Quảng Bình: Chung sức đưa xã Phúc Trạch đạt chuẩn nông thôn mới
Đoàn kết tạo sức mạnh
Phúc Trạch thuộc xã miền núi nằm ở phía Tây của huyện Bố Trạch. Đặc điểm địa hình được chia thành 3 vùng: vùng Phúc Đồng, vùng Phúc Khê, vùng Thanh Sen và Chày Lập với tổng số 12 xóm. Đại đa số cư dân là đồng bào có đạo. Hơn nữa, địa phương này có một số vùng bị thấp trũng ngập lụt về mùa mưa lũ, đi lại khó khăn. Đặc biệt, xã có xuất phát điểm thấp cả về kinh tế lẫn đời sống xã hội. Do đó quá trình xây dựng NTM gặp muôn vàn khó khăn.
Xác định những bộn bề này phải nỗ lực khắc phục để vươn lên, Đảng bộ và nhân dân xã Phúc Trạch không ngừng gỡ khó từng bước, tiến đến thực hiện thắng lợi Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn. Một trong những phương châm xuyên suốt lộ trình này là phát huy tính dân chủ, sáng tạo, của từng cá nhân, tổ chức và từng cơ sở xóm; nêu cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh công tác tuyên truyền; lấy người dân làm chủ thể trong xây dựng nông thôn mới nâng cao... Nhờ đó, địa phương đã thực hiện thắng lợi đạt và vượt 18/18 chỉ tiêu đề ra, trong đó một số chỉ tiêu vượt khá cao so với kế hoạch.
Phần trách nhiệm, công việc được các tổ chức đoàn thể đảm nhận và nhập cuộc ráo riết, cộng với sự tích cực của từng hộ dân đã tạo nên diện mạo mới mẻ nơi miền sơn cước Bố Trạch. Trong số đó có thể kể đến phần việc “xây dựng vườn hộ sạch đẹp” do Hội Nông dân đảm nhiệm. Hoạt động này không chỉ tôn thêm nét đẹp cho làng quê, tạo không gian sống sạch đẹp, nâng cao thu nhập mà còn là tiền đề xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm cho địa phương.
Sự nhập cuộc của các tổ chức cộng hưởng với tinh thần sẵn sàng cống hiến của người dân đã tạo nên những biến đổi tích cực trên lộ trình xây dựng NTM của xã Phúc Trạch. Ngoài ngày công đóng góp, nhân dân sẵn sàng hiến đất, hiến tài sản, đóng góp tiền của để xây dựng nông thôn mới.
Trong số hàng nghìn hộ dân có thể điểm xuyết qua gương điển hình ông Nguyễn Ngọc Hiền đã hiến hơn 250m2 đất vườn, 8m hàng rào, 66 gốc tiêu đang cho thu hoạch, 4 cây mít... Ngoài ra, lúc đổ bê tông, ông còn ủng hộ thêm tiền để mở rộng mặt ngang đường bê tông từ 3m lên 3,5m, đồng thời vận động bà con nhân dân xung quanh lắp đặt điện sáng, lắp camera an ninh.
Có thể nói, nhờ chương trình này, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hoá… được quan tâm đầu tư, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất, phục vụ dân sinh. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngày càng được củng cố, cảnh quan, môi trường nông thôn ngày càng được cải thiện.
Từ những kết quả đạt được, UBND xã tiếp tục triển khai, rà soát mức độ đạt các tiêu chí nông thôn mới nâng cao theo Quyết định số: 2379/QĐ-UBND ngày 05/9/2022; Quyết định số 1271/QĐ - UBND ngày 16/5/2024 của UBND tỉnh Quảng Bình sửa đổi, bổ sung một số tiêu chí, chỉ tiêu trong Bộ tiêu chí xã Nông thôn mới; Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 - 2025. Qua rà soát, tính đến tháng 10 năm 2024 xã Phúc Trạch đã đạt 14/19 tiêu chí NTM nâng cao.
Để đạt đích NTM nâng cao, xã Phúc Trạch đặt mục tiêu đến quý IV năm 2025 hoàn thiện các tiêu chí còn dở dang. Đồng thời, để duy trì, nâng cao chất lượng toàn diện các tiêu chí NTM nâng cao, địa phương này đã và sẽ tiếp tục tập trung vào các tiêu chí về hạ tầng, cảnh quan, môi trường, văn hóa và nâng cao thu nhập cho nhân dân, gắn với xây dựng các khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu.
“Dân no mới lo việc làng”
Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, song với tinh thần đổi mới, linh hoạt, thực hiện các tiêu chí một cách có trọng tâm, trọng điểm, xã Phúc Trạch đã đưa nhiệm vụ xây dựng NTM ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và bền vững.
Xuyên suốt Chương trình này, cấp uỷ, chính quyền xã Phúc Trạch đã nhìn nhận và xác định mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống tinh thần và vật chất cho người dân chính là cốt lõi trong xây dựng NTM. Để đạt được mục tiêu, địa phương này đã lựa chọn tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn là yếu tố trọng tâm, xem đây là gốc để “nâng chất” NTM, thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Nhìn chung, sản xuất nông nghiệp ở xã đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ. Nhiều mô hình liên kết trong sản xuất được hình thành, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, các sản phẩm chủ lực của xã gắn liền với lợi thế đất đai, thổ nhưỡng, lợi thế vùng. Từ đó, nhiều hộ gia đình tự mua sắm trang thiết bị, máy móc xây dựng nên các sản phẩm mang tính hàng hóa như tinh bột nghệ, tinh dầu lạc, hạt tiêu cay, bánh tráng, mật ông... Chương trình OCOP được triển khai và đạt nhiều kết quả tích cực. Hiện nay, sản phẩm bánh tráng Phúc Hiên của hộ gia đình Hoàng Thị Hiên, sản phẩm mật ong rừng Phong Nha của HTX nuôi ong mật xã Phúc Trạch đã được công nhận OCOP 3 sao.
Nghị quyết 20/NQ/TW về phát triển kinh tế tập thể đã xác định rõ: Phát triển kinh tế tập thể cả về số lượng và chất lượng, trong đó chú trọng chất lượng, bảo đảm sự hài hoà trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa bàn; có chính sách ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển các tổ chức kinh tế tập thể gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức… Từ quan điểm chung đó, xã Phúc Trạch đã xây dựng 3 mô hình kinh tế HTX, gồm: HTX dịch vụ CNN xã Phúc Trạch, HTX rượu sim Chày Lập, HTX nuôi ong lấy mật vùng đệm vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Cùng với những hoạt động đó, xã Phúc Trạch cũng đã hình thành nên nhiều mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực đảm bảo bền vững, cụ thể như: Mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ hoa cúc Pha Lê với quy mô 1,5ha; mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trồng hoa tại thôn 1 và thôn 4.
Những định hướng sát sao, phù hợp thực tiễn mà Phúc Trạch được đánh giá là địa phương đa ngành nghề lĩnh vực sản xuất, giá trị sản xuất trên địa bàn xã đạt khá, có sự chuyển biến ở tất cả các lĩnh vực nông, lâm, ngư, dịch vụ... Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của xã tăng dần: Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người đạt 48,8 triệu đồng/người/năm. Năm 2023, con số này là 53,7 triệu đồng/người/năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo qua các năm. Cấp uỷ, chính quyền và các đoàn thể chính trị xã hội của xã Phúc Trạch đã khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn các hộ gia đình ở các thôn chủ động xây dựng các mô hình làm ăn có hiệu quả, cải thiện đời sống để thoát nghèo, từng bước vươn lên trong cuộc sống./.
- Chuyển đổi số nâng cao hiệu quả công việc, chất lượng phục vụ nhân dân
- Từ căn cứ kháng chiến chống Mỹ đến xã nông thôn mới kiểu mẫu
- Bắc Giang: Đường hoa, cây xanh tô điểm cho bức tranh nông thôn mới kiểu mẫu ở Tân Yên
- Lâm Đồng: Phấn đấu đến cuối năm 2025 có 10/10 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới