Chăn nuôi gia súc tập trung: Hướng làm giàu mới của nông dân Phong Thổ
Thúc đẩy chăn nuôi tập trung
Theo thống kê của UBND huyện Phong Thổ, huyện có 16 xã và 1 thị trấn thì tất cả đều có gia đình lựa chọn chăn nuôi gia súc để phát triển kinh tế. Chính vì vậy những năm qua huyện Phong Thổ đã có nhiều giải pháp để hướng dẫn, tuyên truyền cho bà con nông dân chuyển từ chăn nuôi gia súc tự nhiên sang chăn nuôi tập trung.
UBND huyện Phòng Thổ đã tập trung chỉ đạo các xã vùng cao, biên giới tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển chăn nuôi đại gia súc tập trung gắn với thực hiện Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh Lai Châu về việc hỗ trợ trồng cỏ làm nguồn thức ăn xanh.
Từ đó, các đơn vị chuyên môn của huyện Phong Thổ như: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn để tiến hành khảo sát, quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung cho từng xã, thị trấn dựa trên điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, lựa chọn các loại gia súc phù hợp phát triển quy mô đàn.
Huyện Phong Thổ cũng kêu gọi, tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi nhằm thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển đàn gia súc trên địa bàn những địa phương có tiềm năng, lợi thế.
Để hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi gia súc tập trung theo hướng hàng hóa, hàng năm huyện Phong Thổ ban hành các văn bản, triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh, phòng chống đói rét trên đàn vật nuôi… Mỗi năm, huyện Phong Thổ đối ứng 1,2 tỷ đồng với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp vay vốn ưu đãi để phát triển đàn vật nuôi, nhất là tăng quy mô, số lượng đàn gia súc.
Trong chăn nuôi gia súc tập trung, huyện Phong Thổ cũng đã khuyến khích các hộ dân, các cơ sở chăn nuôi theo hình thức khép kín, an toàn sinh học, phòng trừ dịch bệnh, bảo vệ môi trường; phát triển chăn nuôi gia súc gắn với phát triển nguồn nguyên liệu thức ăn; áp dụng công nghệ sinh học xử lý phụ phẩm sau chăn nuôi nhằm cung cấp phân bón cho trồng trọt; lựa chọn giống vật nuôi có năng suất, chất lượng, nguồn gốc rõ ràng đưa vào nuôi để đạt hiệu quả cao.
Làm giàu từ chăn nuôi gia súc tập trung
Từ việc hỗ trợ của chính quyền huyện Phong Thổ, nhiều hội viên nông dân đã thay đổi thói quen chăn thả tự nhiên về chăn nuôi tập trung, từ đó đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Chúng tôi đến thăm gia đình hội viên nông dân Nguyễn Xuân Oanh ở thị trấn Phong Thổ, cũng như các hộ gia đình khác, gia đình anh Oanh đang nuôi gần 100 con (trâu, bò, dê) tập trung để phát triển kinh tế.
Anh Nguyễn Xuân Oanh cho hay: Trước đây gia đình tôi cũng chăn nuôi gia súc thả vào rừng tự nhiên, nhưng khí hậu ở miền núi vào mùa Đông thời tiết rất lạnh vì vậy mà nhiều con gia súc bị đói, rét do thiếu thức ăn và chết… Vì vậy, khi được chính quyền vận động chăn nuôi gia súc tập trung, được hướng dẫn kỹ thuật đầy đủ, gia đình tôi đã áp dụng và có được thành công như ngày hôm nay, với gần 100 con gia súc các loại mỗi năm gia đình tôi cũng có thu nhập trên 200 triệu đồng.
Theo anh Oanh, việc chăn nuôi gia súc tập trung, với hệ thống chuồng trại đạt tiêu chuẩn không chỉ giúp gia súc tránh thời tiết khắc nghiệt của vùng cao, nhất là giá rét vào mùa đông mà hơn nữa, chăn nuôi tập trung giúp gia đình có điều kiện theo dõi, chăm sóc và tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia súc. Việc chủ động được lượng thức ăn dự trữ, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, hạn chế dịch bệnh… đã giúp cho gia súc phát triển khoẻ mạnh, các thương lái thường đặt mua từ trước khi gia súc đến thời kỳ xuất bán.
Cũng như gia đình anh Oanh, gia đình anh Tẩn Sài Diếu ở xã Vàng Ma Chải (huyện Phong Thổ) đã bắt đầu có “của ăn của để” từ chăn nuôi dê tập trung. Anh Chải chia sẻ: "Đang đi làm ở Trung Quốc, thì dịch Covid-19 xảy ra, 2 vợ chồng tôi đã phải về nước;. Đang loay hoay tìm hướng phát triển kinh tế thì gia đình tôi được chính quyền xã Vàng Ma Chải tuyên truyền, vận động triển khai mô hình nuôi dê. Tận dụng diện tích đất đồi núi, vợ chồng tôi đã dựng lán làm chuồng trại để nuôi đàn dê. Từ 15 con dê ban đầu đến nay sau 2 năm phát triển, đàn dê đã phát triển lên đến gần 50 con, tính ra giá trị cũng cả trăm triệu đồng".
Từ những kết quả mà những người nông dân chăn nuôi tập trung đã đạt được, ông Teo Văn Kho - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phong Thổ khẳng định: TNhững chính sách về phát triển chăn nuôi gia súc tập trung trên địa bàn huyện đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả thiết thực trong việc hỗ trợ phát triển chăn nuôi, tạo động lực giúp người dân thay đổi nhận thức, chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Chất lượng đàn gia súc (trâu, bò, dê, ngựa, lợn) được nâng cao. Nhờ vậy, tổng số đàn gia súc chính của huyện Phong Thổ tăng nhanh, tạo ra sự bứt phá mới để chăn nuôi gia súc phát triển.
Đến nay, huyện Phong Thổ có khoảng 4 vạn con gia súc, trong đó đàn trâu hơn 1 vạn con, đàn bò gần 1.000 con, đàn lợn hơn 2,6 vạn con. Chăn nuôi tập trung đang dần thành hướng thoát nghèo và làm giàu hiện hữu của người dân nơi đây.
- Phấn đấu đến năm 2030 đào tạo 50.000 nhân lực có trình độ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn
- Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị miễn giảm học phí, hỗ trợ sinh viên bị thiệt hại do bão số 3
- Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam xây dựng chương trình đào tạo mới gắn với lợi ích của nông dân
- Hào hứng chào đón năm học mới tại ngôi trường mang tên người anh hùng áo vải Lương Văn Nắm