Sản phẩm – Dịch vụ

Cà Phê Robusta Việt Nam nhận “Kỷ lục Thế giới”

Bài, ảnh: Văn Sỹ - 10:49 11/01/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Cà phê nằm trong nhóm hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, hiện đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Brasil và cũng chiếm thị phần hơn 40% sản lượng cà phê Robusta của toàn cầu, phần lớn diện tích cà phê của Việt Nam được trồng tập trung ở vùng cao Tây nguyên, nơi có thổ nhưỡng đất bazan màu mỡ, cùng với sự cần cù lao động – chăm sóc của người nông dân Việt Nam, do vậy cũng cho năng suất-chất lượng và sản lượng cao hơn đáng kể so với các quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu khác trên thế giới.
Bà Julia Nguyễn - tổ chức WorldKings
trao chứng nhận xác thực cho đại diện của các đơn vị Việt Nam.

Ngày nay, cà phê Việt Nam đã có mặt ở hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung chủ yếu ở những thị trường lớn như: Mỹ, Đức,Tây Ban Nha, Italy, Bỉ, Anh và các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản. Những năm gần đây, ngành cà phê Việt Nam đã có nhiều thay đổi, ngoài xuất khẩu cà phê nhân, Việt Nam đã đẩy mạnh khâu chế biến và xuất khẩu cà phê rang xay, hòa tan, khai thác tối đa lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do, trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam đã tham gia ký kết, tất cả các thị trường đều mở cửa cho sản phẩm cà phê chế biến của Việt Nam với mức thuế ưu đãi từ 0-5%.

Từ nghệ thuật phối trộn, thưởng thức đến cảm nhận “Văn hóa cà phê Việt Nam”

  Cách người Việt Nam rang - ủ - phối trộn và thưởng thức cà phê rất độc đáo, khác những nơi khác trên thế giới. Ở đây, cà phê được rang chậm với nhiệt độ thấp, trong khi ở những quốc gia khác, cà phê thường được rang bằng máy. Trong khi đó việc sử dụng máy pha cà phê trở nên thông dụng trên thế giới, thì người Việt lại pha cà phê bằng phin. Với phin, cà phê sẽ nhỏ giọt thật chậm để chắt lọc được những tinh tuý nhất của cà phê, giữ được nhiều hương vị hơn khi pha máy.

  Cà phê Robusta của Việt Nam có lượng caffein cao gần gấp đôi so với cà phê Arabica, khiến cà phê có vị đắng hơn, với hương vị cà phê đậm đà luôn để lại ấn tượng mạnh cho người thưởng thức, tương tự như việc trải nghiệm văn hoá uống trà của người Nhật. Con người nơi đây biết cách thưởng thức, trân quý và xem văn hoá cà phê như một phần không thể thiếu của cuộc sống thường ngày. Ở châu Á, không nhiều đất nước có văn hoá như vậy.

  Trên thực tế, chúng ta yêu thích đồ uống đến mức con người đã tự điều chỉnh để liên kết vị đắng của cà phê với một nguồn năng lượng và sự tăng cường tích cực về tinh thần. Với nhiều cách pha chế khác nhau và lượng caffeine hấp dẫn mà nó cung cấp cho người thưởng thức, không khó để hiểu tại sao thế giới lại yêu thích cà phê. Như hầu hết những người yêu cà phê ở Việt Nam sẽ nói, uống cà phê là một trải nghiệm phức tạp và nhiều sắc thái - có hương thơm đậm đà, sự ấm áp dễ chịu và sự đáng yêu của nghi thức khi nhâm nhi một tách cà phê Ê-đê, cà phê Vợt, cà phê Phin, cà phê Sữa Đá, cà phê Trứng… của Việt Nam.

Quang cảnh buổi họp báo sau lễ công bố.

Tin vui cho các doanh nghiệp và nông dân trồng cà phê

  Cả một hành trình dài làm việc miệt mài của các cơ quan, tổ chức chuyên ngành, doanh nghiệp ngành Cà phê ở trong nước với các bộ phận chuyên môn của tổ chức WorldKings (liên minh kỷ lục thế giới), cho đến việc chọn lựa đơn vị - doanh nghiệp nào đại diện của Việt Nam hội đủ các yếu tố cấn thiết cho công tác phối hợp với các cơ quan, ban, ngành trong nước - thực hiện lập hồ sơ, điếu tra khảo sát, cập nhật dữ liệu, hỗ trợ và kết nối công tác phối hợp... cùng các thông số chuyên ngành để có đủ cơ sở đánh giá phù hợp với những tiêu chí và yêu cầu quy chuẩn của tổ chức WorldKings. Biết bao nhiêu vất vả, khó khăn đã được đáp đền.

Ngày 22/12/2021 tại TP.Hồ Chí Minh, tổ chức WorldKings đã trao chứng thư xác thực cà phê Robusta Việt Nam đạt Kỷ lục Thế giới với 3 nội dung:

  1- Việt Nam: Quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta ra thị trường toàn cầu lớn nhất về “sản lượng và năng suất”.

  2- Văn hóa pha chế cà phê Việt Nam: Các giá trị di sản về nghệ thuật pha chế đặc trưng, độc đáo nhất (cà phê Ê-đê, cà phê Vợt, cà phê Phin).

  3- Nghệ thuật phối trộn và thưởng thức cà phê Việt Nam: Đa dạng, sáng tạo và độc đáo nhất qua các thức uống, món ăn rất đặc trưng của Việt Nam (cà phê trứng, cà phê sữa đá…).

Tổ chức WorldKings chụp hình lưu niệm với các đơn vị.

Tại buổi lễ, đại diện về phía doanh nghiệp Việt Nam, bà Lê Hoàng Diệp Thảo – CEO TNI King Coffee xúc động nói: “Đây có thể xem là sự kiện đặc biệt nhất của ngành Cà phê Việt Nam. Hạt cà phê Robusta Việt Nam được công nhận Kỷ lục Thế giới - đó là tài sản của Quốc gia, thuộc về Quốc gia và toàn dân Việt Nam”.

Bà Julia Nguyễn - đại diện WorldKings cho rằng: Với việc công nhận kỷ lục thế giới lần này cho cà phê Robusta của Việt Nam, thế giới sẽ biết đến thương hiệu cà phê Việt Nam, đặc biệt là cà phê Robusta và ủng hộ cho Việt Nam tốt hơn, góp phần tạo lợi thế cạnh tranh cho cà phê Việt Nam trên bình diện toàn cầu. WorldKings hy vọng các cơ quan chuyên ngành và doanh nghiệp của Việt Nam, sẽ sử dụng hình ảnh kỷ lục này để quảng bá hiệu quả cho cà phê Robusta của Việt Nam trong tương lai và trong “Hành trình quảng bá tinh hoa các sản phẩm Việt Nam ra thế giới”.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác