Nông thôn mới

Đồng Nai phát triển nông nghiệp bền vững (bài 2): Cần thêm vốn hỗ trợ để nông nghiệp công nghệ cao tăng tốc

Nguyễn Vỹ - 14:35 26/03/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Sở hữu nhiều lợi thế, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) ở Đồng Nai vẫn còn hạn chế. Trong đó nguồn vốn đầu tư là nút thắt để NNCNC Đồng Nai tăng tốc.

Hiệu quả nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất
Gắn bó khá lâu với nghề trồng rau truyền thống tại xã Gia Tân 1 (huyện Thống Nhất), đầu năm 2020, anh Trần Thanh Văn, mới mạnh dạn làm NNCNC. Trước đó, anh Văn tự mình mày mò cũng như đi tham quan thực tế mô hình trồng rau thủy canh khắp trong và ngoài tỉnh. 
Anh Văn cho biết, trồng rau theo mô hình này, cây phát triển tốt, tỷ lệ cây sống đạt trên 95%. Rau thủy canh có năng suất cao hơn từ 40-50% và thời gian thu hoạch nhanh hơn 10 ngày so với trồng rau trên đất. 

Anh Trần Thanh Văn chăm sóc vườn rau thủy canh. 
Hiện nay, vườn rau thủy canh trên diện tích 1.200m2 của anh cho sản lượng ổn định. Bình quân mỗi tháng cung cấp ra thị trường từ 2-3 tấn rau tươi an toàn, với giá bán trung bình 25.000 đồng/kg. 
Anh Văn cho biết, việc ứng dụng NNCNC trong sản xuất rau an toàn có thể thực hiện trên những mảnh vườn nhỏ. Tuy nhiên để mở rộng diện tích, nâng cao lợi nhuận thì nông dân đang gặp khó về nguồn vốn. 
Trang trại nuôi gà của ông Phạm Văn Nghiệm, ở xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) là 1trong những trang trại gà áp dụng phương pháp chăn nuôi chuồng lạnh đầu tiên của huyện, với quy mô 80.000 con, diện tích khoảng 5.000m2. Sau 65 ngày nuôi, gà đạt trọng lượng từ 1,6-2 kg thì có thể xuất bán. Mỗi năm ông xuất 3 lứa gà, sau khi trừ chi phí ông thu lãi từ hai đến 2,5 tỷ đồng.
Tận dụng nguồn phân gà, ông ủ hoai và bón cho 22ha chuối cấy mô. Nguồn phân chuồng này giúp ông giảm được 30% chi phí phân bón. Ngoài ra, ông cũng đầu tư hệ thống tưới phun cho toàn bộ vườn chuối nên dù diện tích lớn, ông chỉ cần 12 nhân công là đủ. Trung bình, một vụ chuối đạt 45-50 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí, ông lãi khoảng 300 triệu đồng/ha.
Mô hình này tuy hiệu quả nhưng ông Nghiệm cho biết, chi phí đầu tư khá cao. Ngoài mặt bằng, ông phải bỏ ra một số vốn hơn 7 tỉ đồng để xây dựng trại lạnh đúng theo tiêu chuẩn của công ty đưa ra. “Để nhân rộng mô hình, người dân cần ngành chức năng tăng cường nhiều chính sách hỗ trợ, nhất là hỗ trợ vốn để đầu tư”, ông Nghiệm chia sẻ. 
Hiệu quả thu hút đầu tư nông nghiệp, nông thôn còn thấp
Việc phát triển NNCNC ở Đồng Nai vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Theo ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT, NNCNC đồng nghĩa với việc tổ chức sản xuất phải được thực hiện trên quy mô tương đối lớn. 

Mô hình nuôi gà ứng dụng công nghệ ở xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất).
Người sản xuất phải đầu tư tương xứng về mặt hạ tầng, công nghệ sản xuất trong khi dòng vốn đầu tư vào nông nghiệp còn thấp. Chính sách hỗ trợ chưa đủ mạnh, thiếu hấp dẫn, điều kiện thủ tục để được hỗ trợ còn khó khăn.
“Minh chứng là đến nay, việc giải ngân hỗ trợ theo Nghị định 57/2018 của Chính phủ về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vẫn rất thấp”, ông Thắng nói. 
Ông Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết Đồng Nai nằm trong top đầu các tỉnh, thành có thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn cao nhất cả nước; thuộc top đầu cả nước về đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông thôn. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất NNCNC của tỉnh vẫn còn hạn chế.
Để nông sản Đồng Nai đủ sức cạnh tranh với các tỉnh thành và các nước, NNCNC là thách thức cũng là mục tiêu phải theo đuổi. Đồng Nai đã ban hành nhiều chính sách, kế hoạch để tập trung phát triển NNCNC theo hướng sản xuất hàng hóa, coi đây là 1 trong 4 nhiệm vụ đột phá của tỉnh. 
“Các sở, ngành liên quan trong tỉnh Đồng Nai cần có định hướng hỗ trợ phù hợp. Bản thân nông dân và doanh nghiệp cũng cần tích cực ứng dụng công nghệ cao và sản xuất, chế biến”, ông Phi đề nghị.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác