Chương trình OCOP cần khắc phục khó khăn, hạn chế để bứt phá đi lên
Nằm trong chuỗi các hoạt động Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ V năm 2021 đang tổ chức tại Vĩnh Long, ngày 8/1 đã diễn ra Hội thảo khoa học có chủ đề “Sản phẩm OCOP & Phát triển ngành hàng Lúa gạo: Động lực quan trọng để phát triển nông thôn mới”. Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các Viện, trường trong cả nước. Nhiều bất cập đã được đưa ra thảo luận để chương trình OCOP bứt phá đi lên trong thời gian tới.
Sau thời gian triển khai thực hiện, đến nay cả nước có 4.759 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên. Trong đó, Đồng bằng sông Hồng dẫn đầu cả nước với 1.759 sản phẩm (chiếm hơn 37%), miền núi phía Bắc chiếm hơn 20%, tiếp đến là đồng bằng sông Cửu Long (chiếm 15%), thấp nhất là vùng Đông Nam Bộ với 88 sản phẩm (chiếm gần 2%).
Hội đồng OCOP quốc gia đang tổ chức đánh giá, phân hạng cho 43 sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao được các địa phương đăng ký. Đặc biệt, đã có 35 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch được công nhận là sản phẩm OCOP. Các sản phẩm Ocop thực sự đã trở thành động lực góp phần xây dựng và phát triển vùng nông thôn Việt Nam.
Bên cạnh những mặt tích cực, nhiều đại biểu và bà con nông dân đã đưa những tồn tại, khó khăn vướng mắc thảo luận sâu để xây dựng Chương trình OCOP ngày càng hoàn hảo hơn trong thời gian tới. Các đại biểu cho rằng đây là chương trình mới, liên quan đến nhiều lĩnh vực. Do đó giai đoạn đầu triển khai, một số địa phương còn nhiều lúng túng trong cách làm, xác định lợi thế, tiềm năng và chủ thể sản xuất.
Hiện nay hầu hết các địa phương mới chỉ tập trung vào hoàn thiện các sản phẩm đã có, chưa quan tâm phát triển sản phẩm mới gắn với vùng nguyên liệu, đặc biệt là các làng nghề truyền thống.
Hệ thống các chính sách, cơ chế hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm thiếu đồng bộ, thiếu hiệu quả trong điều phối hoạt động hỗ trợ, nguồn lực dẫn đến sự lúng túng và khó khăn cho các địa phương trong quá trình triển khai. Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP còn một số tồn tại, hạn chế, chưa hoàn toàn phù hợp với thực tế, chưa bao hàm đầy đủ các sản phẩm, cần điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện. Quy trình lập hồ sơ thủ tục để được công nhận sản phẩm Ocop còn rườm ra phức tạp, gây khó khăn cho các chủ thể thực hiện.
Để có thể đảm bảo uy tín, chất lượng cho các sản phẩm OCOP, ông Trần Thế Như Hiệp, Phó viện trưởng Viện khoa học và công nghệ Cần Thơ cho rằng: "Một khi muốn nâng cấp thì chúng ta phải xác định các thiếu sót của sản phẩm. Các thiếu sót đó thể hiện quan điểm mà hội đồng tỉnh đã chấm. Ví dụ mình được 3 sao thì được chấm cao nhất là 69 điểm, muốn lên 4 sao là phải bù thêm 10 điểm nữa, muốn lên 5 sao là phải bù thêm 10 điểm nữa. Muốn 5 sao sản phẩm đó phải xuất khẩu ra nước ngoài. Các quy định của Nhà nước về môi trường về nhãn mác là phải tuân thủ đúng".
Về nguồn lực triển khai Chương trình các đại biểu cũng cho rằng các địa phương đang gặp nhiều hạn chế, chủ yếu là lồng ghép, trong khi một số cơ chế hỗ trợ chưa được cụ thể hóa, chưa chú trọng đến phát triển chuỗi giá trị, vùng nguyên liệu và cơ sở - quy trình chế biến,... dẫn đến những khó khăn trong quá trình triển khai ở một số địa phương.
Sản phẩm OCOP mặc dù đã có những thay đổi tích cực về chất lượng, bao bì, nhãn mác, tuy nhiên nhiều sản phẩm vẫn có những điểm yếu, đặc biệt là việc tuân thủ và áp dụng các quy định hiện hành về quản lý chất lượng, ghi bao bì, nhãn mác, sở hữu trí tuệ… theo các quy định của pháp luật.
Việc tìm và hình thành ý tưởng cũng gặp rất nhiều khó khăn cho các địa phương. Ông Nguyễn Văn Liêm, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết: "Ngành nông nghiệp rất quan tâm đến sản phẩm khởi nghiệp vì sản phẩm này được hình thành từ ý tưởng mới sáng tạo. Nếu có tác động của chương trình OCOP thì sẽ giúp chương trình khởi nghiệp hoàn thiện hơn, sẽ tác động rất nhiều đến đề án cơ cấu nông nghiệp cũng như xây dựng nông thôn mới".
Việc ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế do các sản phẩm OCOP chủ yếu là các sản phẩm sơ chế hoặc chế biến đơn giản, giá trị gia tăng thấp. Quy trình và công nghệ chế biến còn đơn giản, thậm chí còn lạc hậu và chưa đảm bảo đầy đủ các qui định, yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường. Vấn đề sở hữu trí tuệ chưa được các chủ thể quan tâm đúng mức, nhiều chủ thể chưa hiểu rõ và chưa chủ động đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu, bảo hộ mẫu mã, bao bì, kiểu dáng công nghiệp.
Sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đa phần là nhóm sản phẩm có quy mô nhỏ, đa dạng về chủng loại, có tính chuyên biệt cao nên khả năng mở rộng quy mô hạn chế, khó đáp ứng được các đơn hàng lớn và liên tục. Doanh nghiệp và cơ sở sản xuất nhỏ; nhiều chủ thể ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, năng lực sản xuất và khả năng tiếp cận thị trường còn hạn chế. Các chính sách, giải pháp về đào tạo nghề, nghiên cứu khoa học công nghệ đối với các sản phẩm đặc thù, quy mô nhỏ chưa gắn với yêu cầu và điều kiện thực tế; năng lực tư vấn hỗ trợ về đổi mới sáng tạo ở địa phương còn hạn chế.
Mặc dù đã có nhiều kết quả đáng mừng, nhưng theo nhiều ý kiến cho thấy quá trình nhận thức và sự vào cuộc của hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương còn chậm, chưa xác định rõ được vai trò và vị trí của Chương trình OCOP trong phát triển kinh tế địa phương. Một số địa phương còn thiếu sự phối hợp, vào cuộc của các ngành liên quan, đặc biệt là sự phối hợp giữa các ngành: NN và PTNT, Khoa học và Công nghệ, Công Thương và Y tế...
Ông Nguyễn Khắc Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ, Chánh Văn phòng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, những khó khăn vướng mắc này Hội Nông dân Việt Nam sẽ có kiến nghị với các bộ, ngành để có cơ chế chính sách triển khai tốt hơn chương trình này trong thời gian tới.
Theo ông Toàn: "Nhiều ý kiến trao đổi tương tác xoay quanh hình thành các sản phẩm OCOP, vấn đề lập hồ sơ thủ tục xem xét xếp loại các sản phẩm OCOP của các cơ quan chức năng . Nhiều chuyên gia đề nghị cần phải đơn giản các thủ tục chứng nhận các sản phẩm OCOP. Về phía trung ương hội nông dân Việt Nam sẽ tổng hợp kiến nghị Bộ NN&PTNT về vấn đề này. Các ý kiến tại hội thảo hôm nay là cơ sở để Trung ương Hội Nông dân Việt Nam sẽ tổng hợp để kiến nghị đề xuất với Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Chính phủ trong quá trình hoạch định mục tiêu phát triển ngành hàng lúa gạo Việt Nam, quy hoạch phát triển vùng ĐBSCL trong quá trình chỉ đạo tổ chức sản xuất, đặc biệt là sản xuất theo hướng hiện đại"./.
Theo VOV