“Biến” cây, con bản địa thành nông sản chủ lực
Với những cây trồng, vật nuôi bản địa nhưng sự thay đổi về tư duy, cách làm, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật… vào sản xuất, giờ đây nhiều hộ nông dân là người dân tộc Mông ở huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
Tự tin đăng ký trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi
Mù Cang Chải là huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, với địa hình đồi núi dốc, khí hậu khắc nghiệt cộng với tập quán canh tác lạc hậu khiến cho sản xuất nông nghiệp không thuận lợi và nông dân gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế. Chính vì vậy các cấp chính quyền ở Yên Bái đã có nhiều chương trình, dự án để hỗ trợ giúp đỡ người dân.
Điển hình có Dự án Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo chuỗi giá trị thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chú trọng xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, trọng tâm là sản xuất giống cây trồng, vật nuôi; phục tráng một số loại giống tốt của địa phương; Chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, quy mô sản xuất cho phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác; Phát triển những cây trồng, vật nuôi có thế mạnh để hình thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả phù hợp với điều kiện từng vùng. Phát triển ổn định vùng chuyên canh cây ăn quả, cây công nghiệp; phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại và gia trại đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường; Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm đối với vùng sâu, đặc biệt khó khăn.
Dự án nhằm đổi mới nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm chủ lực và đặc sản của tỉnh. Hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đăng ký nhãn hiệu hàng hóa các sản phẩm nông sản mới và tập trung xây dựng, phát triển thương hiệu, chỉ dẫn địa lý gắn với xây dựng các chuỗi giá trị một số sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh nhằm nâng cao giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường; thực hiện tốt việc dự báo thông tin thị trường để định hướng phát triển sản xuất.
Ông Nguyễn Long Hải – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mù Cang Chải cho biết: Chính từ những chính sách hỗ trợ đó mà giờ đây chỉ với những con trâu, con bò, con dê, con gà, con vịt, cây chè, táo mèo… mỗi năm đã có hàng nghìn hội viên, nông dân trên địa bàn 14 xã, thị trấn của huyện Mù Cang Chải đã tự tin đăng ký để trở thành hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Trong 9 tháng của năm 2021 đã có 4.400 hộ gia đình hội viên đăng ký và thực hiện chỉ tiêu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Cũng từ đó mà nhiều hội viên có thu nhập khá như: Hộ gia đình ông Sùng A Khua, bản Đề Sủa – xã Lao Chải, phát triển mô hình trồng trọt, chăn nuôi cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm; hộ gia đình ông Sùng Chứ Cớ, bản Pú Cang – xã Nậm Khắt phát triển mô hình chè cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm; gia đình ông Sùng A Giàng, bản Làng Sang – xã Nậm Khắt phát triển mô hình chăn nuôi gà đen địa phương cho thu nhập 350 – 400 triệu đồng/năm…
Khi những cây trồng, vật nuôi thân thuộc trở thành nông sản chủ lực
Theo chân cán bộ Hội Nông dân huyện Mù Cang Chải, chúng tôi về bản Pú Cang, xã Nậm Khắt gặp ông Sùng Chứ Cớ, sau chén nước chè “đặc sản nhà làm” mời khách, ông Cớ cho biết: Gần 20 năm qua gia đình ông đã tập trung vào phát triển cây chè Shan tuyết, đã biến 3ha đồi đất khô cằn ở Pú Cang trở thành những vườn chè xanh tốt quanh năm. Ngoài cây chè gia đình ông còn nuôi ong, nuôi gà chân đen (gà Mông ở địa phương), chuyển đổi các diện tích đất kém hiệu quả sang trồng ngô để tăng thêm nguồn lương thực phục vụ cho chăn nuôi…
Nhìn mô hình trồng chè Shan tuyết của ông Cớ cho thu nhập hiệu quả, nhiều người dân ở bản Pú Cang cũng đã chuyển đổi những vườn đồi có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng chè Shan tuyết, giờ đây toàn bản Pú Cang có trên 27ha chè Shan Tuyết. Để chế biến chè Shan tuyết, từ năm 2006 ông Cớ còn đầu tư thêm dây chuyền chế biến chè, mỗi năm chế biến và tiêu thụ chè búp tươi cho bà con nông dân khoảng 100 tấn, trừ chi phí mỗi năm từ chè gia đình ông Cớ thu nhập 200 triệu đồng.
Rời xã Nậm Khắt chúng tôi tới bản Đề Sủa, xã Lao Chải, để gặp ông Sùng A Khua, đây là nông dân đầu tiên ở xã có ô tô con từ con vịt, con ngan, con trâu… ông Khua cho hay: Năm 2014 nhận thấy huyện Mù Cang Chải chưa có ai nuôi vịt siêu trứng, ông Khua đã nghiên cứu, tìm hiểu thị trường và quyết định mua 200 con vịt giống về nuôi.
Để thuận lợi cho việc chăn nuôi vịt ông Khua đã lặn lội về tận Hà Nội để mua về máy nghiền, ép viên cám cho vịt, tìm hiểu kỹ càng cách pha trộn thức ăn. Ngoài ra, dù chưa từng học qua trường lớp nào về kỹ thuật nhưng ông Khua đã tận dụng máy xát cũ và tự sáng chế thành công máy sản xuất thức ăn tại gia, tiết kiệm đáng kể thời gian cũng như công sức lao động. Từ đó đàn vịt 200 con mỗi năm đều được tăng dần. Giờ đây ông Khua đã có trong tay 800 con vịt siêu đẻ trứng.
Ngoài nuôi vịt, ông Khua còn nuôi thêm 400 con ngan, 3 con trâu, 6 con bò, tận dụng đất đồi ông trông thêm sơn tra, chuối, mận… Từ đó mỗi năm gia đình ông thu nhập từ 200-300 triệu đồng. Chính vì vậy giờ đây ông đã có được trang trại tổng hợp thu nhập ổn định quanh năm; nhà cửa khang trang, ông Khua còn tậu thêm chiếc ô tô con.
Còn đối với gia đình anh Sùng A Páo ở bản Trống Là, xã Hồ Bốn, do có ít đất sản xuất nên gia đình anh đã phát triển chăn nuôi lợn. Anh Páo cho biết: Nhận thấy nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi ở địa phương như ngô, sắn… có sẵn và có thể phát triển chăn nuôi lợn sạch theo hướng hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế. Đầu năm 2020, gia đình đã mạnh dạn đầu tư 500 triệu đồng để xây dựng chuồng trại. Đến nay trong chuồng nuôi đã có gần 100 con, với giá bán từ 65 – 70 nghìn đồng/kg lợn hơi mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Sau nhiều năm, bên cạnh sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước thì ý thức của người nông dân huyện miền núi Mù Cang Chải đã có sự thay đổi rõ rệt, không cam chịu cái đói, cái nghèo, họ đã nỗ lực vươn lên, học hỏi để áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, phát triển chăn nuôi trên cơ sở khai thác các thế mạnh về điều kiện đất đai, khí hậu.
“Thời gian qua, các mô hình sản xuất nông nghiệp của hội viên nông dân trên địa bàn đạt hiệu quả kinh tế cao chính là nhờ sự thay đổi tư duy cũng như phương thức sản xuất của bà con nhân dân. Trước kia người dân vùng cao chủ yếu là sản xuất tự cung tự cấp, phục vụ đời sống gia đình, thì bây giờ đã thay đổi sản xuất theo hướng hàng hóa để đem ra thị trường tiêu thụ”.
Ông Nguyễn Long Hải – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mù Căng Chải.
Bài, ảnh: Tính Hoàng