Đảm bảo giá trị để ngành hồ tiêu Việt Nam phát triển bền vững
Tỉnh Đắk Lắk hiện có gần 30.950ha trồng hồ tiêu. Nông dân trên địa bàn tỉnh đang vào vụ thu hoạch hồ tiêu mới với nhiều kỳ vọng về giá hồ tiêu sẽ tăng.
Năm nay, năng suất hồ tiêu tăng song người nông dân tỉnh Đắk Lắk vẫn đang bộn bề nỗi lo khi gái vật tư đầu vào cao, giá nhân công cao dẫn đến lợi nhuận thấp.
Lãi không đáng kể
Gia đình ông Nguyễn Văn Tú (thôn 3, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) trồng hơn 6.000m2 hồ tiêu, cần khoảng 150 nhân công thu hái với giá 230.000 đồng/người/ngày.
Sản lượng năm nay, gia đình ông thu được khoảng 3 tấn tiêu, cao hơn vụ thu hoạch hồ tiêu năm 2022 khoảng 1 tấn nhờ thời tiết thuận lợi, mưa đều hơn.
Tuy nhiên, theo ông Tú, vào đầu vụ thu hoạch hồ tiêu năm 2022, giá hồ tiêu cao (bình quân trên 80.000 đồng/kg), giá hồ tiêu đầu vụ thu hoạch năm 2023 đến nay dao động từ 58.000-67.000 đồng/kg.
Với giá tiêu như hiện nay cùng với giá vật tư đầu vào cao, người nông dân chưa trông đợi nhiều vào lãi.
Còn gia đình chị Nguyễn Thị Thủy (thôn 3, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) trồng 8.000m2 hồ tiêu với 800 trụ, thu được hơn 2 tấn, cao hơn năm 2022 khoảng 5 tạ tiêu.
Chị Thủy cho biết năm nay, hồ tiêu ra trái nhiều hơn, năng suất khả quan, gia đình đang tập trung nhân công thu hái.
Chị Thủy hy vọng giá tiêu sẽ tiếp tục tăng để nông dân có lợi nhuận, tái đầu tư cho vụ sau.
Tính toán bài toán lãi lỗ trong vụ thu hoạch hồ tiêu, ông Nguyễn Ngọc Ánh (thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk) cho biết trung bình, giá chi phí sản xuất, chăm sóc, nhân công thu hái khoảng 140 triệu đồng/ha hồ tiêu.
Với giá bán 62.000 đồng/kg, năng suất đạt 3 tấn/ha thì người nông dân lãi khoảng 40 triệu đồng.
Do đó, với giá vật tư nông nghiệp tăng cao trong thời gian qua, giá công lao động ngày càng cao và khan hiếm thì người nông dân kỳ vọng giá hồ tiêu bán ra được từ 90.000 đồng/kg trở lên.
Hiện nay, để tiết giảm chi phí đầu tư, người nông dân trồng hồ tiêu huy động nguồn nhân công trong gia đình thu hái hoặc hái đổi công trong xóm, trong vùng.
Ngoài ra, nông dân trồng xen canh cây hồ tiêu với cây càphê, cây sầu riêng, cây bơ... để tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích sản xuất.
Tuy nhiên, để phát triển hồ tiêu bền vững, ngoài kỳ vọng về giá, nông dân tỉnh Đắk Lắk kiến nghị, các cấp, các ngành tăng cường quản lý, kiểm soát thị trường phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, có giải pháp ổn định về giá các loại mặt hàng này nhằm giúp nông dân có nguồn thu ổn định, yên tâm sản xuất.
Để đảm bảo chất lượng hạt tiêu sau thu hoạch, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, các địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện khuyến cáo người dân thu hái khi tỷ lệ quả chín đạt trên 95%, không thu hoạch hồ tiêu xanh.
Đồng thời, người dân khi phơi, sấy hạt tiêu sau thu hoạch phải chú trọng bảo chất lượng xuất khẩu và tập trung chăm sóc vườn cây hồ tiêu sau thu hoạch để chuẩn bị cho vụ mới.
Phát triển hồ tiêu bền vững
Những năm qua, mặc dù giá hồ tiêu giảm mạnh, đặc biệt là giai đoạn 2016-2020, tuy nhiên người dân một số địa phương ở Đắk Lắk vẫn xác định hồ tiêu là cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình và nỗ lực duy trì diện tích trồng hồ tiêu.
Người dân ưu tiên sử dụng các loại phân hữu cơ kết hợp với các chế phẩm sinh học để chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại.
Bên cạnh đó, người dân Đắk Lắk có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, cần cù, chịu khó và ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật vào sản xuất hồ tiêu.
Tuy nhiên, trong sản xuất hồ tiêu trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: quy mô sản xuất hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún, trình dộ canh tác chưa cao; việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt còn ít.
Hình thức tổ chức sản xuất hồ tiêu chủ yếu là kinh tế hộ, thiếu các tổ chức kinh tế đủ năng lực dẫn dắt nông dân tham gia vào các chuỗi giá trị.
Cùng với đó, giá vật tư nông nghiệp, giá xăng dầu tăng cao, trong khi giá hồ tiêu có xu hướng giảm đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của ngành hồ tiêu.
Ông Nguyễn An Thạnh, Phó Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Vạn Xuân, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, cho biết sản xuất hồ tiêu bền vững, nâng cao chất lượng là trăn trở của hợp tác xã.
Người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi cao ở chất lượng sản phẩm. Do đó, người trồng hồ tiêu phải thay đổi quan điểm chăm sóc vườn tiêu, lấy hữu cơ làm trọng.
Hợp tác xã đang tiên phong, định hướng xây dựng vườn cây hồ tiêu bền vững, chất lượng, có thương hiệu và mong muốn liên kết với các doanh nghiệp, những người có tâm huyết, có kiến thức để xây dựng vùng hồ tiêu trọng điểm, chất lượng, là tiền đề để phát triển bền vững.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, để phát triển hồ tiêu bền vững, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng chuyên canh về hồ tiêu.
Các tiến bộ khoa học kỹ thuật như: sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, sử dụng phân bón hợp lý dần được áp dụng, từng bước đưa sản xuất hồ tiêu theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.
Ông Nguyễn Cảnh Danh, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk), cho biết Cư Kuin là vùng trọng điểm hồ tiêu của cả tỉnh.
Trong thời gian tới, huyện Cư Kuin tiếp tục tổ chức các mô hình sản xuất hồ tiêu theo hướng nâng cao chất lượng gắn với phát triển bền vững; đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ hiện đại vào quá trình sản xuất hồ tiêu xuất khẩu; tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cũng như tiếp tục hỗ trợ xúc tiến đầu tư thương mại đối với sản phẩm hồ tiêu xuất khẩu.
Đồng thời, huyện Cư Kuin kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành tăng cường triển khai các chương trình khoa học công nghệ, chương trình hỗ trợ liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, có chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào ngành hàng hồ tiêu.
Theo bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, ngành hàng hồ tiêu đã đồng hành với bà con nông dân từ những năm 1990, nở rộ từ những năm 2000.
Kỹ thuật canh tác và trồng trọt cây hồ tiêu của nông dân đã rất tốt.
Tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai đang triển khai dự án "Thúc đẩy sản xuất và thương mại bền vững hồ tiêu Việt Nam" giai đoạn 2021-2023 nhằm góp phần nâng cao năng lực trong chuỗi cung ứng hồ tiêu để đáp ứng các yêu cầu của thị trường châu Âu và Hoa Kỳ.
Các địa phương cần mở rộng chuỗi tham gia, tạo điều kiện cho nông dân tham gia dự án ngày càng đông và định hướng cho bà con sản xuất sản phẩm phù hợp với tiêu chí của các thị trường xuất khẩu.
Nông dân cần được cung cấp kiến thức mới để sản xuất tuân thủ tiêu chí của thị trường và doanh nghiệp phải hỗ trợ, đồng hành cùng nông dân.
Nói cách khác, để đảm bảo giá trị ngành hàng hồ tiêu và phát triển bền vững, luôn luôn cần sự hợp tác chặt chẽ giữa người xuất khẩu, nhà chế biến với người sản xuất./.
Theo Vietnamplus