Chuyển đổi số trong nông nghiệp: Để vực dậy, xoay trục kinh doanh và tối ưu chi phí vận hành
Chuyển đổi số nông nghiệp..?
Chuyển đổi số nông nghiệp là gì, nó làm thay đổi cuộc sống ra sao? Không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức khi tuyên truyền… cũng chưa hiểu rành rẽ nội dung này, thưa ông?
Chuyển đổi số nông nghiệp là một quá trình chuyển đổi từ làm việc theo phương thức cũ sang làm việc theo phương thức mới trên nền tảng công nghệ số. Mọi thông tin, mọi quyết định của cá nhân, tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp… đều được thể hiện dạng số liệu dựa trên các nền tảng công nghệ số. Chuyển đổi số trong nông nghiệp tạo ra các hình thức quản lý, giao tiếp, sản xuất kinh doanh mới cho phát triển.
“Số hóa” đã vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, làm thay đổi quan niệm và hành vi của con người. Chúng ta sử dụng Zalo, Facebook…để kết nối bạn bè là “xã hội số”; mua bán hàng Online là “kinh tế số”; sử dụng công nghệ thông tin của xe Grab là “kinh tế chia sẻ”.
Trong giảng dạy, đi thực tế, tôi thấy còn có cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức… nói nhiều về công nghệ số, chuyển đổi số… nhưng hỏi một vài câu về “số hóa” thì lúng túng, thậm chí chưa hiểu rõ về vấn đề này. Nói thật, theo tôi muốn tuyên truyền về chuyển đổi số thì người tuyền truyền phải hiểu tường tận về nội dung này..
Nhà nông trong chuyển đổi số nông nghiệp
Chuyển đổi số nông nghiệp có 3 trụ cột: Nhân lực chất lượng cao; Cơ sở hạ tầng hiện đại; Hệ thống dữ liệu căn cơ. Vậy tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) và nhà nông nên bắt đầu từ đâu và thế nào, thưa ông?
Bắt đầu từ người nông dân, số hóa dữ liệu từng nông hộ: Lựa chọn phần mềm (App) trên điện thoại thông minh để thay thế sổ tay ghi chép bằng giấy sang ghi chép bằng phần mềm trên điện thoại, máy tính… THT, HTX số hóa đến từng nông hộ về đất đai, vật nuôi, cây trồng, quy trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chất lượng của từng loại sản phẩm. Ban Giám đốc HTX/THT quản lý, giám sát nông hộ, đánh giá việc tuân thủ các tiêu chuẩn nông sản trực tuyến qua “Nhật ký điện tử” và công cụ số.
Tiếp theo là chuyển đổi số trong liên kết theo chuỗi giá trị: Như liên kết các nông hộ nhỏ lẻ SXKD cùng một sản phẩm hoặc theo ngành hàng thành kinh tế hợp tác (THT, HTX). Hình thành các HTX trên cơ sở số hóa, minh bạch thông tin, giám sát thuận tiện để tiết kiệm các chi phí sản xuất; kết nối thị trường và tiến tới hợp đồng tiêu thụ nông sản.
Các “hộ nông dân số” kết nối với nhau: Cùng mua - cùng làm - cùng bán trên nền tảng số. Giám sát trực tiếp, giám sát chéo lẫn nhau, minh bạch thông tin, xóa bỏ các nghi kỵ, gian lận trong quản lý, mua bán hàng để hợp tác có trách nhiệm và bền vững hơn.
Liên kết theo chuỗi cung ứng - sản xuất - thu mua dưới sự giám sát của quản lý nhà nước từ sở, phòng nông nghiệp…để tránh được việc giả mạo mã vùng trồng, mã xưởng chế biến, đóng gói đối với nông sản xuất khẩu.
Trong chuyển đổi số nông nghiệp: Nhà nông, THT, HTX vừa là người tiêu dùng thiết bị, công nghệ thông minh, vừa là chủ nhân sử dụng thiết bị công nghệ số, đồng thời là người thụ hưởng thành quả của tiến bộ KHKT - công nghệ mang lại. Nhưng lớn hơn, người nông dân, THT, HTX là người cung cấp thông tin, hình thành dữ liệu để đóng góp vào hệ thống dữ liệu Quốc gia và cho chuyển đổi số Quốc gia.
Các phần mềm uy tín phục vụ chuyển đổi số nông nghiệp hiện có được THT, HTX, doanh nghiệp nông nghiệp, người nông dân cần biết và tìm hiểu thế nào, thưa Tiến sỹ?
Có 6 phần mềm uy tín đã được bán ở thị trường, được người lao động/đơn vị SXKD tin dùng:
1. iQShrimp là giải pháp phần mềm nuôi trồng thủy sản. Cụ thể, iQShrimp thu thập dữ liệu từ các ao nuôi, bao gồm kích cỡ con tôm, chất lượng nước, hình thái cho ăn, các điều kiện về sức khỏe và thời tiết... Hệ thống này sẽ tổng hợp các thông tin vào một ‘’bảng điều khiển vận hành trực tiếp’’. Sau khi phân tích dữ liệu, iQShrimp có thể đưa ra khuyến nghị về quản lý cho ăn, ngày thu hoạch giúp tối ưu hóa hiệu quả nuôi trồng.
