Góc nhìn

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội

(Tapchinongthonmoi) Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, các ban, bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội đã có nhiều giải pháp tạo ra bước đột phá về mối quan hệ giữa cơ sở giáo dục và doanh nghiệp. Như vậy, bước đầu về hợp tác giữa trường, doanh nghiệp đã có kết quả khả quan. Một điều mang tính nguyên tắc là hợp tác nhà trường và doanh nghiệp là quan hệ mang tính sống còn, vì lợi ích của nhau, cũng như của xã hội...
Hòa tấu cồng chiêng - tiết mục văn hóa phi vật thể tiêu biểu của đồng bào dân tộc Mường, nằm trong chuỗi các hoạt động của Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2019. Ảnh: TTXVN

Bối cảnh

Nhân loại đang sống trong bối cảnh có nhiều biến động do tác động của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, toàn cầu hóa và đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đang diễn ra ngày càng sâu rộng ảnh hưởng rõ nét đối với cuộc sống của mỗi người dân vùng lãnh thổ quốc gia khác nhau. Có thể nói, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa làm thay đổi không chỉ hoạt động sản xuất mà còn góp phần hiện đại hóa xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống thường ngày của con người. Trong khi toàn cầu hóa tạo sự lan tỏa sản phẩm hàng hóa, giá trị văn hóa từ quốc gia này đến quốc gia khác. Tạo cơ hội cho con người ở mọi phương trời, vùng lãnh thổ xích lại gần gũi và hiểu nhau hơn qua giao lưu thưởng thức các ẩm thực địa phương. Đúng như (Peoples and Bailey, 2009: 356) đã nhận xét “toàn cầu hóa đồng nghĩa với những thay đổi toàn cầu, qua đó các xã hội, các nền văn hoá, chính trị, kinh tế dịch lại gần nhau hơn, dẫn đến gia tăng sự hội nhập và chuyển đổi đời sống của mọi người trên toàn thế giới”. 

Cũng bàn về toàn cầu hóa (Giddens, 2009:129) tiếp tục chỉ ra rằng “toàn cầu hóa là khái niệm phản ánh thế giới chúng ta đang sống, trong đó các cá nhân, nhóm và các quốc gia ngày càng phụ thuộc nhau”. Còn tác giả Nicolas Yeates thì nhấn mạnh về 9 thành tố của quá trình toàn cầu hóa, trong đó ông rất quan tâm đến 2 thành tố liên quan đến phân phối và tiêu dùng hàng hóa, đó là “sự hội nhập toàn cầu của các hoạt động kinh doanh, và sự phổ biến của chủ nghĩa tiêu dùng và chủ nghĩa cá nhân trên toàn thế giới” (Nicolas Yeates, 2001:631). Rõ ràng là chúng ta đang sống trong giai đoạn toàn cầu hóa mạnh mẽ và toàn diện hơn bao giờ hết. Như lời Friedman phát biểu “Toàn cầu hoá làm thế giới phẳng ra, nhân tố thúc đẩy toàn cầu hoá là các công ty đa quốc gia, và nền kinh tế toàn cầu ra đời, phát triển do giao dịch và thông tin giữa các lục địa đủ lớn để phát triển thị trường toàn cầu, làm thế giới phẳng ra và co lại từ cỡ nhỏ xuống cỡ siêu nhỏ (Friedman, 2009 [2005]: 25-28).

Tương tự, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đang mang đến nhiều cơ hội mới cho xã hội loài người “Cách mạng công nghiệp 4.0” đã nhắc đến và ngày nay đang ngày càng trở nên phổ biến tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. Đây là cuộc cách mạng có đặc trưng bởi sự hợp nhất giữa hệ thống thực và hệ thống ảo. Trong các nhà máy cách mạng 4.0, máy móc được kết nối Internet và liên kết với nhau qua một hệ thống để có thể tự định hình toàn bộ quy trình sản xuất và đưa ra các quyết định, dần giảm bớt sự có mặt của con người. Các thiết bị di động cho phép kết nối hàng tỷ người trên thế giới và tiếp cận với các dữ liệu lớn trong nhiều lĩnh vực. So với các cuộc cách mạng trước đây, cách mạng đưa các phát minh công nghệ đi vào từng lĩnh vực của cuộc sống con người với các cảm biến nhỏ mạnh, trí thông minh nhân tạo hay máy học. Với hạt nhân là Internet kết nối vạn vật và các hệ thống kết nối Internet, cách mạng lần thứ Tư giúp xoá nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, số hoá và sinh học. Theo tác giả Nguyễn Thắng, Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đang vẽ lại bản đồ kinh tế thế giới, có thể làm dịch chuyển trung tâm trọng lực kinh tế toàn cầu (từ Tây sang Đông, từ Bắc sang Nam) bị đổi hướng (dẫn theo Phạm Quang Duy, 2017). Điều này càng khẳng định quy mô và tầm ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với sự phát triển của thế giới.

