Đắk Lắk xử lý đất nông lâm trường cần hài hoà lợi ích người dân, doanh nghiệp
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Đắk Lắk đã nêu 18 vấn đề liên quan đến khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường. Trong đó, vướng mắc nhiều nhất là quản lý đất đai có nguồn gốc nông lâm trường. Tỉnh Đắk Lắk hiện có 44 công ty nông, lâm nghiệp sử dụng gần 250.000ha. Thực hiện quy định về sắp xếp, đổi mới có 37 công ty được giữ lại, 7 công ty phải giải thể. Tổng diện tích nông, lâm trường phải bàn giao về cho địa phương quản lý gần 162.000ha.
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, hệ thống cơ sở dữ liệu về lâm nghiệp chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ với cơ sở dữ liệu về đất đai. Phần lớn diện tích đất có nguồn gốc nông lâm trường giao trả về địa phương hiện vẫn do UBND cấp xã quản lý, chưa có chủ quản lý thực sự, nhiều diện tích bị xâm canh, lấn chiếm. Từ đó, gây khó khăn cho địa phương trong việc đưa đất đai vào sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch. UBND tỉnh Đắk Lắk đã lập phương án tổng thể quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc lâm nghiệp báo cáo Bộ TN&MT và các cơ quan trung ương nhưng đến nay vẫn chưa được xem xét, chỉ đạo.
Trong khi đó, việc quản lý, sử dụng đất tại các nông lâm trường sau khi sắp xếp đổi mới chưa hiệu quả, phát sinh nhiều mâu thuẫn.
Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk nêu thực tế: “Tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, xung đột về đất đai tại các dự án nông lâm nghiệp và các công ty nông lâm nghiệp trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp. Việc xử lý tình trạng tranh chấp, khiếu kiện đất đai và thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm gặp nhiều khó khăn, chưa có giải pháp căn cơ để giải quyết dứt điểm”.
Cùng với khó khăn, vướng mắc liên quan đến quản lý đất đai nông lâm trường, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã nêu nhiều vấn đề cần được Bộ TN&MT cùng các cơ quan trung ương xem xét, giải quyết. Điển hình là khi Luật Đất đai 2024 chưa có hiệu lực thi hành, việc áp dụng các quy định Luật Đất đai 2013 và các văn bản dưới luật còn một số bất cập, mâu thuẫn, cần được xem xét, hướng dẫn, giải quyết. Chỉ tiêu sử dụng đất của Đắk Lắk đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phân bổ tại Quyết định 326 năm 2022 chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn về trình tự thủ tục cấp phép hoạt động khoáng sản còn phức tạp, kéo dài, chưa phù hợp với nhiều loại hình khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, đặc biệt là khai thác đất san lấp…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh cho biết, đoàn công tác của bộ làm việc với các tỉnh nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho địa phương. Đồng thời, Bộ cũng lấy ý kiến từ các địa phương để sớm xây dựng, hoàn thiện Nghị định đưa Luật Đất đai 2024 vào đời sống. Đây là bộ luật có ý nghĩa rất lớn với đời sống, xã hội. Trong đó, Bộ trưởng lưu ý tỉnh Đắk Lắk cần chủ động, tích cực triển khai sớm xây dựng bảng giá đất, cơ sở dữ liệu đất đa để khi Luật có hiệu lực thì áp dụng được ngay. Đồng thời, tỉnh phải chú ý đến giải quyết các tồn đọng mà Sở TN&MT có thể làm được ngay đó là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân ở ổn định, không tranh chấp, không vi phạm pháp luật.
Riêng đối với vấn đề nóng nhất là đất đai nông lâm trường, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh yêu cầu tỉnh Đắk Lắk phải rà soát toàn bộ và phân loại để khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thì có thể xử lý được cơ bản nhiều diện tích. Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh việc hài hoà lợi ích của người dân và doanh nghiệp trong vấn đề đất đai nông lâm trường.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói: “Đề nghị UBND tỉnh, Thường trực Tỉnh uỷ chỉ đạo rà soát toàn bộ đất đai nông lâm trường. Hồi xưa còn đưa đất của dân vào lâm trường, bây giờ cổ phần hoá thì dân với lâm trường, công ty tranh chấp với nhau. Bởi vì, khi cổ phần hoá, khi làm phương án chuyển đổi đất không kỹ, không có đo vẽ, không có diện tích, mênh mông rồi bắt đầu xâm lấn nhau. Tôi đề nghị rà và phân loại. Công nhân thì cũng là nhân dân mình, người ta ở đấy mấy chục năm rồi, tại sao lại phải khó khăn. Chúng ta phải hài hoà lợi ích của nhân dân, của doanh nghiệp và lịch sử. Luật có hiệu lực, đất của nông lâm trường nhưng dân đã ở ổn định từ 2004, cả đất sản xuất, cả đất ở cấp cho dân. Còn diện tích đang tranh chấp thì phải phân tích lại xem quá khứ nó là cái gì. Cái gì được theo luật các đồng chí làm trước”.
Bộ trưởng Bộ TN&MT cũng đề nghị tỉnh Đắk Lắk tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, tài nguyên nước, xử lý rác thải, chất thải; nhân sự cho ngành tài nguyên môi trường khi tới đây sẽ phân cấp đến 70% công việc từ cấp bộ về cho tỉnh. Bộ trưởng cũng yêu cầu tỉnh Đắk Lắk đặc biệt chú ý đến công tác phòng chống cháy rừng trong mùa khô này, khi có những dấu hiệu cho thấy thời tiết mùa khô năm nay rất cực đoan.
Theo VOV