộm do lượng rác thải phát sinh ngày càng nhiều, đa dạng. Trong khi đó, nhận thức của người dân nông thôn lại rất hạn chế, việc thu gom, xử lý rác còn bất cập. Không những vậy, rác không được thu gom, vứt bừa bãi gây mất mỹ quan và làm ô nhiễm môi trường, nhiều dịch bệnh bùng phát vì rác thải, chất thải gây ra.
Điều này càng khẳng định thêm, việc triển khai dự án, xây dựng mô hình điểm “Hội Nông dân tham gia phân loại, phân loại và xử lý rác thải ở nông thôn” là hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng. Qua quá trình triển khai và thông báo kết thúc dự án sau thời gian thực hiện, ngoài việc trang bị kiến thức, kỹ năng, đại diện Trung tâm môi trường nông thôn (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) đã đề nghị Hội Nông dân các tỉnh, huyện và các xã tiếp tục duy trì hoạt động, tuyên truyền sâu rộng tới hội viên nông dân.
Mặt khác, quan tâm chỉ đạo xây dựng các điển hình, mô hình có chiều sâu, thực chất, nhất là trong việc tham gia xây dựn nông thôn mới; chú trọng làm tốt công tác đánh giá, nhân rộng các mô hình, điển hình tiêu biểu, tạo lan toả sâu rộng trên địa bàn.
Ông Đinh Khắc Đính – Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã đánh giá cao sự đồng hành, phối hợp của Đảng uỷ, chính quyền, các cấp Hội Nông dân trong thời gian qua để dự án được triển khai đảm bảo tiến độ; ghi nhận những kết quả đạt được của dự án, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thành lập các câu lạc bộ nhân rộng mô hình góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho bà con nông dân, các hộ gia đình về công tác bảo vệ môi trường gắn với nhiệm vụ chính trị trọng tâm như xây dựng nông thôn mới.
“Phát huy kết quả đạt được ở mô hình trong thời gian qua và nhìn nhận, đánh giá khách quan để khắc phục những điểm chưa được. Qua đó, cần tiếp tục trao đổi, rút kinh nghiệm, gắn hiệu quả để nâng cao bảo vệ môi trường, đưa hoạt động đi vào chiều sâu nhằm hướng đến mục tiêu duy trì bền vững”, ông Đinh Khắc Đính, nhấn mạnh.
Nhân dịp này, các địa phương tại tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế được Trung tâm môi trường nông thôn lựa chọn xây dựng mô hình điểm đã cho ra mắt những Câu lạc bộ “nông dân bảo vệ môi trường”. Thông qua các Câu lạc bộ để phát huy tinh thần đoàn kết, chia sẽ, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, từ đó làm cơ sở tiếp tục nhân rộng mô hình.
Theo ước tính của cơ quan chuyên môn, lượng rác thải nông thôn phát sinh khoảng hơn 1,8 nghìn tấn/ ngày, tương đương với 6,6 triệu tấn trên năm. Tuỳ theo nguồn gốc phát sinh, được phân loại theo 3 nhóm chính: rác thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp và rác thải làng nghề. Trong đó, rác thải sinh hoạt có đặc trưng là thành phần hữu cơ, dễ phân huỷ, chiếm tỷ lệ cao, giao động từ 65-70% tổng lượng rác.
- Thừa Thiên Huế: Mô hình nông dân bảo vệ môi trường sẽ thành điểm sáng và lan tỏa, nhân rộng
- Lan toả cách làm hiệu quả trong việc phân loại, thu gom rác thải sinh hoạt nông thôn của Hội Nông dân
- Khơi thông nguồn lực đất đai, hướng đến mục tiêu NetZero, bảo vệ môi trường nông thôn
- 13 tỉnh, thành phố thuộc Cụm thi đua số 5 hoàn thành chỉ tiêu thi đua Trung ương Hội giao