Phong trào nông dân

Hưng Yên:

Chuyển đổi tư duy sản xuất, nhiều nông dân hưởng lợi

Đức Trung - 07:36 08/04/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Xác định vào Tổ hợp tác, HTX mới đẩy mạnh sản xuất hàng hoá theo chuỗi giá trị, đồng nghĩa hiệu quả kinh tế cao và ổn định thu nhập, nhiều nông dân Hưng Yên đang thay đổi tư duy sản xuất nhờ vào sự hỗ trợ, tư vấn của Hội Nông dân (ND).

Hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế
Huyện Văn Lâm là địa bàn tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội, có nhiều khu, cụm công nghiệp đầu tư xây dựng phát triển khiến diện tích đất sản xuất nông nghiệp của huyện bị thu hẹp. Trong 5 năm (2018 - 2023), đã có trên 2.000 lượt hộ ND giao đất cho các dự án đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ; hàng nghìn ND trở thành công nhân trong các công ty, doanh nghiệp. Do đó, Hội ND huyện Văn Lâm đã có nhiều giải pháp hỗ trợ hội viên, ND phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và đô thị văn minh.
Hội ND huyện Văn Lâm đã chú trọng việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT, đồng thời tăng cường liên kết sản xuất nhằm nâng cao giá trị nông sản hàng hóa. Hội phối hợp mở được 6 lớp dạy nghề miễn phí, 285 lớp chuyển giao KHKT cho gần 18.000 lượt ND tham dự; tổ chức nhiều chuyến tham quan các mô hình kinh tế mới ở trong và ngoài tỉnh cho trên 800 lượt cán bộ, hội viên…

Nông dân xã Đồng Thanh (Kim Động) liên kết sản xuất và tiêu thụ cam mang lại thu nhập cao.
Cùng với đó, Hội ND huyện đã tuyên truyền, vận động hội viên, ND phát triển kinh tế tập thể; hình thành các mô hình chuyên canh, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao. Hướng dẫn thành lập 9 mô hình liên kết có quy mô sản xuất lớn cho thu nhập hàng năm từ 100 triệu đồng đến hàng tỷ đồng, thu hút hàng trăm lao động tham gia. Bên cạnh đó, Hội ND huyện chỉ đạo Hội ND xã Tân Quang hỗ trợ 3 hộ ND thôn Nghĩa Trai làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu tập thể Dược liệu Nghĩa Trai; phối hợp với UBND huyện hướng dẫn hội viên ND xã Đại Đồng xây dựng thương hiệu sản phẩm đúc đồng tại thôn Lộng Thượng; thương hiệu Hoa Cúc Chi xã Tân Quang của HTX sản xuất dịch vụ tổng hợp Hoa Thiên Phú được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP chất lượng 3 sao. Huyện có 12 sản phẩm của 3 chủ thể (HTX Hoa Thiên Phú; rượu Cúc Vinh và Công ty TNHH Econashin xã Lạc Đạo) được UBND tỉnh đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP đạt 3 sao.
Bà Đào Thị May, Chủ tịch Hội ND huyện Văn Lâm cho hay: Nhìn chung các mô hình đang phát triển tốt, hoạt động ổn định, bền vững mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hàng năm, Hội ND huyện có trên 4.000 hộ ND đạt danh hiệu ND sản xuất kinh doanh giỏi. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 1,42%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 1,44%. Vị thế chính trị của giai cấp ND và Hội ND ngày càng được nâng cao, khẳng định vai trò chủ thể trong quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Nhiều mô hình liên kết hiệu quả
Thời gian qua, Hưng Yên đã hình thành nhiều mô hình liên kết chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được hình thành và tổ chức sản xuất theo quy trình bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị ngành hàng. Điển hình trong lĩnh vực trồng trọt như: HTX nông nghiệp Ngũ Phúc (xã Tam Đa, huyện Phù Cừ) liên kết 144 hộ dân và các đơn vị chứng nhận trồng 21,7ha cam đạt tiêu chuẩn VietGAP; HTX sản xuất đầu tư và phát triển nông nghiệp Đức Thịnh (huyện Kim Động) liên kết với Công ty cổ phần dược liệu Việt Nam (chi nhánh tỉnh Phú Thọ) tiêu thụ nguyên liệu trà hoa cúc, sâm ích mẫu; HTX dịch vụ tổng hợp xã Việt Hưng (Văn Lâm) liên kết với Công ty cổ phần thương mại Hoa Nam trồng 45ha khoai tây vụ đông và liên kết với Viện Dược liệu Trung ương trồng 10ha cây dược liệu.

Các cấp Hội ND tỉnh Hưng Yên đã trực tiếp và phối hợp tổ chức 2.707 lớp tập huấn chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất; Hội ND các cấp phối hợp tổ chức được 112 lớp dạy nghề cho 3.360 lao động; cung ứng trên 5.000 tấn phân bón trả chậm cho hội viên phát triển sản xuất. Qua đó, đã góp phần nâng cao kiến thức, trình độ cho hội viên, ND, nhiều hộ ND đã áp dụng những kiến thức được học tập vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao và tạo ra các sản phẩm an toàn.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, mô hình chăn nuôi và giết mổ lợn theo chuỗi khép kín từ sản xuất con giống, nuôi lợn thịt theo hướng an toàn sinh học, giết mổ, sơ chế, chế biến sản phẩm (giò chả, xúc xích...) của HTX chăn nuôi và kinh doanh gà Đông Tảo (Khoái Châu) liên kết với các cửa hàng thực phẩm sạch tại các huyện Văn Giang và Văn Lâm; các hộ chăn nuôi bò sữa của các huyện Văn Giang, Kim Động và thành phố Hưng Yên liên kết với Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) thu mua sữa bò với sản lượng bình quân 2.000 tấn sữa/năm. Trong lĩnh vực thuỷ sản, HTX nuôi trồng thuỷ sản xã Hạ Lễ (Ân Thi) liên kết tiêu thụ cá thịt thương phẩm với các bếp ăn công nghiệp trên địa bàn thị xã Mỹ Hào và các huyện Kim Động, Văn Lâm, hàng tháng tiêu thụ 15-20 tấn cá thịt thương phẩm…
Theo ông Vũ Trường Nam, Trưởng Ban Kinh tế - Xã hội, Hội ND tỉnh Hưng Yên: Thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp hàng hoá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra, xây dựng các nhãn hiệu sản phẩm, sản xuất các sản phẩm đặc trưng, đặc sản để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương như: Phát triển vùng cây ăn quả (nhãn, vải, cam, bưởi, chuối…); chăn nuôi tập trung; vùng rau, lúa, hoa, cây con giống chất lượng... tại các xã thuộc huyện Khoái Châu, Kim Động, Phù Cừ, Văn Giang, Yên Mỹ... Các cấp Hội trong tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn và hướng dẫn hội viên, ND thành lập mới 88 HTX; 87 tổ hợp tác; 48 chi hội nghề nghiệp và 112 tổ hội nghề nghiệp sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp; phối hợp tư vấn xây dựng nhãn hiệu sản phẩm như: Nhãn lồng Hưng Yên, Nhãn Miền Thiết, Vải Trứng Hưng Yên, chuối Tiêu hồng, Gà Đông Tảo, Tương Bần, Quất cảnh Văn Giang... Các cấp Hội tích cực vận động, hướng dẫn hội viên ND sản xuất theo hướng chuyên canh tập trung, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, mạnh dạn áp dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh để mang lại hiệu quả kinh tế cao. 
Thời gian qua, các cấp Hội đã trực tiếp và phối hợp tổ chức 2.707 lớp tập huấn chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất; Hội ND các cấp phối hợp tổ chức được 112 lớp dạy nghề cho 3.360 lao động; cung ứng trên 5.000 tấn phân bón trả chậm cho hội viên phát triển sản xuất. 
Qua đó, đã góp phần nâng cao kiến thức, trình độ cho hội viên, ND, nhiều hộ ND đã áp dụng những kiến thức được học tập vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao và tạo ra các sản phẩm an toàn. 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác