Nông thôn mới

Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn: Từ “đơn giá trị” sang “tích hợp đa giá trị”

07:21 18/02/2022 GMT+7
Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững định vị lại vai trò, vị trí, sứ mệnh của nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong giai đoạn tới.
TIN LIÊN QUAN

Tại buổi họp báo công bố Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra vào ngày 17/2, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan mong muốn chiến lược sẽ được lan tỏa vào tâm thức của mỗi lãnh đạo, người dân trong xã hội; định vị đúng vai trò, vị trí, sứ mệnh của nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, đây là lần đầu ngành nông nghiệp có chiến lược chung. Sau khi chiến lược được phê duyệt, lãnh đạo Bộ đã họp với các đơn vị trực thuộc để bàn giải pháp thực hiện, tuy nhiên, nếu như các bộ, ngành liên quan và các địa phương không vào cuộc thì chiến lược cũng chỉ “nằm trên giấy”, bởi chiến lược liên quan đến rất nhiều bộ, ngành, đặc biệt là các cơ chế chính sách về đất đai, vốn, lao động… Bên cạnh nguồn lực về tiền bạc thì con người cũng là yếu tố quan trọng để đưa chiến lược vào cuộc sống.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững sẽ định vị lại nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Theo đó, phải xây dựng kế hoạch cụ thể và thay đổi về mặt tư duy từng cán bộ quản lý, nhà khoa học, người nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã.... Ngoài ra cần có những đột phá trong chính sách liên quan đến đất đai, qua đó hình thành các trung tâm giao dịch đất nông nghiệp để đẩy mạnh tập trung đất đai, đất nông nghiệp không sử dụng được đưa lên hệ thống, doanh nghiệp nào cần trung tâm sẽ kết nối cho doanh nghiệp và nông dân gặp nhau.

“Nếu như các Bộ, ngành liên quan và các địa phương không vào cuộc thì chiến lược cũng chỉ nằm trên giấy, bởi một mình Bộ NN&PTNT cũng không thể triển khai được. Đây là tư duy hoàn toàn mới, mấu chốt quan trọng nhất là chiến lược liên quan đến rất nhiều Bộ, ngành, nhất là cơ chế chính sách, cơ chế. Vì vậy, các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Lao động Thương binh và Xã hội và Ngân hàng Nhà nước phải có kế hoạch rà soát lại toàn bộ cơ chế chính sách theo lĩnh vực phụ trách. và Thủ tướng Chính phủ sẽ ký để chỉ đạo toàn bộ hệ thống triển khai chiến lược”, ông Việt nêu rõ.

Khẳng định hiện thực hóa chiến lược phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, chiến lược đưa ra nền tảng từ tổ chức lại sản xuất để phát triển nông nghiệp, nông thôn hay cơ cấu lại nông nghiệp bắt đầu việc tổ chức lại sản xuất. Ngành nông nghiệp sẽ phải đổi mới tư duy sản xuất đó là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường.

Đồng thời, chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ “đơn giá trị” sang “tích hợp đa giá trị”… Ngành nông nghiệp sẽ hướng đến nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người. Ngành cũng sẽ hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường.

Họp báo công bố Chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Bộ rất nghiêm túc trong việc xây dựng và đưa chiến lược vào cuộc sống, quan trọng nhất là phải tiếp cận với dòng chảy, xu thế tiêu dùng xanh của thế giới. Tăng trưởng của nông nghiệp sẽ không thể như tăng trưởng của ngành công nghiệp. Chiến lược khẳng định dù đóng góp nhỏ nhưng vai trò vị trí của nông nghiệp trong bình ổn xã hội rất lớn. Khi nhận thức đúng thì sẽ có nguồn vốn, hạ tầng đầu tư cho nông nghiệp. Bộ sẽ ban hành kế hoạch hành động chiến lược; các đơn vị trực thuộc Bộ phải trình lãnh đạo Bộ kế hoạch tiếp cận chuyển đổi tư duy theo chiến lược, để sớm hiện thực hóa việc xây dựng và đưa chiến lược đi vào cuộc sống:

“Kỳ vọng chiến lược được truyền thông lan tỏa ra toàn xã hội để định vị lại trong tâm thức của các nhà quản lý, người dân và xã hội về vai trò, vị trí sứ mạng của nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Chúng ta thấy rằng có lúc khu vực nông nghiệp tăng trưởng chậm và đầy rủi ro, nhưng nếu chỉ nhìn vào các con số đó thì chúng ta xem nhẹ lĩnh vực này. Chiến lược lần này khẳng định lại dù đóng góp nhỏ nhưng nông nghiệp có vai trò vị trí hết sức quan trọng bình ổn xã hội, bởi hơn 60% dân số Việt Nam hiện nay đang ở nông thôn và đang là nông dân”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ rõ.

Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông nghiệp đạt bình quân từ 2,5% đến 3%/năm, thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5 đến 3 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân 1% đến 1,5%/năm...Đến năm 2050, Việt Nam phấn trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn Việt Nam không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh, đẹp.../.

Theo VOV

Tin cùng chuyên mục
Tin khác