Thúc đẩy chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành chuỗi sản xuất lúa gạo
Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) phát biểu tại hội thảo.
Đây là sự kiện quan trọng hướng tới chuyển đổi số trong công tác quản lý sản xuất lúa gạo từ cấp đồng ruộng đến cấp địa phương và trung ương, quy tụ nỗ lực nhiều bên, từ các cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ NN&PTNT và các nguồn tài trợ quốc tế khác, đánh dấu bước tiến quan trọng trong chuyển đổi số phục vụ quản lý nông nghiệp Việt Nam, qua đó nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành sản xuất và công tác dự báo đối với mặt hàng lúa gạo.
Tiên phong trên hành trình chuyển đổi số trong quản lý sản xuất lúa gạo
Hội thảo do ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt, ông Nguyễn Quốc Toản - Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp và ông Robert Caudwell, Trưởng Đại diện IRRI tại Việt Nam chủ trì. Sự kiện có sự tham dự của lãnh đạo sở NN&PTNT nhiều tỉnh/thành phố, các cục, vụ và viện nghiên cứu có liên quan thuộc Bộ NN&PTNT, đại diện của các tổ chức quốc tế. Đặc biệt, các phần tham luận và thảo luận chuyên sâu được đóng góp bởi các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và nhà quản lý cấp trung ương và địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp.
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực được Chính phủ Việt Nam ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số hiện nay, việc chuyển đổi số sẽ là điều kiện tất yếu để thúc đẩy sự phát triển của ngành. Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nhấn mạnh vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để hướng tới nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Đặc biệt, chuyển đổi số sẽ mang lại cơ hội để nâng cao giá trị, cải thiện tính bền vững trong sản xuất và đa dạng hóa sinh kế cho nông dân. Bộ NN&PTNT đã tích cực thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là việc phát triển một nền tảng dữ liệu mở có chất lượng và giá trị khai thác cao.
Hội thảo đã nghe ông Đỗ Minh Phương, chuyên gia Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp trình bày về định hướng và kế hoạch xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu nền tảng ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong đó nhấn mạnh việc xây dựng và ứng dụng một hệ sinh thái số và cơ sở dữ liệu ngành Trồng trọt phục vụ chỉ đạo, quản lý sản xuất và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng lúa gạo kết nối với thị trường là phù hợp với ưu tiên trong Chiến lược dữ liệu quốc gia đến 2030. Hệ thống thông tin này cần kết nối với các cơ sở dữ liệu trong và ngoài Bộ NN&PTNT cũng như nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.
Diễn giả tham luận tại hội thảo.
Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Cây lương thực thuộc Cục Trồng trọt đã chia sẻ các yêu cầu và thách thức trong việc ứng dụng chuyển đổi số và cơ sở dữ liệu ngành trồng trọt, từ đó đề xuất định hướng giải quyết các nút thắt này. Ông nhấn mạnh yêu cầu về xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn, phát triển và áp dụng các ứng dụng số trong quản lý và điều hành sản xuất, nâng cao nhận thức và kỹ năng số cho nông dân và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Tiềm năng vượt trội của RiceMoRe trong hệ sinh thái số của ngành Nông nghiệp
Lĩnh vực trồng trọt đã có những tiến bộ đáng kể trong việc xây dựng hệ sinh thái dữ liệu số trong quản lý sản xuất lúa, đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển đổi số toàn diện của ngành nông nghiệp. Hệ thống Theo dõi và Báo cáo Sản xuất Lúa RiceMoRe, do Cục Trồng trọt, Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp và Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế IRRI phối hợp phát triển, là một ví dụ tiên phong cho nỗ lực này.
Là nền tảng tham chiếu địa lý, cho phép chuẩn hóa và ghi lại dữ liệu hoạt động sản xuất lúa theo thời gian, sau gần 7 năm triển khai tại 9 địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và 1 địa phương ở Đồng bằng sông Hồng, Hệ thống số theo dõi và báo cáo hoạt động sản xuất lúa RiceMoRe đã mang lại nhiều kết quả tích cực, giúp tự động tổng hợp dữ liệu theo các cấp quản lý khác nhau, cải thiện đáng kể quy trình báo cáo và thống kê sản xuất lúa.
RiceMoRe có các hợp phần lưu trữ và xử lý dữ liệu sản xuất, giúp tính toán lượng phát thải khí nhà kính từ canh tác lúa từ cấp đồng ruộng, nông hộ, hợp tác xã tới cấp vùng và quốc gia. Nhờ đó, hệ thống có tiềm năng đóng góp cho công tác kiểm kê khí nhà kính của ngành Lúa gạo và các chương trình quốc gia liên quan tới tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, như Đề án sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp của Bộ NN&PTNT. Có thể coi RiceMoRe là tiền đề cho việc xây dựng hệ sinh thái số cho sản xuất lúa nói riêng và ngành Trồng trọt nói chung.
Từ thực tế triển khai, chị Trần Ngọc Hiếu, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Cờ Đỏ (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố Cần Thơ) chia sẻ: Hệ thống cho phép thu thập dữ liệu từ cấp xã và cán bộ cấp huyện không cần phải nhập liệu mà chỉ nhập dữ liệu vào hệ thống để tích hợp với dữ liệu cấp tỉnh. Ứng dụng giúp tiết kiệm thời gian và số liệu thiết thực và trực quan hơn. Dữ liệu được cập nhật lên hệ thống có thể truy xuất bất cứ lúc nào và nhanh hơn dưới nhiều hình thức, đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số hiện nay của ngành Nông nghiệp địa phương.
Nhấn mạnh yêu cầu về xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn, phát triển và áp dụng các ứng dụng số trong quản lý và điều hành sản xuất, nâng cao nhận thức và kỹ năng số cho nông dân, và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp cho biết, Bộ NN&PTNT đã và đang tích cực thúc đẩy chuyển đổi số, đặc biệt là phát triển một nền tảng dữ liệu mở có chất lượng và giá trị khai thác cao trong các lĩnh vực ngành hàng.
Chia sẻ về khả năng nâng cấp và áp dụng hệ thống RiceMoRe trong theo dõi các chỉ tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong khuôn khổ Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" cũng như liên kết RiceMoRe với các hệ thống, công cụ và cơ sở dữ liệu khác hướng đến xây dựng hệ sinh thái dữ liệu số thống nhất, hiệu quả, linh hoạt và minh bạch cho ngành trồng trọt, các đại biểu cho rằng, tiềm năng áp dụng hệ thống RiceMoRe có thể vượt xa các ứng dụng hiện nay.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt khẳng định, tiềm năng áp dụng hệ thống RiceMoRe có thể vượt xa các ứng dụng hiện nay .Đây có thể là nền tảng xây dựng hệ sinh thái dữ liệu số trong sản xuất lúa nói riêng và ngành Trồng trọt nói chung. Qua đó, góp phần thực hiện các mục tiêu chủ chốt của Bộ NN&PTNT về nâng cao giá trị sản xuất đồng thời đảm bảo tăng trưởng Xanh, đảm bảo sinh kế và sức khỏe của người dân.
“Khi ta đã có những dữ liệu dự báo về mùa vụ, thông tin thời tiết nông vụ của một vụ sản xuất, RiceMoRe sẽ là công cụ đo đếm và tính toán một cách chính xác nhất những yếu tố có thể xảy ra trong vụ sản xuất đó. Theo đó, hỗ trợ rất nhiều cho cán bộ từ cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh trong việc tham mưu và đưa ra những quyết định cụ thể và chính xác tại thời điểm đó” - Ông Lê Thanh Tùng nhấn mạnh.
Hệ sinh thái số RiceMoRe được phát triển với hỗ trợ của Trung tâm Nghiên cứu Phát thải Khí nhà kính trong Nông nghiệp của chính phủ New Zealand, Sáng kiến CGIAR về Giảm nhẹ và Chuyển đổi để Giảm phát thải Khí nhà kính của các Hệ thống Nông sản (MITIGATE+), Sáng kiến CGIAR về Bảo vệ Hệ thống Lương thực tại các vùng Đồng bằng lớn của Châu Á (Asian Mega-Deltas) và Chương trình Chuyển đổi nông nghiệp sinh thái để xây dựng các hệ thống nông nghiệp và lương thực bền vững và toàn diện (TRANSITIONS) do IFAD – EU tài trợ.