Điều đáng quan tâm là về mặt xã hội, cuộc cách mạng 4.0 không chỉ thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh mà còn tạo ra sự thay đổi diện mạo xã hội với thiết chế xã hội mới và hành vi văn hóa ứng xử của con người phù hợp với bối cảnh Cách mạng 4.0. Theo Klaus Schwab (2016), Cách mạng 4.0 tạo ra những thay đổi sâu sắc trong cách thức con người làm việc, giao tiếp, thể hiện mình, tiếp cận thông tin và giải trí. Nhiều cá nhân có thể làm việc tại nhà hay bất cứ đâu mà không cần phải đến công sở giống như trước đây. Họ cũng có thể tham gia các mạng lưới xã hội rộng lớn, kết nối với các cơ hội học tập, giải trí hay phát triển bản thân không giới hạn thông qua các thiết bị số trung gian hiện đại. 

Với những đặc tính ưu trội kể trên, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của loài người, cuộc cách mạng này tác động đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, từ công nghiệp, nông nghiệp, ngân hàng, giao thông vận tải, dệt may cho đến doanh nghiệp và các địa phương và chính bản thân con người. Nó không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, mà còn tác động sâu sắc đến xã hội, đặc biệt là hệ giá trị văn hóa truyền thống của mỗi quốc gia, dân tộc và toàn cầu, mở ra nhiều cơ hội và thách thức mới cho mỗi cá nhân, nhóm xã hội trong quá trình bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống để phát triển và hội nhập. Thực tiễn này đòi hỏi mỗi quốc gia và địa phương phải quan tâm và định hướng các chiến lược đón đầu để kiến tạo mô hình phát triển phù hợp. Trong quá trình phát triển vẫn bảo tồn, gìn giữ được hồn cốt văn hóa truyền thống của dân tộc, đồng thời phát huy tốt giá trị văn hóa này vào phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội nhập. 

Có thể nói, trong quá trình phát triển nếu quốc gia hay địa phương nào sớm khai thác và tận dụng triệt để những thành quả toàn cầu hóa, cuộc Cách mạng 4.0 mang lại sẽ có ưu thế rất lớn để phát triển vượt trội làm chủ trong kỷ nguyên số và toàn cầu hoá. Nếu dân tộc, quốc gia nào không biết khai thác lợi thế gìn giữ phát huy giá trị văn hóa vào phát triển có thể bị tiêu tan văn hóa truyền thống và cũng có thể gặp khủng hoảng văn hóa, xã hội trong đời sống đương đại. Như vậy các điều kiện và bối cảnh của thời kỳ mới đang mang đến nhiều cơ hội để con người ở mỗi địa phương, dân tộc hướng đến sự thay đổi cuộc sống ngày càng văn minh và tiến bộ hơn… Song nó cũng tiềm ẩn vô số thách thức đối với xã hội người dân ở mỗi dân tộc và địa phương; liên quan đến các giá trị văn hóa như biến mất của các biểu tượng văn hóa, sự đổ vỡ của hệ thống giá trị, chuẩn mực xã hội truyền thống, con người trở lên ích kỷ hơn, xa rời các giá trị cộng đồng truyền thống, phá hủy sự gắn kết cộng đồng, chạy theo giá trị và lối sống thực dụng tư lợi cá nhân. Thực tiễn này đang đặt các cộng đồng xã hội Việt Nam, nhất là cộng đồng dân tộc thiểu số đứng trước nhiều thách thức phát triển bền vững.

Đồng bào dân tộc Dao thu hoạch lê - một cây trồng chủ lực giúp người dân xóa đói, giảm nghèo. Ảnh: TTXVN

Na Hang là huyện miền núi vùng cao thuộc tỉnh Tuyên Quang có tới 89,38% dân số là dân tộc thiểu số (UBND huyện Na Hang, 2021). Việc tập trung đông các dân tộc thiểu số cùng chung sống đã tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng ở Na Hang. Các loại hình văn hóa truyền thống tiêu biểu bao gồm nhà ở, trang phục, ẩm thực, công cụ sản xuất nông nghiệp, các nghề thủ công, hệ thống các di tích - danh thắng, nghi lễ và lễ hội; tri thức và tập quán liên quan… đến các dân tộc thiểu số ở địa phương có bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo, được lưu truyền qua bao thế hệ với nhiều loại hình, mang bản sắc riêng, góp phần quan trọng vào sự đổi thay của địa phương (UBND huyện Na Hang, 2021). Tuy nhiên, thực tiễn phát triển những năm gần đây cho thấy, các loại hình văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang đang phải đối mặt với nguy cơ bị biến mất hay ngày càng bị mai một, gặp khó khăn trong bảo tồn và đứng trước những cơ hội, thách thức mới của bối cảnh kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa diễn ra ngày càng sâu rộng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình gìn giữ, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc và ổn định đời sống nhân dân cũng như phát triển bền vững kinh tế, xã hội, môi trường của địa phương.

Câu hỏi đặt ra là thực trạng các loại hình giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu đang đứng trước cơ hội và thách thức nào trong bảo tồn và phát huy vào phát triển kinh tế - xã hội huyện Na Hang trong bối cảnh mới. Dựa vào nguồn tài liệu thứ cấp và dữ liệu khảo sát đề tài: Nghiên cứu giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, bài viết phân tích khái quát một số nét thực trạng, cơ hội, thách thức, và bàn luận kịch bản hướng giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang trong bối cảnh hiện nay. 

Ảnh minh họa.

Thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội huyện Na Hang

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Những năm qua, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng về“Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Đảng bộ và chính quyền huyện Na Hang đã có nhiều hoạt động, giải pháp tích cực để khơi dậy, bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc, huy động được sức mạnh vật chất, tinh thần trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia. Thông tin từ các cuộc phỏng vấn sâu lãnh đạo huyện, xã và thôn, bản cho thấy địa phương đã khôi phục để gìn giữ các loại hình văn hóa truyền thống dân tộc như: Tổ chức phục dựng lễ hội ở các xã trên địa bàn huyện, thành lập các câu lạc bộ dân ca, dân vũ cấp xã của một số đồng bào dân tộc thiểu số (Tày, Dao, H’Mông) biểu diễn tại chợ đêm Trung tâm Văn hóa huyện Na Hang vào tối thứ 7 hàng tuần, tham gia các cuộc liên hoan giao lưu nghệ thuật hàng năm ở trong và ngoài địa phương, các giải thể thao như bắn cung, chơi quay, tung còn,... giành cho đồng bào các dân tộc nhằm góp phần giới thiệu, quảng bá đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn huyện. Các di tích lịch sử, văn hóa; giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc được quan tâm thực hiện; một số di tích lịch sử, văn hóa được tôn tạo (Đền Pác Tạ); nhiều danh thắng được phát huy (Danh lam thắng cảnh Di tích Quốc gia đặc biệt Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình, Thác Mơ Na Hang), cảnh quan nhà sàn của dân tộc Tày, nhà truyền thống của dân tộc Dao, H’Mông (ở các xã Thanh Tương, Hồng Thái, Đà Vị, Yên Hoa, Khâu Tinh ...) cũng được quan tâm chỉnh trang thường xuyên nhằm gìn giữ giá trị, sử dụng vào dịch vụ nhà ở homstay, thu hút khách thập phương đến thăm quan và nghỉ dưỡng tại địa phương. Nhiều phong tục, tập quán truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc được các nghệ nhân và cộng đồng mỗi thôn bản khôi phục, bảo tồn và phát huy (như lễ cấp sắc của dân tộc Dao Tiền ở xã Hồng Thái, nhảy lửa của dân tộc Dao Đỏ ở xã Đà Vị); các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ các dân tộc được sưu tầm, truyền dạy và lưu giữ: Nghi lễ cấp sắc của người Dao, nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao Đỏ, hát Then - đàn tính, hát Páo dung… hay câu lạc bộ dệt thổ cẩm, thêu hoa văn trên áo, khăn túi vải thổ cẩm của đồng bào dân tộc H’Mông, Dao đang từng bước được khôi phục và gìn giữ, là nét đặc trưng, độc đáo của văn hóa các dân tộc, đây cũng là tiềm năng, lợi thế cho phát triển du lịch cộng đồng của huyện Na Hang trong bối cảnh hiện nay.

Bên cạnh việc khôi phục các loại hình vật thể, phi vật thể truyền thống của địa phương, với sự quan tâm đầu tư của tỉnh Tuyên Quang, huyện Na Hang đang triển khai quy hoạch xây dựng Làng Văn hóa du lịch thôn Nà Khá xã Năng Khả, huy động nguồn lực, mời gọi đầu tư xây dựng mới khu du lịch dịch vụ ở khu vực Nà Khá - Nà Vai, xã Năng Khả gắn kết với Khu du lịch sinh thái Tát Kẻ - Phiêng Bung, tạo thành tổ hợp du lịch. Thu hút đầu tư xây dựng Làng Văn hóa du lịch cộng đồng như ở thôn Bản Bung, xã Thanh Tương; thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái, Làng Cổ người Tày với nghề dệt thổ cẩm truyền thống thôn Đống Đa, xã Thượng Nông, gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đã và đang tạo ra sự tích cực xã hội và tích cực văn hóa cho người dân, là cơ hội thúc đẩy tinh thần tự quản, năng lực làm chủ của nhân dân trong việc tổ chức các hoạt động và sáng tạo văn hóa. Người dân ngày càng được khuyến khích tham gia vào các hoạt động xã hội và hoạt động văn hóa với tư cách như những nhân tố chủ động, từ hoạch định đến đánh giá các vấn đề xã hội và văn hóa, thậm chí là người đồng kiến tạo xã hội và văn hóa cùng với bộ máy nhà nước. Yếu tố nội sinh của sự phát triển xã hội và văn hóa được tăng lên cao, phần nào đó thể hiện vai trò tăng lên của người dân so với Nhà nước trong nhiều vấn đề xã hội và văn hóa.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư và nền kinh tế số tạo ra những thuận lợi cho công tác bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số, giúp chúng ta khai thác tiềm năng kinh tế của văn hóa trên môi trường số. Công nghệ số, internet phát triển kéo theo khả năng tiếp cận các nội dung văn hóa trở nên dễ dàng và không bị giới hạn bởi các đường biên giới quốc gia, điều này cũng đòi hỏi sự khác biệt, độc đáo trong nội dung, ý tưởng của các sản phẩm văn hóa như là một ưu thế cạnh tranh quan trọng. Các nước phát triển trên thế giới đang chuyển nhanh sang nền kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo, công nghệ số hóa và sự số hóa các nội dung văn hóa. Những thay đổi này đã đem lại những cơ hội lớn về khả năng giảm thiểu chi phí sản xuất, góp phần tạo ra các kênh lưu trữ bảo tồn văn hóa.

Có thể nói, sự quan tâm và đầu tư của chính quyền các cấp, ban ngành đoàn thể, và nỗ lực của mỗi người dân và cộng đồng dân tộc đang phát huy tiềm năng và tạo nhiều cơ hội cho việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội huyện Na Hang. Trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường, hội nhập, toàn cầu hóa, Cách mạng 4.0 diễn ra ngày càng mạnh mẽ ở cấp độ mỗi địa phương cũng tạo thêm nhiều cơ hội cho việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thông qua việc quảng bá các sản phẩm văn hóa khác nhau đến người dân, du khách trong và ngoài địa phương. 

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy không ít thách thức trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội huyện Na Hang. Theo các báo cáo gần đây của tỉnh và huyện về di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc Tày, Dao, H’Mông trên địa bàn huyện Na Hang, bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số này nhìn chung đang bị mai một hoặc biến đổi nhanh chóng. Các báo cáo cũng cho thấy hiện trạng về trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện hầu như không còn nguyên bản, đặc biệt là vải may trang phục truyền thống; trước đây là vải tự dệt, nhuộm chàm, hiện nay trang phục chủ yếu được may bằng vải công nghiệp bán sẵn, bởi do việc may bộ trang phục truyền thống tốn nhiều thời gian và công sức (từ việc trồng bông, dệt vải cho đến khi chế tác thành sản phẩm). Ngoài ra, đồng bào cho rằng việc sử dụng trang phục truyền thống không tiện lợi trong sinh hoạt, dẫn đến ít sử dụng và có biểu hiện ngày càng bị mai một. Tương tự, nhà ở truyền thống của các dân tộc, chẳng hạn như dân tộc Tày là nhà sàn, nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn, việc dựng một ngôi nhà sàn truyền thống tốn nhiều kinh phí, hơn nữa vật liệu xây dựng nhà chủ yếu bằng gỗ, nguồn gỗ hiện nay rất hiếm; vì vậy trong các làng bản dân tộc thiểu số hiện nay không còn giữ được nhiều ngôi nhà sàn truyền thống. Đối với nghề thủ công truyền thống, từ xa xưa, đồng bào các dân tộc thiểu số ở huyện Na Hang không hình thành các làng nghề truyền thống. Nghề thủ công của họ chủ yếu tự làm ra các sản phẩm để phục vụ chính gia đình họ như: thêu, dệt hoa văn trên trang phục, đan lát các vật dụng gia đình. Hiện nay, nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một cao bởi đồng bào ít sử dụng trang phục truyền thống, còn các vật dụng trong gia đình chủ yếu dùng hàng bán sẵn trên thị trường. 

Với sự quan tâm của chính quyền địa phương, cộng đồng các dân tộc cũng đang quan tâm phục dựng các loại hình văn hóa truyền thống của địa phương, nhưng các hoạt động này hoạt động chưa mạnh và còn nhiều bất cập. Chẳng hạn, nghi thức trong lễ hội truyền thống dân tộc ít người hiểu biết và thực hành đúng, các câu lạc bộ dân ca, dân vũ cấp xã của một số đồng bào dân tộc thiểu số tham gia tập luyện biểu diễn, giao lưu nghệ thuật trong và ngoài địa phương nhưng hoạt động còn thiếu chủ động, các trò chơi dân gian như bắn cung, chơi quay, tung còn ít được tổ chức. Các di tích lịch sử, văn hóa; giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc được quan tâm tôn tạo nhưng chưa đồng bộ và tổng thể, làm nổi bật đặc sắc để thu hút khách thập phương đến thăm quan và nghỉ dưỡng tại địa phương. Nhiều phong tục, tập quán truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc được các nghệ nhân và cộng đồng mỗi thôn bản khôi phục, bảo tồn và phát huy (như lễ cấp sắc của dân tộc Dao tiền ở xã Hồng Thái, nhảy lửa của dân tộc Dao Đỏ ở xã Đà Vị); các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ các dân tộc được sưu tầm, truyền dạy và lưu giữ: Nghi lễ cấp sắc của người Dao, nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao Đỏ, hát Then - đàn tính, hát Páo dung… hay câu lạc bộ dệt thổ cẩm, thêu hoa văn trên áo, khăn túi vải thổ cẩm của đồng bào dân tộc HMông, Dao đang từng bước được khôi phục và gìn giữ, nhưng chưa thực sự thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, nhất là giới trẻ trong cộng đồng dân tộc, thiếu sự phát triển mang tính đột phá để tạo ra lợi thế cho phát triển du lịch cộng đồng địa phương.

Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền thông đa phương tiện và kỹ thuật số, thị trường tự do, toàn cầu hóa văn hóa… cũng đang tạo ra thách thức không nhỏ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số. Sự bùng nổ về thông tin, truyền thông đi kèm với làn sóng giao thoa, du nhập văn hóa với nhiều yếu tố văn hóa mới, có mặt tích cực nhưng cũng có không ít tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến tiếp thu các giá trị văn hóa ngoại lai của dân đặc biệt là giới trẻ cộng đồng dân tộc thiểu số. Thách thức từ toàn cầu hóa văn hóa có nguy cơ làm mất bản sắc văn hóa dân tộc nếu mỗi cộng đồng không nâng cao sức mạnh nội sinh trong văn hóa, tiến hành hiện đại văn hóa nhưng không xa rời các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. Sự xâm lăng mạnh mẽ của văn hóa ngoại lai với nhiều luồng văn hóa độc hại truyền thụ thẩm thấu vào người dân, đặc biệt là giới trẻ vùng dân tộc thiểu số. Hệ lụy gây ra là những lệch chuẩn về đạo đức, thẩm mỹ, nhận định sai lầm về cái tôi (bản ngã) để chạy theo lối sống thực dụng, ưa chuộng các giá trị hào nhoáng bên ngoài, khuyến khích nảy sinh tư tưởng vong bản, sính ngoại. Từ đó có thể tạo tâm lý quay lưng lại với những giá trị truyền thống.

Bàn luận

Na Hang là huyện có địa lý, địa hình đa dạng, có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt với việc tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã tạo sắc thái văn hóa các dân tộc và tồn tại nhiều loại hình văn hóa truyền thống, di sản văn hóa của các dân tộc. Thực hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, tỉnh Tuyên Quang và huyện Na Hang trong những năm qua đã từng bước quan tâm việc gìn giữ, bảo tồn và quảng bá di sản văn hóa các dân tộc địa phương. Tại các cộng đồng có dân tộc thiểu số sinh sống ở Na Hang, văn hóa truyền thống có giá trị vô cùng quan trọng, được xem như là kho báu hiện vật và tri thức bản địa quý giá, đặc sắc của địa phương, được lưu truyền và phát triển qua nhiều thế hệ.

Song thực tiễn cũng phản ánh vô số thách thức liên quan đến bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Quá trình công nghiệp hóa, kinh tế thị trường, hội nhập và Cách mạng 4.0 đang nảy sinh không ít hệ quả tiêu cực trong phát triển như biến mất của các biểu tượng văn hóa, sự đổ vỡ của hệ thống giá trị, chuẩn mực xã hội truyền thống, con người trở lên ích kỷ hơn, xa rời các giá trị cộng đồng truyền thống, phá hủy sự găn kết cộng đồng, chạy theo giá trị và lối sống thực dụng tư lợi cá nhân…. 

Có thể nói, trong bối cảnh mới, đặc biệt là hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, bảo tổn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số huyện Na Hang đang đứng trước những cơ hội nhưng cũng đầy thách thức đòi hỏi sự tham gia góp sức của các chủ thể, nhất là các cấp, các ngành, đặc biệt là chính quyền và người dân địa phương. Việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp sẽ góp phần bảo tồn, phát triển, đồng thời phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống trong phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng cường liên kết cộng đồng, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào dân tộc, và gìn giữ phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong bối cảnh mới hiện nay. 

(1) Khái niệm cuộc CMCN lần thứ Tư hay Công nghiệp 4.0  đã được làm rõ tại diễn đàn Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 46 ở Thụy Sĩ. Theo GS. Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Industry 4.0 (tiếng Đức là Industrie 4.0) hay Cuộc CMCN lần thứ 4, là một thuật ngữ bao gồm một loạt các công nghệ tự động hóa hiện đại, trao đổi dữ liệu và chế tạo. Cuộc CMCN lần thứ 4 được định nghĩa là “một cụm thuật ngữ cho các công nghệ và khái niệm của tổ chức trong chuỗi giá trị” đi cùng với các hệ thống vật lý trong không gian ảo, Internet kết nối vạn vật (IoT) và Internet của các dịch vụ (IoS). Bản chất của CMCN lần thứ 4 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; nhấn mạnh những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn nhất là công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, người máy.

Tài liệu tham khảo:
- Giddens, Anthony. 1997. Sociology (third edition). Cambridge: Polity Press.
- Giddens, Anthony. 2009. Sociology (6th edition). Cambridge: Polity Press.
- Friedman, Thomas L. 2009[2005]. Thế giới phẳng - Tóm lược lịch sử thế giới thế kỷ 21. Hà Nội: Nhà Xuất bản Trẻ.
- Peoples, James and Garrick Bailey. 2009. Humanity: An Introduction to Cultural Anthropology. Belmont: Wadsworth.
- Yeates, Nicolas. 2001. Globalization and Social Policy. London: Sage.
- Nguyễn Đức Chiện, Tô Viết Hiệp. 2022. Tư liệu phỏng vấn sâu, đề tài Nghiên cứu giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số phục vụ phát triển kinh tế, xã hội huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Viện Hàn lâm KHXH Viêt Nam.
- UBND huyện Na Hang, đề án Bảo tốn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch huyện Na Hang đến năm 2025 và đinh hướng đến năm 2030.
- UBND huyện Na Hang, 2021. Báo cáo tổng kết phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022

 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác