Nam Định chi 11 tỷ đồng thực hiện mô hình điểm xã nông thôn mới thông minh
Đầu tư 11 tỷ đồng cho xã kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh xây dựng mô hình điểm
Với những nỗ lực không ngừng của cấp ủy, chính quyền và người dân, tháng 3/2023, xã Giao Phong, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định đã được Trung ương chọn thí điểm mô hình xã nông thôn mới thông minh, theo danh mục mô hình thí điểm do Trung ương chỉ đạo thuộc Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn thông minh giai đoạn 2021 - 2025.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Nam Định đã có quyết định phê duyệt đề xuất mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh xã Giao Phong, huyện Giao Thủy, tổng kinh phí thực hiện mô hình là 11 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 5,5 tỷ đồng; ngân sách huyện 1 tỷ đồng; ngân sách xã và huy động nguồn vốn hợp pháp khác 4,5 tỷ đồng.
Điện, đường, nhà văn hóa xóm Lâm Tiến, xã Giao Phong, Giao Thủy (Nam Định) khang trang, sạch đẹp.
Để xây dựng thành công mô hình xã NTM thông minh Giao Phong, UBND tỉnh Nam Định giao Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Thông tin và truyền thông, Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Tài chính cùng phối hợp, hướng dẫn UBND huyện Giao Thuỷ, xã Giao Phong tổ chức thực hiện mô hình. UBND tỉnh Nam Định cũng giao UBND huyện Giao Thuỷ chỉ đạo UBND xã Giao Phong xây dựng kế hoạch chi tiết và tổ chức thực hiện mô hình đảm bảo chất lượng và tiến độ theo quy định. Giao UBND xã Giao Phong xây dựng kế hoạch chi tiết và triển khai thực hiện mô hình đảm bảo đúng tiến độ, đạt kết quả như dự kiến và tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật.
Cung cấp thông tin, tuyên truyền, vận động người dân và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tích cực tham gia xây dựng mô hình; cân đối bố trí nguồn vốn đối ứng từ ngân sách xã, huy động xã hội hóa từ đóng góp của các doanh nghiệp trên địa bàn và người dân tham gia xây dựng mô hình.
Trường Trung học Phổ thông xã Giao Phong đảm bảo đủ máy tính để học sinh thực hành.
Theo thông tin từ Ủy ban Nhân dân xã Giao Phong, sau khi được Trung ương chọn thí điểm mô hình xã nông thôn mới thông minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành văn bản hướng dẫn tạm thời để xã làm căn cứ rà soát, triển khai thực hiện, với 6 nội dung và 18 tiểu mục tiêu chí. Đối chiếu văn bản này, xã đã có một số tiểu mục đạt điều kiện, tuy nhiên do đang làm thí điểm nên có không ít nội dung, tiểu mục khiến cấp ủy, chính quyền xã gặp bối rối, thậm chí chưa hiểu rõ hoàn toàn yêu cầu của tiêu chí. Bởi vậy, bên cạnh việc bám sát hướng dẫn của Trung ương, xã Giao Phong cũng chủ động nghiên cứu, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để hướng tới mục tiêu trở thành xã nông thôn mới thông minh như kế hoạch đã đặt ra.
Theo ông Phạm Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Giao Phong, để đạt được mục tiêu nói trên xã còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng qua chặng đường dài được người dân chung tay, đồng thuận với nhận thức sâu sắc về vai trò nông dân là chủ thể trong xây dựng phong trào nông thôn mới từ giai đoạn đầu đến nay, xã Giao Phong tự tin sẽ hoàn thành mục tiêu trở thành xã nông thôn mới thông minh. Giao Phong quyết tâm phấn đấu đến năm 2025 thực hiện thành công nội dung các tiêu chí, xây dựng thành công xã NTM thông minh đảm bảo 3 trụ cột "Chính quyền số", "Kinh tế số" và "Xã hội số".
Ông Phạm Văn Sơn - Chủ tịch UBND xã Giao Phong (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định).
"Năm 2022, xã Giao Phong được UBND tỉnh Nam Định công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, với cơ sở hạ tầng khang trang đường làng sạch sẽ, thông thoáng, nhà cửa được xây dựng với kiến trúc đặc trưng của địa phương, tình hình an ninh trật tự ổn định, người dân thân thiện, hiếu khách. Cảnh quan môi trường ngày một sáng - xanh - sạch - đẹp và an toàn. Trung tâm văn hóa thôn được đầu tư khang trang, hệ thống mạng wifi miễn phí công cộng, camera an ninh, ti vi, máy chiếu đầy đủ...", ông Sơn khái quát về những kết quả đạt được trong xây dựng NTM kiểu mẫu của địa phương.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định, việc xây dựng thành công ít nhất một mô hình xã nông thôn mới thông minh là tiêu chí bắt buộc để được công nhận huyện nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Hiện nay, trừ huyện Giao Thủy có xã Giao Phong đã được Trung ương chọn thí điểm, toàn bộ các huyện khác trong tỉnh đều đang tiến hành rà soát xây dựng xã nông thôn mới thông minh, với mức hỗ trợ 250 triệu đồng/xã từ ngân sách tỉnh. Xã Giao Phong phấn đấu đến năm 2025 thực hiện thành công nội dung các tiêu chí, trở thành xã nông thôn mới thông minh, đảm bảo 3 trụ cột "Chính quyền số", "Kinh tế số" và "Xã hội số".
Năm 2025, Chương trình xây dựng nông thôn mới toàn tỉnh được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng số
Tỉnh Nam Định đặt mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh.
Nông thôn mới xóm 16, xã Thọ Nghiệp (huyện Xuân Trường).
Hiện nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nam Định đang còn khó khăn trong triển khai xây dựng nông thôn mới thông minh do kinh phí đầu tư hạ tầng lớn; việc chọn nội dung sản phẩm thông tin để số hóa chưa đồng bộ; việc duy trì, vận hành nền tảng số ở các địa phương còn hạn chế, cần đề án, kế hoạch cụ thể; nhận thức, kỹ năng sử dụng công nghệ của người dân nhiều nơi chưa cao… Do đó, xây dựng xã, huyện nông thôn mới thông minh là một trong những nội dung được Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Nam Định đặc biệt quan tâm.
Cụ thể, các địa phương đồng loạt nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng số, lắp đặt mạng internet có hệ thống wifi phát miễn phí với đường truyền băng thông rộng từ 100 Mbps trở lên tại bộ phận Một cửa của UBND xã, trạm Y tế xã, nhà văn hóa thôn/xóm… đảm bảo các điều kiện kỹ thuật khai thác thông tin. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn chuyển đổi số cho nhiều cán bộ, công chức xã nhằm nâng cao kiến thức, trình độ, chuyên môn nghiệp vụ về chuyển đổi số. Thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng, thí điểm xây dựng mô hình thôn/xóm thông minh… Từ đó, các địa phương đã khai thác tốt dịch vụ chuyển đổi số. Trong đó, lĩnh vực hành chính công được khai thác mạnh nhất, mang lại hiệu quả cao.
Bộ phận một cửa thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) luôn sẵn sàng hỗ trợ người dân thực hiện giải quyết thủ tục hành chính.
Hiện nay, nhiều xã trên địa bàn tỉnh đã thực hiện công khai 100% thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đạt trên 60%. Ngoài ra, các địa phương còn số hóa thủ tục hành chính và kết quả thủ tục hành chính bằng văn bản điện tử…
Xã Nông thôn mới kiểu mẫu Hải An của huyện Hải Hậu.
Nam Định phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 50% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao; 25% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 50% số huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; huyện Hải Hậu được công nhận huyện NTM kiểu mẫu. Có ít nhất 300 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên... đồng thời đạt được 4 mục tiêu đề ra:
Một là, phát triển chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số, ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.
Hai là, phát triển kinh tế số, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn: Ít nhất 70% xã có các hợp tác xã, 70% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số.
Ba là, xã hội số trong xây dựng nông thôn mới: Có ít nhất 40% đơn vị (cấp xã, huyện) cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa) và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân, cộng đồng về kết quả xây dựng nông thôn mới thông qua ứng dụng trực tuyến.
Bốn là, phấn đấu toàn tỉnh có ít nhất 1 mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất (kinh tế, du lịch nông thôn, môi trường, văn hoá…).
Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo các cấp, ngành, các địa phương trong tỉnh tập trung thực hiện một số giải pháp cụ thể. Trong đó, tập trung đào tạo, nâng cao năng lực về chuyển đổi số; xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách; đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, dữ liệu số; triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; huy động nguồn lực triển khai chương trình.