Công tác Hội

Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Hội Nông dân Việt Nam với nước bạn Lào

15:48 11/08/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - (Taochinongthonmoi.vn) - Ngày 11.8.23, Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước tổ chức Hội thảo khoa học “Địa vị nông dân Lào trong điều kiện kinh tế khó khăn và tính khả thi trong việc thành lập Hội Nông dân Lào”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và T.Ư Hội Nông dân Việt Nam.
Ông Lương Quốc Đoàn - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN tham dự Hội thảo.

Chủ trì Hội thảo có ông Sỉn-lạ-vông  Khút-phay-thun - Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước, các nhà khoa học, ban, ngành đoàn thể của Lào.

Tại điểm cầu T.Ư Hội NDVN, có ông Lương Quốc Đoàn - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Hội Nông dân Việt Nam; đại diện lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo một số ban, đơn vị thuộc T.Ư Hội.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Sỉn-lạ-vông  Khút-phay-thun cho biết: Hội thảo này xem xét tình hình nông dân trong giai đoạn hiện nay và mục đích là để nghiên cứu thành lập Hội Nông dân Lào, nhằm tập hợp nông dân thành lực lượng to lớn tham gia vào chiến lược xây dựng đất nước; đồng thời giáo dục cho nông dân tinh thần yêu nước, tích cực hăng hái tham gia lao động sản xuất, tự lực tự cường. Đồng thời, làm cầu nối giữa nông dân với Đảng, Nhà nước Lào, giúp cố vấn, hướng dẫn, tạo thuận lợi cho nông dân tham gia vào hoạt động sản xuất, tham gia vào nghiên cứu văn bản pháp quy liên quan đến nông nghiệp để phù hợp với thực tế sản xuất.

Theo GS.TS Xay-nhạ-măng Vông-sắc (Uỷ ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước Lào) đã chia sẻ thông tin về tình hình và vai trò của đội ngũ nông dân Lào trong việc xây dựng kinh tế, xã hội Lào; kết quả thực tiễn trong phát triển nông thôn và nâng cao đời sống của nông dân; kết quả nghiên cứu ban đầu về tính khả thi trong việc thành lập Hội Nông dân Lào.

 Hiện nay, Lào có khoảng 5 triệu hec-ta đất để sản xuất nông nghiệp mà dân số chỉ có 7,5 triệu người. Nông dân chiếm đa số trên toàn quốc, đời sống của người dân vẫn còn thấp, vì vậy việc giải quyết vấn đề lao động và sử dụng hiệu quả của đất đai đang là vấn đề đặt ra cần được xem xét giải quyết.

Ở Lào hiện có 3.600 tổ hợp tác và 26 HTX, nhưng hoạt động vẫn chưa hiệu quả, đạt tiêu chuẩn cũng như chưa đúng với quy định của pháp luật đề ra.

Bộ Chính trị Lào cũng có Nghị quyết 108 ngày 30/4/2020 về phát  huy vai trò của nông dân trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, mục đích nghiên cứu thành lập Hội ND Lào là làm thế nào để tổ chức, hoạt động của Hội như thế nào để có hiệu quả. Xây dựng cho nông dân có tổ chức đại diện của mình, tạo thuận lợi cho Hội Nông dân Lào tham gia vào nghiêm cứu văn bản pháp quy liên quan đến sản xuất nông nghiệp, nông thôn, phù hợp với thực tế, thông suốt, giúp nông dân đời sống ngày càng cải thiện, thoát nghèo.

Hội thảo khoa học “Địa vị nông dân Lào trong điều kiện kinh tế khó khăn và tính khả thi trong việc thành lập Hội Nông dân Lào”. Ảnh chụp qua màn hình

Cũng theo GS.TS Xay-nhạ-măng Vông-sắc thì Hội Liên hiệp Nông dân Lào sẽ có vai trò ngang với tổ chức chính trị khác. Đồng thời cũng có 4 cấp từ trung ương đến địa phương, có BCH và Chủ tịch của Hội cũng là ủy viên T.Ư Đảng…

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lương Quốc Đoàn đã chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam về vai trò của Hội Nông dân Việt Nam: Trong đó, nông dân Việt Nam luôn giữ vị thế và vai trò quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của đất nước và của dân tộc Việt Nam. 

Hội Nông dân có vị trí, vai trò rất quan trọng, là cầu nối giữa Hội với hội viên, nông dân, là nơi trực tiếp thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nông dân; nắm và phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của hội viên, nông dân với Đảng, chính quyền; Bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nông dân. Hội Nông dân Việt Nam có vị trí, vai trò, nhiệm vụ chính:

Một là, tập hợp, tuyên truyền, giáo dục, vận động hội viên, nông dân hiểu và tích cực thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nghị quyết, chỉ thị của Hội; Khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, ý chí cách mạng, tinh thần tự lực, tự cường, lao động sáng tạo của nông dân và của dân tộc Việt Nam.

Hai là, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân; Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của hội viên, nông dân; Trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nông thôn; hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn; Tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ, đào tạo nghề và chuyển giao khoa học công nghệ giúp nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, bảo vệ môi trường; Vận động, tập hợp và làm nòng cốt tổ chức các phong trào nông dân phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; xây dựng nông thôn mới.

Ba là, đại diện giai cấp Nông dân tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tham gia giám sát và phản biện xã hội theo quy chế; tham gia xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Nắm bắt, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nông dân với Đảng và Nhà nước; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân.

Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nông dân; tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội.

Bốn là, đoàn kết, tập hợp đông đảo nông dân vào tổ chức Hội, phát triển và nâng cao chất lượng hội viên. Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh về mọi mặt; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.

Năm là, mở rộng hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, tăng cường hợp tác, khai thác nguồn lực, học tập, trao đổi kinh nghiệm, tiến bộ khoa học kỹ thuật, quảng bá hàng hoá nông sản, văn hoá Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Các đại biểu tham dự Hội thảo tại điểm cầu T.Ư Hội NDVN.

Trước khó khăn và thách thức như giai đoạn hiện nay, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cũng cho biết, Hội Nông dân Việt Nam đã phát huy vai trò của mình tập trung tổ chức lãnh đạo các cấp Hội Nông dân thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm:

Thứ nhất, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết cho cán bộ, hội viên nông dân về hội nhập quốc tế, nhất là những cơ hội, thách thức đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế, qua đó góp phần làm thay đổi tư duy về sản xuất, kinh doanh của hội viên nông dân theo hướng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, hiện đại, thân thiện với môi trường, sản xuất ra sản phẩm có chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị góp phần làm tăng khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Thứ hai, tích cực, chủ động tham gia xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, giám sát và phản biện xã hội; Thường xuyên nắm chắc tình hình nông nghiệp, nông thôn; tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị, đề xuất chính đáng của nông dân, những vướng mắc, bất hợp lý trong quá trình tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách; chủ động và có chính kiến trong việc tham mưu, đề xuất tham gia xây dựng chủ trương, cơ chế, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội ở nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, ngành, đoàn thể giám sát việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; trọng tâm là các chủ trương, chính sách liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của nông dân.

Thứ ba, nâng cao chất lượng, hiệu quả các Phong trào thi đua của Hội, trọng tâm là Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; đồng thời tuyên truyền, vận động, cổ vũ, động viên cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; giữ gìn vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn hóa mới; phòng, chống các tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.

Thứ tư, xây dựng các mô hình trang trại, gia trại, hợp tác xã để cán bộ, hội viên nông dân, học tập, chia sẻ kinh nghiệm và nhân rộng mô hình. Hội tập trung đào tạo, dạy nghề, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới, hiện đại cho hội viên nông dân; Vận động nông dân dồn điền, đổi thửa, liên kết trong sản xuất, kinh doanh, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; Làm cầu nối giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân; Phối hợp và nâng cao hiệu quả các nguồn lực để hỗ trợ xây dựng các mô hình.

Thứ năm, xây dựng và mở rộng hệ thống Quỹ Hỗ trợ nông dân, nâng cao chất  lượng các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; Tạo nguồn vốn cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh thông qua việc phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân, phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân phối hợp với các bộ, ngành, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân như cung cấp thông tin thị trường, cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp, xây dựng thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại…

Tư vấn các quy định của pháp luật liên quan đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trợ giúp pháp lý cho nông dân; hướng dẫn hội viên, nông dân tham gia các hình thức kinh tế tập thể, liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh.   

Thứ sáu, tập trung chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao trình độ tay nghề cho hội viên nông dân; Quan tâm dạy nghề cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, lao động nữ, các đối tượng chính sách và lao động ở vùng đô thị hóa; thời gian đào tạo phù hợp với nghề đào tạo, đặc điểm của quy trình sản xuất, quy trình sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi ở từng vùng, từng địa phương và phù hợp với điều kiện của người học nghề; Sử dụng những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trong chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và truyền nghề.

Thứ bảy, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tổ chức Hội các cấp chỉ đạo cán bộ, hội viên, nông dân nêu cao trách nhiệm xây dựng Đảng, Nhà nước; Vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân thực hiện các quy định về góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Vận động nông dân tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Phối hợp với chính quyền các cấp, các ngành chức năng để hoà giải, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, tổ chức tiếp nông dân, đối thoại với nông dân, hạn chế việc khiếu kiện vượt cấp, giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nông dân.

Thực hiện Luật Dân chủ cơ sở, kịp thời phát hiện những hành vi tiêu cực, xâm phạm quyền dân chủ của nhân dân. Đại diện cho nông dân trong việc đàm phán, xử lý tranh chấp với các đối tác khi quyền lợi của nông dân bị xâm phạm. Qua đó góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn nông thôn, phòng chống các âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch.

Thứ tám, mở rộng và tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế; Tích cực, chủ động mở rộng và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với các tổ chức nông dân, tổ chức quốc tế, tổ chức chính phủ, phi chính phủ và các đại sứ quán nhằm tăng cường tình đoàn kết, tranh thủ sự ủng hộ, thu hút nguồn lực, thúc đẩy hợp tác về kinh tế, chuyển giao khoa học công nghệ, kinh nghiệm quản lý, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ, hội viên, nông dân, tạo điều kiện để cán bộ, hội viên nông dân tiếp cận với trình độ quản lý tiên tiến, khoa học kỹ thuật hiện đại góp phần đẩy nhanh và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế của nước ta.

Phát biểu tại Hội thảo, lãnh đạo Uỷ ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước trân trọng cảm ơn và đánh giá cao các thông tin, chia sẻ kinh nghiệm của Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn. Đây là những thông tin quý giá, có giá trị và hữu ích đối với  Uỷ ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước nói riêng; đất nước và nhân dân Lào nói chung để tham khảo phục vụ cho công tác chuẩn bị thành lập Hội Nông dân Lào.

Chủ tịch Lương Quốc Đoàn cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, sự gắn bó thủy chung, trong sáng giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane đặt nền móng, dày công vun đắp đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào trong tiến trình lịch sử, đã trở thành tài sản vô giá của hai dân tộc và là quy luật phát triển chung của hai nước trên con đường phát triển đất nước phồn vinh, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác