Sản phẩm – Dịch vụ

Đà Nẵng: Đổi hương vị café bằng… nước mắm

Thụy Bất Nhi - 08:07 18/12/2023 GMT+7
Bạn trẻ Nguyễn Thái Nhật Huy, thành viên tiếp thị cơ sở sản xuất nước mắm Hương Làng Cổ ở làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô (Liên Chiểu, Đà Nẵng) vừa cùng các cộng sự của mình chế tác thành công “bột nước mắm” làm hương liệu cho sản phẩm mới đưa ra thị trường: Café Mắm.

Đây là lần đầu tiên, một thức uống rất phổ thông với đông đảo người tiêu dùng đã được “bẻ lái” sang một khía cạnh khác, độc lạ và hấp dẫn hơn: Café pha trộn với nước mắm, để tạo nên một cách thưởng thức khác biệt bình thường. Dĩ nhiên nghĩ đến ly café có mùi nước mắm, nhiều người sẽ giật mình phản ứng không tán thành. Song thực tế qua tay nghề chế biến của những người thợ làm nước nắm, và ý tưởng sáng tạo của những bạn trẻ, ly café có bột nước mắm không hề có mùi nước mắm!

Ly café Mắm

Đem cũ trộn mới, hòa Đông vào Tây…

Nhật Huy cho biết, ý tưởng làm một loại café mới dành cho người tiêu dùng, nhất là giới trẻ hiện nay đã được bạn trẻ này ấp ủ lâu rồi, khi còn là nhân viên một đơn vị tiếp thị quảng cáo hàng tiêu dùng và thực phẩm. Đến khi về cơ sở sản xuất nước mắm đảm nhận công tác thị trường, Nhật Huy vẫn mày mò suy nghĩ. Để rồi khi thưởng thức những ly café Muối rất đặc trưng ở Huế, rồi thông tin loại café này được ưa chuộng thế nào tại TP.HCM, Huy bật so sánh, vì sao không thể làm ra café Mắm?

Phần đông người tiêu dùng đều hiểu rằng, café là thức uống được du nhập từ… Tây, theo bước chân người Pháp vào vùng Đông Nam Á rồi được canh tác phát triển ở Tây Nguyên, dần trở thành thức uống bình dân trong thời đại mới. Còn nước mắm, phải nhắc đến câu chuyện ẩm thực của người Chămpa, dấu ấn Đông phương rất đậm nét và cũ kỹ. Vậy nên, sẽ không có mấy ai nghĩ, một thức uống liệt vào hạng quý tộc Paris lại có thể hòa chung với một loại nước chấm thô mộc ở làng quê Việt Nam; đó là chưa nói đến cảm giác khó chịu nếu quyện hai thứ mùi này làm một.

Tất nhiên ở quá khứ, cũng đã có những người “phá cách” với câu chuyện rang xay café trộn nước mắm ở Tây Nguyên. Những người sành uống café từng nghe kể, có một công thức rang hạt café đậm đà hơn, bằng cách cho vào bơ một chút nước nắm, hoặc, sau khi phin café được chế ra, sẽ dùng đũa tre chấm nước mắm khuấy đều. Ly café như thế sẽ đậm đà hơn. Song nói thì nói, kể thì kể, chưa có ai trong hiện tại thực chứng cảnh rang xay pha chế như vậy.

Nhật Huy lại nghĩ khác, nếu café có thể trộn với kem và bỏ vào đó một ít muối, theo đúng công thức pha chế, sẽ có café Muối, thì tại sao không thể lấy café với kem bỏ nước mắm vào? Vấn đề chỉ nằm ở chỗ, làm sao khử mùi nước mắm vì chỉ cần nhỏ giọt nước mắm vào ly café, sẽ biến thành thứ mùi kinh dị ngay. Có cách nào để nước mắm biến thành dạng bột gia vị? Làm được vậy, thì sẽ có ngay loại thức uống độc đáo trộn văn hóa Đông và Tây, cũ và mới tức thì.

Lan tỏa sáng tạo trong làng truyền thống

Anh Bùi Thanh Phú, chủ cơ sở nước mắm Hương Làng Cổ cho biết, anh lắng nghe trình bày băn khoăn của Nhật Huy và nhận ra có cách xử lý. Đó là dùng nước mắm cốt truyền thống, có độ đạm cao, để cô đặc bằng nhiệt độ cao, biến thành một thứ bột mắm. Sau vài lần thử nghiệm, nhóm Nhật Huy đã tạo được loại bột độc đáo này. Thế là, những ly café Mắm xuất hiện, bằng cách pha café với lớp kem mặn và rắc bột mắm lên trên. Khi khuấy đều, ly café bỗng đậm đà hơn bởi có độ mặn của bột mắm và kem, hòa với vị đắng café.

Bột mắm làm từ nước mắm truyền thống cô đặc

Theo anh Phú, gần một năm qua, nhóm chế tác café Mắm đã tiến hành những thử nghiệm với thị trường, đã đưa sản phẩm đến với một số người tiêu dùng ở Đà Nẵng và cả du khách. Hồi đáp của mọi người thử dùng là đánh giá tốt về sản phẩm, ghi nhận tính sáng tạo độc đáo, nhưng vẫn đòi hỏi cần có thời gian thẩm thấu tốt hơn nữa mới được thị trường công nhận. Hiện tại, nhóm sản xuất đang tập trung các bước hoàn thiện sản phẩm, gia công mẫu mã, các thủ tục giấy tờ cần thiết về công bố chất lượng sản phẩm, nhãn hàng… để sớm đưa sản phẩm café này ra thị trường. Theo tính toán của nhóm, có thể từ dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn này, Café Mắm sẽ được đưa ra thị trường, quảng bá với người tiêu dùng ở Đà Nẵng và khu vực.

Theo bạn trẻ Nhật Huy, điều hứng thú với bạn, là tính sáng tạo dựa trên những yếu tố truyền thống và đặc tính sản phẩm, đã giúp làm ra một công thức café mới, có thể phục vụ cộng đồng ở một góc nhìn mới. Huy hy vọng Café Mắm sẽ là một sản phẩm đặc trưng, độc đáo, lan tỏa từ chính làng nghề truyền thống mấy trăm năm, chắc chắn sẽ thu hút, hấp dẫn người tiêu dùng. Với Bùi Thanh Phú, ý tưởng café Mắm còn có giá trị truyền thống đổi mới, hiện đại hóa sản phẩm làng nghề truyền thống, một bước đi, cách tân rất hay trong bối cảnh hiện nay. Gắn kết với Café Mắm, người dân Nam Ô còn có thể lồng ghép những câu chuyện về lịch sử văn hóa Đông Tây, những giao thoa thời cuộc từ lịch sử quá khứ đến hôm nay… “Mình mong, tất cả sẽ là câu chuyện hấp dẫn phía sau một ly café, một không gian tâm tưởng và sáng tạo không ngừng của mọi người”. Anh Phú bày tỏ như vậy.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác