Công nhận huyện Cù Lao Dung đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023
Theo Quyết định trên, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang giao UBND tỉnh Sóc Trăng có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định, chỉ đạo UBND huyện Cù Lao Dung tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.
Trong quá trình thực hiện các tiêu chí, huyện Cù Lao Dung quan tâm đầu tư, phát triển hệ thống giao thông trên địa bàn. Hiện nay huyện Cù Lao Dung có 240 tuyến đường giao thông, với tổng chiều dài gần 265,8km; 115 cầu kiên cố đảm bảo kết nối các tuyến đường, trung tâm hành chính. Cù Lao Dung cũng có 2 tuyến đường tỉnh đi qua, dài 39,3km và Quốc lộ 60 đi qua xã An Thạnh Nam dài 2km đáp ứng nhu cầu đi lại cho nhân dân.
Hệ thống thuỷ lợi liên xã đồng bộ với các hệ thống thuỷ lợi các xã theo quy hoạch, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh với 4 tuyến kênh cấp 1, hơn 360 kênh rạch phục vụ tưới tiêu cho sản xuất và dân sinh. Có 23km tuyến đê biển, 82 tuyến đê tả hữu, 102 bờ câu, khoan đào. Công tác phòng chống thiên tai đảm bảo theo phương châm “4 tại chỗ”.
Các tiêu chí vê điện, y tế, văn hóa, giáo dục… đều đảm bảo đáp ứng tốt đời sống dân sinh. Trong đó 100% xã, ấp có mạng lưới điện quốc gia, Trung tâm Y tế huyện được xếp hạng đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng III thực hiện điều trị khám nội trú cho hơn 9.000 bệnh nhân.
Về tiêu chí kinh tế, huyện Cù Lao Dung đã hình thành vùng nguyên liệu tập trung gắn với các sản phẩm chủ lực, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, công tác chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp hiệu quả.
Huyện Cù Lao Dung hiện có 7/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Riêng thị trấn Cù Lao Dung, thực hiện đạt 9/9 tiêu chí đô thị văn minh. Với diện tích tự nhiên hơn 24.500ha, trong đó diện tích nông nghiệp hơn 15.600ha, Cù Lao Dung có điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp với vùng sản xuất mía, cây trái và nuôi tôm mang lại giá trị kinh tế cao.
Bên cạnh đó, huyện Cù Lao Dung còn có tiềm năng phát triển về du lịch với các loại hình khá phong phú đa dạng. Đặc biệt, du lịch về nguồn có 1 Di tích lịch sử-văn hoá cấp Quốc gia là Đền thờ Bác Hồ và 3 Di tích lịch sử-văn hoá cấp tỉnh. Đền thờ Bác Hồ đã trở thành biểu tượng sức mạnh tinh thần, có sức sống bền bỉ, mãnh liệt trong lòng nhân dân Cù Lao Dung.
Ông Trần Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung cho biết: “Huyện đặt mục tiêu đến năm 2025 có 4/7 xã nông thôn mới nâng cao, 2/7 xã nông thôn mới kiểu mẫu, huyện cơ bản đạt tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao; Phấn đấu đạt thu nhập bình quân đầu người từ 65-75 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1-1,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%. Thời gian tới, huyện tiếp tục xây dựng và phát triển mô hình vùng trồng tập trung các sản phẩm chủ lực. Có chính sách thu hút các nhà đầu tư đến liên kết sản xuất nông nghiệp xuất khẩu theo kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp nâng cao giá trị và phát triển bền vững, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.”
“Huyện Cù Lao Dung hiện đang triển khai thực hiện có hiệu quả 6 chương trình chuyên đề trong xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu đến cuối năm 2025 huyện sẽ có 15 sản phẩm OCOP; có 3-4 điểm du lịch được công nhận, 1 xã được công nhận xã thông minh gắn với thương mại điện tử; ứng dụng khoa học công nghệ để xây dựng mô hình kinh tế đa giá trị nông sản. Phấn đấu đến năm 2030, huyện Cù Lao Dung sẽ đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao với 7/7 xã nông thôn mới nâng cao, 4/7 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 1 xã nông thôn mới thông minh hay thương mại điện tử”, ông Trần Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung chia sẻ thêm.