2. Smart Agri - Giải pháp quản lý nông trại thông minh: Toàn bộ quy trình sản xuất từ khâu xuống giống, chăm sóc, tưới tiêu... cho tới lúc thu hoạch đều được giám sát và điều khiển tự động. Ngoài ra, Smart Agri đem đến các tính năng ưu việt như thu thập thông tin nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, độ pH, hỗ trợ phân tích chất lượng, năng suất giống, lập kế hoạch, tính toán chi phí doanh thu theo mùa vụ…
3. MPigs - phần mềm quản lý lợn giống: Giúp các cơ sở chăn nuôi quản lý và theo dõi được số lượng, chất lượng đàn lợn phân theo từng giống, chuồng, ô nuôi, kết quả sản xuất, công tác thú y hàng ngày. Ứng dụng còn hỗ trợ lập kế hoạch sản xuất hay báo ngày khám thai, ngày phối giống... được giao diện web, cơ sở dữ liệu quản lý và lưu trữ tập trung. Qua đó, các hộ nuôi có thể nâng cao năng suất, chất lượng lợn giống, đồng thời giảm chi phí nhân công.
4. Farmext - giám sát và quản lý trại nuôi tôm, cá từ xa: Hệ thống thông qua ứng dụng kết hợp với thiết bị đặt tại mỗi ao nuôi sẽ gửi các chỉ tiêu môi trường nước về máy chủ (server). Các thông tin như: Nhiệt độ nước, tình trạng sức khỏe đàn cá, tôm hay chi phí đầu tư, nguyên vật liệu sản xuất… liên tục được cập nhật và ghi lại thành nhật ký, trực quan hóa thông qua bảng, biểu đồ và gửi đến người nuôi. Với Farmext, các chủ trang trại… có thể quản lý cùng một lúc với nhiều trang trại với một tài khoản duy nhất và mọi hoạt động quản lý, giám sát sẽ được tự động hóa trên điện thoại thông minh.
5/ RCM - phần mềm hỗ trợ cải tiến dinh dưỡng cho cây lúa: Để sử dụng được phần mềm RCM, tại địa điểm sử dụng phải được kết nối Internet bằng máy vi tính, laptop, máy tính bảng hay smartphone. Nông dân, người canh tác truy cập vào trang Quản lý canh tác lúa tại địa chỉ: http://webapps.irri.org/vn/rcm và trả lời các câu hỏi được lập trình sẵn trong phần mềm. Dựa trên câu trả lời được lưu trữ, RCM sẽ tính toán và đưa ra hướng dẫn hay khuyến cáo trở lại trên máy tính hay điện thoại. Nhờ đó, nông dân có các biện pháp quản lý cho năng suất lúa cao, cân bằng hệ sinh thái, giảm thiểu tối đa sử dụng chất hóa học vào đồng ruộng và tăng hiệu quả kinh tế.
Đơn giản mà hiệu quả
Ông có thể cho ví dụ về “số hóa nông nghiệp” chi phí ít, dễ học, dễ thực hành và có thành công?
Ông Bùi Văn Mạnh ở xã Ứng Hòe, Ninh Giang (Hải Dương) đã áp dụng công nghệ số vào sản xuất từ năm 2018. Bây giờ, dù ở đâu, xa bao nhiều đi chăng nữa, cũng chỉ cần 1 cú nhấn chuột hay 1 thao tác trên điện thoại thông minh, ông Mạnh đã có thể tưới nhỏ giọt đồng loạt cho hơn 6.000 gốc dưa lưới trong nhà màng
Cơ sở chăn nuôi Hưng Huy ở xã Định Sơn, Cẩm Giàng (Hải Dương) gắn thẻ nhận diện và quản lý nhiệt độ tự động ở chuồng trại và trên toàn bộ đàn lợn nái nhằm xác định thể trạng của từng con, từ đó có những điều chỉnh phù hợp trong chế độ ăn uống, đảm bảo an toàn cho đàn lợn.
Bà Đỗ thị Vân ở xã Quý Sơn, Lục Ngạn (Bắc Giang) bán vải thiều qua livestream đầy tự tin. Dùng chiếc điện thoại thông minh trong 44 phút livestream giới thiệu và chào bán, đã có 3.300 lượt người theo dõi. Tại đó, bà Vân chốt bán được 8 tấn vải thiều cho hàng trăm đơn hàng đặt từ mọi miền đất nước.
Chia sẻ với nhà nông…
Là nhà khoa học công nghệ, ông có điều gì cần chia sẻ với nhà nông, thưa ông?
Thứ nhất, chuyển đổi số nông nghiệp dù ở quy mô lớn, vừa hoặc nhỏ đều cần công nghệ, thiết bị thông minh. Vì vậy, các cô bác cần phải học, phải đọc và tích lũy kiến thức thật nhiều, không nên “đi tắt đón đầu” mà phải tuân thủ đúng quy trình, làm chủ phương tiện… mới thành công..
Hai là, chuyển đổi số nông nghiệp là một bài toán khó, dài hơi; do vậy, không chạy theo phong trào, không bị cuốn vào sự chào mời của doanh nghiệp bán thiết bị mà phải biết: Sản phẩm cây, con của mình là gì? Mua thiết bị, công nghệ của doanh nghiệp nào sản xuất là phù hợp nhất để không lãng phí tài chính.
Ba là, trong SXKD dứt khoát phải là sản phẩm sạch, an toàn, có nhãn mác, mã vạch, thương hiệu thì mới có thị trường. Trong cạnh tranh, không nên đối đầu với doanh nghiệp, tập đoàn lớn có cùng sản phẩm. Chuyển đổi số nông nghiệp cũng như người bán hàng, lữ khách đi đường xa nên cô bác nông dân cần liên kết lại thành các HTX để cùng thực hiện.
Trân trọng cảm ơn ông!
Thanh Thúy (thực hiện)
- Cà Mau: GRDP nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước
- Bình Dương phấn đấu trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030
- Đến năm 2030, phấn đấu trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái áp dụng IPHM
- Vĩnh Long: Định hướng cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới