Làng nghề

Bảo tồn giá trị văn hóa làng gốm hướng đến sản phẩm OCOP Quảng Ngãi

Ngo Nga - 07:26 02/12/2021 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Làng gốm Mỹ Thiện (thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đã có tuổi đời hơn 200 năm. Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay, gốm Mỹ Thiện vẫn bảo tồn và giữ gìn phương thức sản xuất truyền thống, mang những giá trị văn hóa và thẩm mỹ riêng của một làng gốm xứ Quảng.

Nét độc đáo riêng có của gốm Mỹ Thiện

Nằm bên dòng sông Trà Bồng thơ mộng ở  thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, làng gốm Mỹ Thiện có lịch sử hình thành và phát triển hơn  200 năm. Theo sử sách, hai ông Phạm Công Đắc và Nguyễn Công Ất quê ở Thanh Hóa cùng gia đình di cư vào đây, dựng lên những lò nung đầu tiên, mở ra nghề gốm ở làng Mỹ Thiện bên bờ sông Trà Bồng.

Gốm Mỹ Thiện được sản xuất truyền thống theo kỹ thuật bàn xoay, nghệ nhân phải dùng tay xoay bàn gỗ liên tục để vuốt và tạo hình cho đất sét. Nguyên liệu đất sét dùng để làm gốm phải là loại tốt, được lọc kỹ tạp chất. Bí quyết của nghệ nhân nung gốm là ở khả năng làm chủ nhiệt độ, kết hợp với sự gia giảm trong pha chế men để tạo màu men như ý.

Gốm Mỹ Thiện được làm theo kỹ thuật bàn  xoay truyền thống (ảnh CTV).

Một trong những nét độc đáo của gốm Mỹ Thiện là kỹ thuật nung qua 2 lửa. Lần nung thứ nhất để tạo cho xương gốm chắc. Lần thứ 2 sản phẩm gốm được nhúng men rồi cho vào lò nung. Với lần nung men, màu sắc sản phẩm sẽ thay đổi theo nhiệt độ, tạo nên sự thay đổi về màu sắc cho mỗi sản phẩm. Các sản phẩm chính tạo ra từ làng gốm Mỹ Thiện là chum, ché, ghè, vò, bình vôi, ấm trà… Người nghệ nhân bằng óc sáng tạo với đôi tay điêu luyện đã “thổi hồn” vào sản phẩm bằng những hình vẽ rồng, phượng, hoa, quả...

Năm 1982, Hợp tác xã gốm Mỹ Thiện thành lập với hơn 200 xã viên, các lò gốm Mỹ Thiện hoạt động hết công suất để tạo nên sản phẩm gốm cung ứng cho thị trường miền Trung và Tây Nguyên. Mặc dù sản phẩm gốm tinh xảo, dễ sử dụng lại không độc hại nhưng lại bị các mặt hàng đồ nhựa, đồ gốm Trung Quốc có giá thành rẻ cạnh tranh khiến người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm gốm truyền thống.

Bảo tồn và phát triển hướng đến sản phẩm OCOP Quảng Ngãi

Cơ sở gốm Mỹ Thiện của hộ ông Đặng Văn Trịnh ở Tổ dân phố 2, thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn được UBND tỉnh Quảng Ngãi công nhận là nghề truyền thống từ tháng 7/2012. Đây là cơ sở còn lại duy nhất của quần thể làng nghề sản xuất gốm có lịch sử hơn 200 năm, từng là làng gốm nức tiếng một thời, cũng đã trải qua giai đoạn khó khăn và đang dần được phục hồi. Nghệ nhân Đặng Văn Trịnh (56 tuổi) là đời thứ tư của làng gốm hơn 200 năm này.

Bên cạnh những thành quả đạt được, cơ sở gốm cũng gặp nhiều khó khăn khi sản phẩm khó cạnh tranh trên thị trường, thiếu vốn đầu tư máy móc, thiếu mặt bằng sản xuất, nguyên liệu sản xuất không đảm bảo, lao động lành nghề ít, người lao động không mặn mà với nghề gốm truyền thống do thu nhập thấp...

Để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở gốm Mỹ Thiện tiếp tục phát triển, gìn giữ được truyền thống văn hóa làng nghề tại địa phương, năm 2019, ngân sách tỉnh Quảng Ngãi đã hỗ trợ 157 triệu đồng, ngân sách huyện Bình Sơn hỗ trợ 150 triệu đồng để xây dựng, nâng cấp nhà xưởng, nơi cho du khách tham gia sản xuất trải nghiệm nơi trưng bày sản phẩm, mua sắm thiết bị... Nhờ đó, nghề gốm đang có nguy cơ mai một thất truyền từng bước được phục hồi.

Nghệ nhân Đặng Văn Trịnh bên các sản phẩm của Mỹ Thiện (ảnh CTV).

Năm 2021, từ nguồn kinh phí Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Bình Sơn phân bổ kinh phí 400 triệu đồng để Phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn hỗ trợ đối với 8 sản phẩm OCOP hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng Chương trình OCOP huyện, trong đó hỗ trợ cho sản phẩm Lục bình gốm Mỹ Thiện 69,5 triệu đồng.

Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, gốm Mỹ Thiện là một di sản cần phải bảo tồn. Trước hết, làng nghề phải tìm ra được nguồn nguyên liệu tốt như thời xưa đã thực hiện và kế tục được những tinh túy của làng nghề xưa. Những người thợ phải hết sức tâm huyết với nghề nghiệp, không ngừng tìm tòi, học hỏi, phục hồi làng nghề. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần nỗ lực tạo không gian cho làng nghề phát triển, tạo nguyên liệu cho làng nghề phát triển, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Để bảo tồn và phát triển nghề từng một thời nức tiếng, các ngành chức năng ở Quảng Ngãi đã và đang vào cuộc tìm hướng hỗ trợ cũng như tạo điều kiện để gia đình nghệ nhân Đặng Văn Trịnh - thế hệ cuối cùng ở làng gốm có cơ hội bám giữ cái nghiệp có tuổi đời hàng trăm năm mà cha ông để lại. Hiện tại, gia đình nghệ nhân Đặng Văn Trịnh cũng đã nhận được kinh phí hỗ trợ từ Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi để mua sắm máy móc, giúp cơ sở gốm tiết kiệm được phần lớn thời gian công sức bỏ ra, tăng số lượng mặt hàng hơn so với làm theo kiểu truyền thống như trước. Đồng thời, huyện Bình Sơn cũng hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhà trưng bày ngay tại lò gốm để tạo điều kiện cho du khách đến tham quan, tìm hiểu về nghề gốm.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác