Năm 2024, Nghi Lộc huy động nguồn lực phấn đấu đạt các tiêu chí Huyện Nông thôn mới nâng cao
Nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí trong năm 2024
Xác định việc hoàn thiện các tiêu chí để đạt huyện NTM nâng cao là nhiệm vụ quan trọng, Nghi Lộc đã huy động mọi nguồn lực, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Theo đó, Ban Thường vụ huyện đã họp và phân công nhiệm vụ cụ thể tới Ban chỉ đạo xây dựng NTM; triển khai công việc tới các ban, ngành, đoàn thể và từng xã; tuyên truyền, vận động nhân dân trên toàn huyện cùng đồng lòng thực hiện nhiệm vụ chung…
Sau nhiều nỗ lực, toàn huyện đã đạt số tiêu chí đạt chuẩn NTM nâng cao bình quân là 14,857 tiêu chí/xã, tăng 5,79 tiêu chí/xã so với năm 2022 (tăng 162 tiêu chí toàn huyện); đạt 92,86% so với kế hoạch.
Trong đó phải kể đến các điểm sáng trong phong trào xây dựng NTM tại các địa phương như: Nghi Thuận, Nghi Mỹ, Nghi Phong, Nghi Xuân đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023 và xã Nghi Văn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu lĩnh vực giáo dục, hoàn thiện hồ sơ trình tỉnh thẩm định đối với xã Nghi Thạch, hoàn thiện hiện trường, hồ sơ tiếp tục trình thẩm tra, thẩm định các xã Khánh Hợp, Nghi Diên, Nghi Lâm, Nghi Thái đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao…
Nhìn chung, có nhiều tiêu chí đạt 100% với 28/28 xã như: Tiêu chí Nhà ở dân cư, tiêu chí điện, tiêu chí hộ nghèo, tiêu chí quốc phòng an ninh; Tiêu chí thông tin truyền thông, tiêu chí thu nhập có 26/28 xã đạt, đạt 92,86%. Bên cạnh đó cũng có các tiêu chí còn chưa đạt hoặc đạt ở tỉ lệ còn khiêm tốn, cụ thể như: Tiêu chí Môi trường, Giao thông, Tổ chức sản xuất, Chất lượng môi trường sống đạt tỷ lệ thấp; Tiêu chí tổ chức sản xuất chưa đạt do chưa có sản phẩm OCOP, cấp mã vùng trồng, điểm du lịch; Chất lượng môi trường sống chưa đạt do nhiều xã chưa được sử dụng nước sạch tập trung…
Năm 2024, huyện Nghi Lộc quyết tâm phấn đấu tăng thêm 23 nội dung, đưa số nội dung đạt chuẩn lên 38/38 nội dung để đến cuối năm cơ bản hoàn thành 4 nhiệm vụ lớn, 9 tiêu chí, 35 nội dung trong Bộ tiêu chí Huyện Nông thôn mới nâng cao theo Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các biện pháp chống mất chuẩn các tiêu chí giao thông, nhà văn hóa xóm và các tiêu chí chưa đạt theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới theo quy định tại quyết định số 318/QĐ-TTg ở tất cả các xã.
Nâng cao thu nhập – tiêu chí trọng tâm
Một trong những tiêu chí được xem là đòn bẩy để kích cầu các tiêu chí khác nhanh chóng đạt được và bền vững, huyện Nghi Lộc xác định nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những tiêu chí rất quan trọng. Do đó, các cấp, ngành liên quan đã tích cực vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thông qua nhiều mô hình với nhiều chính sách động viên nhằm tăng giá trị kinh tế trên cùng một diện tích. Qua đó, nông dân mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và có nhiều mô hình kinh tế trở thành điểm nhấn của tỉnh, huyện.
Mặc dù năm qua còn nhiều khó khăn từ tác động của giá vật tư nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn ở mức cao, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; thời tiết diễn biến bất thường,…Tuy nhiên, các chỉ tiêu trong sản xuất, phát triển kinh tế tiếp tục được duy trì, cụ thể: Tổng sản lượng lương thực ước đạt 93.065,68 tấn. Sản xuất rau củ quả và dưa các loại tiếp tục phát huy hiệu quả.
Hỗ trợ xây dựng 3 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở các xã (Nghi Phương, Nghi Lâm, Nghi Thái). Nhiều mô hình đã phát triển tiếp tục được nhân rộng trên địa bàn toàn huyện. Hiện nay huyện Nghi Lộc có 30 mô hình nhà lưới sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tự động, với diện tích trên 78.323 m2, tổng kinh phí đầu tư 36.879 triệu đồng sản xuất dưa, nho, dâu tây, rau, củ quả… tạo việc làm cho trên 145 lao động, với thu nhập ổn định đạt bình quân 79 triệu đồng/người/năm.
Một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp đạt năng suất hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng cần được quan tâm. Chỉ tính riêng năm 2023, toàn huyện đã huy động nội lực sức dân xây dựng, nâng cấp được 27,4 km kênh mương; huy động 86.500 ngày công, tham gia tu sửa, khơi thông, nạo vét kênh mương với khối lượng đào đắp 77.500 m3; đắp tu bổ bờ vùng, bờ thửa với khối lượng 48.100 m3; cắt cỏ, phát quang, vớt bèo với diện tích 125.000 m2. Sửa chữa nâng cấp 7 trạm bơm, 3 hồ đập, hàng trăm km bờ vùng, bờ thửa nội đồng phục vụ cho yêu cầu sản xuất. Tập trung huy động tốt các nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi
Trên cơ sở thế mạnh địa phương là phát triển cây trồng gắn với điều kiện thổ nhưỡng, huyện Nghi Lộc tiếp tục tập trung vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, đất vườn kém hiệu quả chuyển đổi cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao gắn với du lịch sinh thái. Cùng đó, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp chất lượng cao nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực của địa phương.
Để đầu ra trong sản xuất, kinh doanh gặp nhiều thuận lợi “được mùa được giá” không thể phủ nhận vai trò các Hợp tác xã tích cực, chủ động tìm hướng đi trong sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm, điển hình như: HTX DVNN Hùng Thanh, HTX Nghi Văn, HTX Nghi Trung, HTX Phúc Thọ, HTX Nghi Hưng... không ngừng tìm kiếm thị trường ổn định cho nông sản trên địa bàn.
Hiện huyện có 16 nhãn hiệu được cấp bằng bảo hộ cho các chủ thể, có 21 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó 20 sản phẩm 3 sao, 1 sản phẩm 4 sao. Các hoạt động sản xuất đã góp phần tăng mức thu nhập bình quân đầu người của huyện tăng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống đáng kể.
Từ thực tế triển khai xây dựng NTM trên địa bàn huyện Nghi Lộc nhìn chung chưa đều, chủ yếu tập trung ở các xã đăng ký về đích nông thôn mới nâng cao năm 2023. Một số xã chưa đề cao vai trò, trách nhiệm trong thực hiện xây dựng NTM; thiếu sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện, nhất là huy động nguồn lực thực hiện chương trình; việc triển khai kế hoạch ở một số ít xã còn mang tính hình thức, thiếu giải pháp cụ thể, chưa gắn với tình hình thực tế của địa phương.