“Báu vật” của rừng giúp nông dân Nam Trà My đổi đời
Báu vật của rừng
Với điều kiện thổ nhưỡng đặc biệt, tại núi Ngọc Linh thuộc huyện Nam Trà My (Quảng Nam) mới cho ra đời được củ sâm chất lượng và đầy đủ hàm lượng saponin nên được giới y khoa ghi nhận là “ thần dược” cho sức khỏe, vì vậy sâm Ngọc Linh tại nơi này được phong là “Quốc Bảo Việt Nam” và trở thành thương hiệu đặc sản của vùng.
Huyện miền núi cao Nam Trà My từng là một trong số những huyện nghèo nhất cả nước ở thời điểm năm 2003. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm xuống còn hơn 31%. Nhờ cây sâm Ngọc Linh, người dân nơi đây đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, nhiều hộ thu cả tiền tỷ từ loại cây này.
Gần 2/3 đời người gắn bó với vùng đất Ngọc Linh, già làng Hồ Văn Du ở thôn 2, xã Trà Linh - người có diện tích trồng sâm Ngọc Linh lớn nhất tại huyện miền núi Nam Trà My. Từ ngày có đường bê tông đến làng, ngoài việc mua ô tô đi lại, già làng Hồ Văn Du còn xây ngôi nhà kiên cố theo mô hình truyền thống của người Xê Đăng.
Ông Hồ Văn Du cho biết, nhiều hộ dân Xê Đăng nơi đây đã kiếm tiền tỷ, mua ô tô nhờ trồng sâm Ngọc Linh. Nhiều ngôi làng trên núi Ngọc Linh, huyện Nam Trà My được ví von là “làng tỷ phú”. Đường ô tô vào đến tận ngõ, nhiều ngôi nhà cao tầng, khang trang mọc lên như một thị trấn thu nhỏ. Không chỉ có người bản địa, những năm qua, nhiều người từ nơi khác đã liên kết với bà con Xê Đăng để trồng sâm Ngọc Linh.
Theo tính toán, một héc ta sâm Ngọc Linh, sau 5 năm trồng có thể cho thu nhập từ 50 đến 70 tỷ đồng. Diện tích trồng sâm tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm số đáng kể, trong 5 năm qua, huyện Nam Trà My có hơn 2.300 hộ thoát nghèo bền vững. Nếu như năm 2014, toàn huyện Nam Trà My chỉ có 150ha trồng sâm Ngọc Linh, thì nay đã tăng lên hơn 1.600ha.
Từ hiệu quả của cây dược liệu này, từ năm 2017, chính quyền địa phương triển khai di thực cây sâm Ngọc Linh ra 4 xã khác trên địa bàn huyện gồm Trà Tập, Trà Dơn, Trà Don, Trà Leng với diện tích khoảng 60ha. Theo ông Trịnh Minh Quý, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Nam Trà My, sau 4 năm thực hiện có thể đánh giá việc di thực cây sâm trên địa bàn huyện đã thành công.
Từ thành công bước đầu tại huyện Nam Trà My, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao cho 6 huyện (Phước Sơn, Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang, Bắc Trà My và Núi Thành) mỗi huyện 1.000 cây giống, để trồng thử nghiệm ở các vùng có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng, độ cao từ 1.000m so với mực nước biển trở lên.
Vừa phát triển vừa bảo vệ
Giấc mơ tỷ phú từ cây sâm Ngọc Linh không còn quá xa vời khi mới đây tỉnh Quảng Nam đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xây dựng và phê duyệt “Chương trình Quốc gia phát triển sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam) giai đoạn 2021-2030 và định hướng đến 2045”, đặt mục tiêu phát triển cây sâm Ngọc Linh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Là một kỹ sư nông nghiệp với hơn 10 năm gắn bó với cây sâm Ngọc Linh, ông Trần Đăng Tiến cùng nhiều thanh niên mạnh dạn thuê 6ha môi trường rừng để phát triển cây sâm Ngọc Linh. Đã có hàng nghìn cây sâm từ 1 đến 6 năm tuổi được nhân giống tại đây. Theo ông Trần Đăng Tiến, người trồng sâm Ngọc Linh phải hiểu đúng những giá trị to lớn mà cây sâm mang lại, từ đó có trách nhiệm bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh.
“Cây sâm Ngọc Linh phát triển, đem lại nguồn lợi rất lớn không chỉ cho mình mà còn cho nhiều hộ dân tại đây. Theo chủ trương của tỉnh Quảng Nam, để phát triển được thương hiệu sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam thì phải giữ cho được nguồn gen quý hiếm tại huyện Nam Trà My. Người dân cần tiếp tục bảo vệ và chăm sóc cây sâm để phát triển trong thời gian tới” - ông Trần Đăng Tiến cho biết.
Theo ông Trần Út - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, để tiếp tục phát triển cây sâm Ngọc Linh trong những năm tới, tỉnh tập trung nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen quý hiểm và phát triển cây sâm giống.
“Nghiên cứu để thực hiện quy trình nhân giống đạt hiệu quả cao nhất. Đến bây giờ chúng ta có thể làm chủ được việc sản xuất cây giống, cho ra cây giống đạt tỷ lệ cao, đảm bảo sức khỏe cây giống đảm bảo một cách tốt nhất. Cây sâm giống gốc trong vườn có khả năng sinh hạt, khả năng sinh trưởng, phát triển tốt hơn qua từng năm”, ông Trần Út cho biết.
Theo ông Phan Việt Cường - Bí Thư tỉnh ủy Quảng Nam cho rằng, thế mạnh của huyện Nam Trà My là sâm Ngọc Linh và cây dược liệu, là cây trồng chủ lực không những giảm nghèo vùng miền núi Nam Trà My mà giúp dân vươn lên giàu lên. Chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn tỉnh cần quản lý, bảo tồn và nghiên cứu nhân giống gen sâm gốc tự nhiên, đảm bảo tiêu chuẩn về giá trị sâm Ngọc Linh.
Bởi vậy, theo ông Phan Việt Cường, huyện Nam Trà My cần tiếp tục nghiên cứu, mở rộng diện tích theo quy hoạch đã được duyệt; tập trung bảo tồn, gìn giữ nguồn gen gốc của sâm Ngọc Linh.
“Đề nghị huyện bảo tồn giống gốc của sâm Ngọc Linh, không để lai tạp các loại sâm khác; nghiên cứu mở rộng diện tích, ưu tiên những người có kinh nghiệm trồng sâm truyền đạt lại cho những hộ khác để trồng. Chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ thông qua con giống, vật tư để những hộ dân có đất trồng sâm giúp dân thoát nghèo” - ông Cường nhấn mạnh.
“Tỉnh tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư bài bản hơn để phát triển cây sâm Ngọc Linh và Quảng Nam sẽ chế biến từ cây sâm Ngọc Linh ra các sản phẩm để nâng cao giá trị của cây sâm chứ không chỉ dừng lại ở sản phẩm thô như hiện nay. Phải đầu tư chế biến sâu để tăng thêm giá trị của cây sâm”, ông Phan Việt Cường cho biết thêm.
Theo tính toán, một héc ta Sâm Ngọc Linh, sau 5 năm trồng có thể cho thu nhập từ 50 đến 70 tỷ đồng. Trong 5 năm qua, huyện Nam Trà My có hơn 2.300 hộ thoát nghèo bền vững nhờ cây sâm Ngọc Linh. Nếu như năm 2014, toàn huyện Nam Trà My chỉ có 150ha trồng sâm Ngọc Linh, thì nay đã tăng lên hơn 1.600ha.