Bình Phước ghi nhận 5.000 ca mắc, 7 ca tử vong do sốt xuất huyết
So với cùng kỳ, số ca mắc tăng 89,9% (năm 2021 là 2.636 ca), số tử vong tăng 1 ca (năm 2021 có 6 ca). Các địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao như: Thành phố Đồng Xoài, thị xã Bình Long, huyện Bù Gia Mập, Phú Riềng. Riêng tổng số ca mắc sốt xuất huyết trong tháng 11 (từ 1-14/11) là 342 ca, giảm 25.8% so với tháng trước 461 ca, không có ca tử vong. Trong tháng 11 đã phát hiện 24 ổ dịch và xử lý 24 ổ dịch, giảm 8 ổ dịch so với tháng trước (32 ổ dịch).
Theo ông Phạm Hoàng Xuân, từ tháng 7 đến nay, địa phương đã triển khai mạnh mẽ các hoạt động diệt lăng quăng nên số ca mắc sốt xuất huyết đã giảm dần so với tháng trước. Việc thành lập đội công tác ở mỗi ấp, thôn để tuyên truyền vận động tại chỗ đến nhân dân về phòng, chống sốt xuất huyết đã giúp giảm ca mắc. Ngoài ra, ngành chức năng đã tích cực hướng dẫn người dân duy trì thường xuyên xử lý dụng cụ chứa, đọng nước diệt lăng quăng, không để muỗi sinh sản và các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết; tổ chức phun hóa chất, kết hợp với chiến dịch diệt lăng quăng tại các hộ gia đình thuộc khu vực có ổ dịch; đảm bảo phun hóa chất đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc tơ trước và sau phun đề có chỉ định phun cụ thể; xác định khu vực có nguy cơ cao để tổ chức xử lý đúng phương pháp.
Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã truyền thông sâu rộng trong cộng đồng về các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết. Để giảm nguồn sinh sản của muỗi, người dân cần đậy nắp thật kín, thả cá vào các dụng cụ chứa nước sinh hoạt, lật úp, thu dọn các ổ chứa, đọng nước không sử dụng, diệt lăng quăng; tỉnh cũng đã tuyên truyền cho người dân nhận biết vòng đời, nơi sinh sản, trú đậu, hoạt động hút máu của muỗi truyền bệnh. Để phòng tránh muỗi đốt, người dân cần nằm màn, sử dụng nhang muỗi, mặc áo dài tay chống muỗi đốt.
Trường hợp người dân có dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết, không tự điều trị tại nhà, cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời...
Theo TTXVN/Vietnam+