Việt Nam đang có nhiều thuận lợi trong việc thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm
Mục tiêu của hội nghị nhằm cung cấp các thông tin, kiến thức về thực hành kinh doanh có trách nhiệm với hy vọng các phóng viên, biên tập viên tham dự hội nghị sẽ hiểu rõ và truyền tải tích cực, đầy đủ thông tin trên báo chí, qua đó chung tay, góp sức với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc nâng cao nhận thức và năng lực của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng về thực hành kinh doanh có trách nhiệm; góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại Việt Nam.
Chương trình tập huấn tập trung vào các nội dung: Tổng quan về Chương trình hành động Quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023 - 2027; kỹ năng viết bài về chủ đề thúc đẩy doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm.
Ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Kinh doanh có trách nhiệm là hoạt động kinh doanh tuân thủ pháp luật và thực hiện các biện pháp đánh giá, ngăn ngừa, giảm thiểu và khắc phục các tác động bất lợi của hoạt động kinh doanh đối với con người, môi trường và xã hội. Thực hành kinh doanh có trách nhiệm là một nội dung quan trọng nhằm đạt được mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, đây là xu hướng và yêu cầu tất yếu đối với các doanh nghiệp tại trên thế giới và Việt Nam hiện nay.
Đồng thời, nhấn mạnh lại Quyết định số 843/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký ngày 14/7/2023 về việc ban hành Chương trình hành động Quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023 – 2027. Chương trình hành động Quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023 - 2027 gồm 5 mục tiêu:
Một là, nâng cao nhận thức, năng lực của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng.
Hai là, bảo đảm Nhà nước ban hành chính sách và pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm theo đúng các cam kết quốc tế, xây dựng các biện pháp ưu tiên, khuyến khích đối với các doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm.
Ba là, bảo đảm các doanh nghiệp tuân thủ đúng các quy định pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm; khuyến khích các doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm trên mức quy định tối thiểu của pháp luật.
Bốn là, nâng cao hiệu quả, chất lượng của công tác tổ chức thi hành pháp luật liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp ở Việt Nam.
Năm là, hoàn thiện các chế tài để xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam.
Tại hội nghị, TS. Lưu Hương Ly, Trưởng phòng Pháp luật Dân sự, Vụ Pháp luật Dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cho biết: Việc nhìn nhận, thực hành kinh doanh có trách nhiệm đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc tuân thủ pháp luật mà còn phải thực hiện các biện pháp đánh giá rủi ro đối với các yếu tố con người, xã hội và môi trường, đồng thời giải quyết các nguy cơ tiềm ẩn, như: Phòng ngừa, giảm thiểu hoặc tiến hành biện pháp khắc phục thích hợp khi xảy ra các vi phạm.
Hiện nay, Việt Nam đang có nhiều thuận lợi trong việc thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm. Đầu tiên, Việt Nam có sự cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ trong việc xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững. Bên cạnh đó, môi trường hội nhập quốc tế là một yếu tố quan trọng giúp Việt Nam thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm. Là thành viên của nhiều Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, CEDAW, ILO…, Việt Nam buộc phải tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm cả những tiêu chuẩn về môi trường và trách nhiệm xã hội...
Tuy nhiên, dù có nhiều thuận lợi, nhưng thực tế việc triển khai Chương trình này cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trước hết, nhận thức của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và xã hội về thực hành kinh doanh có trách nhiệm còn chưa đồng đều. Khung pháp lý về thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam vẫn chưa thực sự hoàn thiện, cùng với đó là hiệu quả thực thi pháp luật trong lĩnh vực này chưa đạt được kỳ vọng, chưa đồng đều ở nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương.
Để khắc phục những tồn tại trên, cần tăng cường tập huấn nâng cao nhân thức, năng lực cho các cơ quan, tổ chức có liên quan về chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm; rà soát, nghiên cứu, và đề xuất hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành; đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới những văn bản pháp luật liên quan đến thực hành kinh doanh có trách nhiệm.
Trong khuôn khổ chương trình hội nghị, ông Nguyễn Quang Hòa, Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nguyên Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã chia sẻ với đại biểu tham dự, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài về các kỹ năng viết bài về chủ đề thúc đẩy doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm.
- An Giang: Ứng dụng chuyển đổi số là chìa khóa góp phần tạo nên một nền nông nghiệp thông minh, bền vững, hiệu quả
- Chỉ có 1 loại thuế GTGT 5% mới được hoàn thuế: Cần thay đổi để tạo công bằng giữa các doanh nghiệp
- Cà Mau: Chủ động xây dựng, hình thành các liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp
- Bà Rịa - Vũng Tàu đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị