Doanh nghiệp

Bón phân Văn Điển – giải pháp âm thầm vun đắp giá trị cho cây “vàng đen tỷ đô” ở Tây Nguyên

Trọng Hòa – Nam Phong - 11:50 09/12/2024 GMT+7
Theo kỹ sư Nguyễn Tiến Chinh, chăm bón cây hồ tiêu ở Tây Nguyên bằng các sản phẩm phân bón Văn Điển trong giai đoạn ra hoa và đậu quả sẽ giúp cây sinh trưởng khỏe mạnh, chống chịu sâu bệnh, nâng cao năng suất chất lượng hồ tiêu – cây được mệnh danh là “vàng đen”, mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho nhà nông Tây Nguyên.

Trong 10 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu được 219.387 tấn hồ tiêu các loại, trong đó, tiêu đen đạt 193.892 tấn, tiêu trắng đạt 25.495 tấn; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,1 tỷ USD, giảm 1,5% về lượng nhưng tăng tới 48% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Dự báo, với việc giá xuất khẩu đang thuận lợi, năm nay  ngành hồ tiêu sẽ mang về 1,3 tỷ USD cho nước ta. Việt Nam hiện có kho “vàng đen” (tên gọi ví von về hồ tiêu) lớn nhất thế giới.

Việt Nam có lượng hồ tiêu xuất khẩu đứng đầu thế giới, trong đó vùng trồng chủ yếu ở các tỉnh vùng Tây Nguyên. Ảnh Tư liệu.

Hồ tiêu là cây gia vị có giá trị kinh tế cao được trồng phổ biến ở Tây Nguyên thuộc các tỉnh Đắk Nông, Gia Lai, Đắk Lắk… với diện tích khoảng hơn 80.000ha. Khí hậu Tây Nguyên có hai mùa rõ rệt: Mùa khô bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11. Mùa mưa, cây tiêu ở thời kỳ kinh doanh vừa phát triển cành, lá vừa ra hoa, thụ phấn, đậu trái, nuôi trái lớn đến khi trái chín thu hoạch.

Hiểu rõ nhu cầu dinh dưỡng của cây hồ tiêu

Theo nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, đất canh tác ở Tây Nguyên chủ yếu là các loại đỏ bazan, xám, nâu đỏ có đặc điểm tầng canh tác dày, cấu tượng đoàn lạp thể bền vững, độ tơi xốp cao (60 - 65%), dung trọng thấp (0,8 - 1,0), thoát nước nhanh, giữ ẩm khá, nhưng hàm lượng các chất dinh dưỡng khoáng trong đất thường không cao, đặc biệt, phần lớn lân dễ tiêu, kali dễ tiêu đều nghèo, hàm lượng các nguyên tố dinh dưỡng trung lượng như canxi, magie, silic…   rất nghèo và thiếu. Các nguyên tố dinh dưỡng vi lượng như bo, kẽm thiếu trầm trọng. Hầu hết các loại đất ở Tây Nguyên đều có phản ứng chua (chỉ số pH dưới 4,5) do quá trình rửa trôi mạnh và nhiều năm sử dụng các loại phân hoá học có gốc chua trong thời gian dài, làm mất đi các cation kiềm và kiềm thổ cùng các chất trung, vi lượng.

Dẫn kết quả nghiên cứu từ các công trình khoa học nghiên cứu về dinh dưỡng của cây hồ tiêu, kỹ sư Nguyễn Tiến Chinh – nguyên cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình, đồng thời là một chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm về hướng dẫn sử dụng phân bón cho cây trồng -  phân bón là yếu tố quan trọng hàng đầu tạo nên năng suất, chất lượng của hạt hồ tiêu. Cây tiêu cần nhiều loại chất dinh dưỡng từ chất đa lượng đạm (N), lân (P), kali (K) đến chất trung lượng canxi (vôi); magie (MgO), silic (SiO2), lưu huỳnh (S) và vi lượng bo (B), kẽm (Zn), sắt (Fe), đồng (Cu), mangan (Mn) và coban (Co)…Để có được 3 tấn nhân hạt tiêu khô, cây tiêu lấy đi từ đất lượng dinh dưỡng như sau: 180kg N; 60kg P2O5; 150kg K2O ; 80kg CaO; 60kg MgO, 10kg SiO2; 12kg S; 0,5kg Zn; 1,4kg B; 0,5kg Fe; 0,3kg Co. Như vậy có thể thấy cây tiêu cần khá đầy đủ các chất dinh dưỡng từ đa lượng N, P, K đến các nguyên tố dinh dưỡng trung lượng CaO, MgO, SiO2, S và các nguyên tố vi lượng.

Mẫu bao bì Phân lân nung chảy dạng bột của Công ty cổ phần phân lân nung chảy Văn Điển. Ảnh Tư liệu.

Kỹ sư Nguyễn Tiến Chinh cho biết thêm, những loại dinh dưỡng trên ở trong đất nói chung, đất Tây Nguyên nói riêng là rất ít, cần phải bón vào đất đề cung cấp dinh dưỡng cho cây tiêu bằng phân lân nung chảy và đa yếu tố NPK Văn Điển.  Dinh dưỡng dễ tiêu trong phân lân nung chảy Văn Điển có: P2O5 15-19%, MgO 15-18%, SiO2 24-32%, CaO 28-34%, và nhiều chất vi lượng khác như Fe, Mn, Cu, Zn, Bo, Mo… Tổng các chất dinh dưỡng lên đến 98%.

Trong đó, dinh dưỡng canxi tạo thành canxi pectat, một thành phần quan trọng trong vách tế bào, giữ cho thành tế bào được vững chắc. Canxi còn duy trì cân bằng anion, cation trong tế bào nên được xem là yếu tố chống độc cho cây. Magie là thành phần của diệp lục, liên quan đến việc tổng hợp protein. Magie có tác dụng làm tăng chất lượng hạt hồ tiêu, tạo thuận lợi cho việc ra hoa đậu quả. Silic giúp cây cứng cáp, giữ bộ lá xanh đậm lâu, hấp thụ ánh sáng tốt, tăng sức đề kháng cho cây với thời tiết bất thuận và sâu bệnh.

Chăm bón cây hồ tiêu ở Tây Nguyên bằng phân bón Văn Điển

Với khối lượng dinh dưỡng mà hồ tiêu cần để nuôi trái rất cao, giai đoạn cây tiêu thụ phấn, đậu trái, nuôi trái lớn, cây tiêu cần đến 78% tổng lượng dinh dưỡng. Vi vậy, kỹ sư Nguyễn Tiến Chinh hướng dẫn nhà nông hàng năm cần chăm bón cho tiêu một số dợt chính như sau:

Đợt 1: Bón trước khi cây tiêu ra hoa đầu mùa mưa:

Cây hồ tiêu sau một thời gian dài mang trái, sẽ bị kiệt sức hoàn toàn. Giai đoạn này, cần chú trọng chăm sóc đặc biệt như vậy mới đảm bảo sức khỏe để cây chống chọi tốt với sâu bệnh và môi trường bất thuận, tạo tiền đề cho việc phân hóa mầm hoa vụ mùa mới.

Phân bón đa yếu tố NPK Văn Điển tư lâu đã được người nông dân tín nhiệm và đưa vào sử dụng đối với nhiều loại cây trồng khác nhau. Ảnh Bùi Ánh.

Hồ tiêu có đặc tính tái sinh rễ tơ chậm, đầu lông mút mỏng, giòn, dễ nứt khi bị tác động cơ giới, dễ bị "virus" bệnh chết nhanh xâm nhập qua vết nứt của rễ. Bởi vậy, nhà nông cần hạn chế xới xáo vùng rễ; chủ yếu bón phân nổi dưới hình chiếu tán lá trở vào... Sau khi thu trái, nhà nông cần dọn sạch vườn, tỉa tán thông thoáng, xử lý cành khô, cành sâu bệnh. Mỗi trụ tiêu, nên dùng 15 - 25kg phân hữu cơ hoai mục đập nhỏ phơi khô (không dùng phân tươi), phối hợp với 2 - 3kg lân Văn Điển + 0,2 - 0,4kg phân bón đa yếu tố (ĐYT) NPK Văn Điển công thức 10:10:5 hoặc dùng ĐYT NPK 10:7:3 trộn đều, rải quanh hình chiếu tán lá, cách gốc 50 - 60cm. Nên lấy đất ở ngoài bồn phủ kín phân hoặc dùng cỏ, lá cây khô phủ phân rồi tưới nước, không nên đào rạch, xới xáo vùng rễ. Được bón phân Văn Điển, cây hồi phục nhanh, bộ rễ tái sinh mạnh đặc biệt bộ rễ cám tiếp thu nhiều chất dinh dưỡng vào các đợt bón phân đầu mùa mưa, cây phát triển khoẻ làm tiền đề cho ra hoa, dậu quả các vụ tiếp theo.

"Nhà nông nhớ bón ngoài tán lá cây, tránh không được phạm vào rễ. Nếu việc bón phân tiến hành vào sáng sớm hoặc chiều mát thì hiệu quả hấp thu của cây sẽ cao hơn. Nhà nông chỉ cần dùng tay rải đều một lớp mỏng vừa phải bên ngoài tán lá, cây to tán to thì bón nhiều, cây nhỏ tán nhỏ bón ít...".

Kỹ sư Nguyễn Tiến Chinh (nguyên cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình, chuyên gia hướng dẫn sử dụng phân bón).

Cây tiêu ra hoa khi ra lá mới và khi trời có mưa liên tục. Lượng nước cao do mưa cung cấp sẽ hỗ trợ quá trình nảy mầm của chồi, cành non, lá non và nụ hoa. Tuần tiếp theo sau đó, khi cây đã nhú mắt cua và lá non, nhà nông dùng phân bón đa yếu tố NPK chuyên dùng cho hồ tiêu, công thức NPK 13:3:10, hay NPK 12:8:12, hoặc NPK 13:3:13… Giai đoạn này, cây tiêu tập trung làm hoa nên cây cần rất nhiều dinh dưỡng, bao gồm các yếu tố đa, trung, vi lượng. Nhà nông nhớ bón ngoài tán lá cây, tránh không được phạm vào rễ. Nếu việc bón phân tiến hành vào sáng sớm hoặc chiều mát thì hiệu quả hấp thu của cây sẽ cao hơn. Nhà nông chỉ cần dùng tay rải đều một lớp mỏng vừa phải bên ngoài tán lá, cây to tán to thì bón nhiều, cây nhỏ tán nhỏ bón ít.

Đợt 2: Bón thúc sau đậu quả:

Sau khi tiêu đậu quả khoảng 25 - 30 ngày, nhà nông cần tiến hành bón thúc, sử dụng loại phân ĐYT NPK 13.3.10; hoặc NPK 13:3:13, hoặc dùng phân ĐYT NPK 12.8.12, lượng bón từ 0,3 - 0,5 kg/trụ tiêu. Nhà nông rải đều phân dưới tán lá, cách gốc 40 - 60cm, tưới nước hoặc đón nước mưa.

Tùy theo điều kiện thực tế của vườn tiêu, nhà nông có thể bón thêm đợt phân thứ 3, lượng bón cũng như  đợt thứ 2 trong mùa mưa, bón cách đợt trước khoảng 30 - 40 ngày.

Đợt cuối: Bón trước thu hoạch khoảng 2 tháng

Đợt bón phân này là để tạo hạt mẩy hạt chắc, nâng cao chất lượng hồ tiêu. Đợt này, nhà nông nên sử dụng loại phân ĐYT NPK 12.12.17 hoặc dùng loại phân ĐYT NPK 12.8.12. Lượng bón 0,2 - 0,4 kg/trụ, rải phân dưới hình chiếu của tán lá, cách gốc 40 - 60cm. Nhà nông tuyệt đối không xới xáo để hạn chế tổn thương bộ rễ tơ của cây.

Phân ĐYT NPK Văn Điển rất thích hợp bón cho cây hồ tiêu ở Tây Nguyên. Ảnh minh hoạ. Tư liệu.

Trên đây là công thức chung. Bà con nông dân nên căn cứ vào độ màu mỡ của đất vườn tiêu, tuổi cây, khả năng cho năng suất của cây tiêu để điều chỉnh lượng phân bón cho phù hợp.

Chăm bón cây hồ tiêu ở Tây Nguyên bằng các sản phẩm phân bón Văn Điển, nhất là bón vào giai đoạn ra hoa và đậu quả, sẽ cung cấp đầy đủ và cân đối dinh dưỡng đa – trung - vi lượng theo nhu cầu thiết yếu của cây tiêu, giúp cây sinh trưởng khỏe mạnh, chống chịu sâu bệnh dịch hại. Đặc biệt, việc này giúp cây tiêu giảm thiểu bệnh "chết nhanh", kéo dài tuổi thọ của cây, cân bằng lại những dinh dưỡng thiếu hụt trong đất làm cho thân, làm cành nhẵn, ngọn nở, sai trái, trái lớn đồng đều, nhân mẩy. Kết quả cuối cùng là năng suất tiêu cao, chất lượng tốt, dễ bán được giá trên thị trường, mang lợi lợi ích kinh tế tốt cho bà con nông dân./.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác