Bảo vệ môi trường biển để phát triển bền vững
Thay đổi nhận thức của người dân
Để nâng cao nhận thức cho bà con nông dân xã Thái Đô về bảo vệ môi trường, thông qua hệ thống loa phát thanh của xã, nhiều bản tin về: Bảo vệ môi trường biển, phát triển kinh tế bền vững từ tài nguyên biển, các giải pháp thực hiện bảo vệ môi trường biển… đã liên tục được phát sóng. Từ đó nhận thức về việc bảo vệ môi trường biển của bà con trong xã Thái Đô đã có nhiều đổi thay.
Bên cạnh đó thì các tấm biển, pano áp phích về chung tay bảo vệ môi trường biển cũng được đặt ở nhiều vị trí quan trọng, cùng với đó là trong các cuộc họp việc lồng ghép tuyên truyền được các tổ chức chính trị- xã hội, các đoàn thể, UBND xã Thái Đô tích cực triển khai.
Để việc bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển ngày một tốt hơn, điều quan trọng là phải từ nhận thức và hành động của thế hệ trẻ. Chính vì vậy, thời gian qua UBND xã Thái Đô phối hợp chặt chẽ với Ban Giám hiệu, Ban Phụ huynh học sinh các nhà trường trên địa bàn để xây dựng những chương trình tuyên truyền bảo vệ môi trường, có những tiết học hay ngoại khoá về việc bảo vệ môi trường biển, phân loại rác thải tại gia đình…
Ban Giám hiệu Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Thái Đô đã yêu cầu đưa nội dung tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức nguy cơ ô nhiễm môi trường biển vào chương trình giáo dục một cách phù hợp. Theo đó các thầy cô giáo đã dạy học theo hướng lồng ghép, tích hợp giáo dục việc bảo vệ môi trường vào trong môn học; xây dựng các chủ đề dạy học về bảo vệ tài nguyên, bảo vệ biển đảo; thường xuyên tổ chức các chuyên đề ngoại khóa về giáo dục bảo vệ môi trường.
Em Nguyễn Thị Hương - học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Thái Đô cho hay, trong quá trình học tập chúng em được các thầy cô giảng dạy rất nhiều về hoạt động bảo vệ môi trường xung quanh, đặc biệt là về môi trường biển, không xả thải xuống biển không chỉ giúp biển sạch hơn mà còn góp phần bảo vệ những loài động vật đang sinh sống dưới biển, và từ đó sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống của chính những người dân sống ở gần biển như xã chúng em.
Anh Nguyễn Văn Trường - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thái Đô cho biết, nhiều năm qua để chung tay bảo vệ môi trường biển bền vững, ngay từ đầu năm Hội Nông dân xã Thái Đô đã phát động phong trào trồng rừng ngập mặn, với những cây trồng như: vẹt, bần. Chương trình triển khai đã thu hút được đông đảo các hội viên nông dân tham gia, hưởng ứng nhiệt tình. Giờ đây nhiều cánh rừng ngập mặt do Hội Nông dân xã trồng đã đóng góp quan trọng trong phát triển hệ sinh thái ở địa phương.
Ông Hoàng Văn Nam - hội viên nông dân xã Thái Đô cho hay, được sự tuyên truyền của chính quyền và Hội Nông dân xã, ngay từ đầu năm hưởng ứng Tết trồng cây, nông dân chúng tôi đã tích cực tham gia trồng rừng ngập mặn. Những cánh rừng ngập mặn giờ đây đã không chỉ giúp bà con nông dân chúng tôi tránh được ảnh hưởng của mưa bão hàng năm mà như gia đình tôi còn có thêm thu nhập từ việc nuôi ong lấy mật.
Không chỉ vậy, với rác thải sinh hoạt của các gia đình trên địa bàn, xã Thái Đô cũng đã có những giải pháp để bà con phân loại ngay tại gia đình, với các rác thải hữu cơ có thể để tự chôn lấp trong vườn, còn lại thì gom tập trung để tổ vệ sinh môi trường xã đến thu gom và đưa đến bãi xử lý tập trung của xã để xử lý.
Từ khi hiểu được vấn đề về rác thải và bảo vệ môi trường, các hộ gia đình trên địa bàn xã Thái Đô đã tích cực cam kết không xả thải ra ngoài môi trường, đặc biệt là việc vứt rác thải ra ngoài môi trường biển. Các hộ nuôi trồng thuỷ sản là những người trực tiếp hoạt động ngoài bờ biển cũng rất tích cực tham gia.
Bảo vệ môi trường góp phần phát triển kinh tế
Ông Tạ Ngọc Khôi - Chủ tịch UBND xã Thái Đô cho hay, Khu Du lịch sinh thái Cồn Đen hiện đang được định hướng phát triển để trở thành mũi nhọn kinh tế ở xã, phát triển du lịch sinh thái phải dựa trên sự khai thác các yếu tố tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn, văn hóa... Chính vì vậy, để phát triển du lịch bền vững, thời gian qua chính quyền và người dân xã Thái Đô đã thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ môi trường biển gắn với phát triển kinh tế.
Xác định rừng có ý nghĩa sống còn đối với chiến lược phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, cũng như phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Thái Đô đã đặc biệt coi trọng công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng, chống chặt phá rừng. Hàng năm xã đều có kế hoạch trồng rừng, để đảm bảo độ che phủ rừng ở địa phương với 800ha rừng ngập mặn.
Bên cạnh đó, Thái Đô xác định các giải pháp bảo vệ môi trường, quyết tâm tuyệt đối không được “đánh trống bỏ dùi”, tất cả các phong trào giữ sạch môi trường khi đã phát động là phải bám theo, kiểm tra, xử lý, duy trì cho đến khi hình thành thói quen, ý thức tự giác của người dân…
Từ việc làm tốt bảo vệ môi trường mà giờ đây Khu du lịch sinh thái Cồn Đen của xã Thái Đô đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn ở Thái Bình với nhiều trải nghiệm: Rừng ngập mặn, làm ngư dân cào ngao, câu cá… những năm qua tỷ lệ tăng trưởng du lịch ở Cồn Đen ngày một tăng (6 tháng đầu năm 2022 Khu du lịch sinh thái Cồn Đen đã đón tiếp trên 2.150 lượt khách).
Bên cạnh việc phát triển du lịch, bảo vệ môi trường biển còn góp phần phát triển nghề nuôi trồng thuỷ sản với diện tích 500ha ở xã Thái Đô. Anh Nguyễn Văn Thăng - người dân xã Thái Đô cho hay, con ngao ưa nước biển sạch chính vì vậy nếu môi trường biển bị ô nhiễm thì ngao sẽ chết hàng loạt. Những năm qua ở Thái Đô làm tốt công tác bảo vệ môi trường biển vì vậy nghề nuôi ngao của chúng tôi cũng gặp thuận lợi.