Góc nhìn

Đạo đức trong hoạt động sản xuất nông nghiệp

(Tapchinongthonmoi.vn) - Hoạt động nghề nghiệp là phương thức sống chủ yếu nhất của con người. Muốn hoạt động nghề nghiệp đạt hiệu quả cao con người cần tuân thủ các chuẩn mực của đạo đức nghề nghiệp. Thông qua các khái niệm đạo đức nghề nghiệp, đạo đức nghề nông, bài viết làm rõ vai trò của đạo đức trong hoạt động sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Nuôi tôm an toàn sinh học, năng suất, sản lượng tăng, giúp nông dân tỉnh Cà Mau nâng cao thu nhập. Ảnh: Thanh Cường.

Đạo đức nghề nghiệp là yếu tố cơ bản giúp người làm việc có nhận thức, thái độ và hành vi đúng đắn trong nghề nghiệp để hoàn thành nhiệm vụ của mình theo những tiêu chí mà xã hội đặt ra. Nhờ thực hiện tốt và tuân theo những yêu cầu của đạo đức nghề nghiệp mà chất lượng của quá trình lao động được tăng cường, sản phẩm của lao động đáp ứng được những đòi hỏi của người tiêu dùng và xã hội. Ngược lại, khi những nguyên tắc, chuẩn mực của yêu cầu đạo đức nghề nghiệp không được thực hiện hoặc thực hiện không đúng thì chúng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng và hiệu quả của hoạt động nghề nghiệp đó. Vì thế, đạo đức nghề nghiệp giữ vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao sự tín nhiệm của mọi người vào nghề nghiệp, là phương thức nhằm củng cố lòng tin của người dân vào các ngành nghề, các sản phẩm hàng hóa dịch vụ được cung cấp. 

Giá trị đạo đức nhằm đảm bảo cho các hoạt động nghề nghiệp có chất lượng, hiệu quả

Đạo đức nghề nghiệp là một bộ phận cấu thành khái niệm đạo đức, đó là những chuẩn mực đạo đức đặc trưng thể hiện trong hoạt động nghề nghiệp cụ thể. Do những đặc điểm của hoạt động nghề nghiệp đòi hỏi mối quan hệ giữa con người với con người phải có những giá trị đạo đức nhằm đảm bảo cho các hoạt động nghề nghiệp có chất lượng, hiệu quả. Thông qua hoạt động nghề nghiệp, người lao động thỏa mãn nhu cầu được lao động, tạo ra của cải vật chất, giá trị tinh thần đáp ứng nhu cầu cần thiết cho cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội. Như vậy, đạo đức nghề nghiệp là hệ thống những quan điểm, quy tắc và chuẩn mực hành vi phản ánh những yêu cầu của xã hội, có tính đặc trưng của nghề nghiệp đòi hỏi mỗi người phải có nhận thức, thái độ, hành vi đúng đắn nhằm ngày càng hoàn thiện bản thân trong quá trình hoạt động nghề nghiệp. 

Nông nghiệp là ngành sản xuất vật chất cơ bản của xã hội, sử dụng đất đai để trồng trọt và chăn nuôi, khai thác cây trồng, vật nuôi làm tư liệu, nguyên liệu lao động chủ yếu để tạo ra lương thực, thực phẩm và một số nguyên liệu cho công nghiệp. Nông nghiệp là một ngành sản xuất lớn, bao gồm nhiều chuyên ngành: Trồng trọt, chăn nuôi, sơ chế nông sản, theo nghĩa rộng thì nông nghiệp bao gồm cả ngành lâm nghiệp và ngành thủy sản. Đạo đức nghề nông là hệ thống những quan điểm, quy tắc và chuẩn mực hành vi phù hợp với đặc trưng của lĩnh vực nông nghiệp và yêu cầu của xã hội, là động lực phát triển năng lực nghề nghiệp của người lao động và làm tăng năng suất lao động, uy tín của nghề nông nghiệp trong xã hội.

Tầm quan trọng của đạo đức trong sản xuất nông nghiệp

Nông nghiệp là ngành kinh tế chủ yếu, là cơ sở của việc cải thiện đời sống, bảo đảm lương thực cho nhân dân, phát triển và phồn thịnh kinh tế, mở rộng giao lưu hàng hóa. Chỉ có khôi phục và phát triển sản xuất nông nghiệp, giải quyết được vấn đề lương thực mới có điều kiện phát triển thủ công nghiệp và công nghiệp, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội và ổn định chính trị vì “nông nghiệp là nguồn cung cấp lương thực và nguyên liệu, đồng thời là một nguồn xuất khẩu quan trọng, nông thôn là thị trường tiêu thụ to nhất hiện nay, cho nên cần phải cải tạo và phát triển nông nghiệp thì mới có cơ sở để phát triển các ngành kinh tế khác”(1). Điều đó cho thấy, nông nghiệp đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống con người và nền kinh tế quốc dân. 

Tuy nhiên, những tác động của quá trình mở cửa, hội nhập, giao lưu quốc tế, của nền kinh tế thị trường, của khoa học - công nghệ, của đồng tiền, danh vị và lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm đang tạo ra những hệ lụy, làm tổn hại và suy thoái đạo đức ở nhiều ngành nghề, trong đó có nghề nông đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của xã hội. Điều đó đòi hỏi phải nhìn nhận lại, xem xét lại và đánh giá lại vai trò thực sự của đạo đức trong sản xuất nông nghiệp và đặt nó xứng đáng với vị trí và tầm quan trọng vốn có của nó. Chỉ khi nào đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động sản xuất nông nghiệp được coi trọng, được thực hiện nghiêm túc thì khi đó nông nghiệp mới có cơ hội phát triển mạnh mẽ, mới khẳng định được mình và đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Và cũng chỉ khi nào đạo đức nghề nông được bản thân người lao động coi trọng và tuân thủ thì lao động của họ mới thực sự vinh quang và đạt được thành công theo đúng nghĩa của nó. Vậy, câu hỏi đặt ra là, đạo đức có vai trò như thế nào trong hoạt động sản xuất nông nghiệp?

Trước hết, đạo đức nghề nông là yếu tố cơ bản giúp người nông dân có nhận thức, thái độ và hành vi đúng đắn trong hoạt động sản xuất nông nghiệp để hoàn thành nhiệm vụ của mình theo những tiêu chí mà xã hội đặt ra. 

Hoạt động sản xuất nông nghiệp là những tác động của con người lên các đối tượng tự nhiên (cây trồng, đất đai...) để tạo ra các sản phẩm (nông sản) nhằm thỏa mãn các nhu cầu của mình. Những tác động đó nếu phù hợp với các quy luật khách quan sẽ thúc đẩy sự phát triển và tạo ra nhiều sản phẩm có ích cho con người, nhưng ngược lại, sẽ gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng. Chính vì thế, trong quá trình sản xuất nông nghiệp cần có sự tôn trọng các qui luật tự nhiên, qui luật sinh học. Tuy nhiên, vấn đề khai thác thiên nhiên một cách quá mức đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội và đặc biệt là trong ngành Nông nghiệp thì hiện tượng này càng diễn ra phổ biến. Chẳng hạn như việc canh tác, trồng trọt diễn ra quanh năm suốt tháng dẫn đến nguồn dinh dưỡng trong đất bị cạn kiệt; con người thường xuyên sử dụng các loại phân bón hóa học làm cho tính chất đất bị biến đổi nghiêm trọng, tình trạng đất bạc màu diễn ra ngày càng nhanh; con người khai thác thiên nhiên bừa bãi như đốt rừng làm nương rẫy làm đất bị sói mòn, bón nhiều phân hóa học làm đất bị bạc màu, canh tác tối đa làm cho đất mất đi những dưỡng chất cần thiết. Việc sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu, các loại thuốc diệt cỏ, diệt côn trùng đã làm cho môi trường không khí, nước, đất bị ô nhiễm ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của con người và làm thay đổi hệ sinh vật tự nhiên. Trong chăn nuôi thì vấn nạn sử dụng thuốc tăng trọng, hóa chất cho vật nuôi, thủy, hải sản vẫn tồn tại và tồn tại ngày càng nhiều. Đây là một trong những tác nhân ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng và ảnh hưởng lâu dài đến môi trường sống, không gian sinh tồn của người Việt. Nếu người nông dân, người lao động ý thức được những tổn hại do mình gây ra cho xã hội, nhận thức được những việc làm đó là vi phạm pháp luật, là một tội ác, phi đạo đức, ích kỷ hại nhân, trái với luân thường đạo lý, với truyền thống nhân ái của dân tộc… thì họ đã không vì những cái lợi trước mắt mà làm tổn hại sức khỏe của người tiêu dùng, tạo gánh nặng về chi phí y tế cho xã hội, làm giảm năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế.

Trồng rau, củ, quả hữu cơ, nông dân xã Nghĩa Hà (TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) không chỉ bán được giá cao mà còn làm được du lịch nông nghiệp. Ảnh: Đồng Xuân.

Trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, đạo đức góp phần nâng cao chất lượng lao động sản xuất, tăng năng suất chất lượng của công việc, là phương thức nhằm củng cố lòng tin của người dân vào các sản phẩm hàng hóa dịch vụ được cung cấp. Muốn làm được điều này thì người lao động trong ngành Nông nghiệp (kỹ sư và nông dân) phải có lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp. Lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp trong sản xuất nông nghiệp được thể hiện ở chỗ người tham gia lao động phải hiểu được sản xuất nông nghiệp (bao gồm cả canh tác, chế biến, bảo quản, phân phối) là nhằm mục đích duy trì sức khỏe của hệ sinh thái và con người; ý thức được công việc của mình là tạo ra những giống cây trồng, vật nuôi có ích cho cuộc sống con người và đồng thời phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường, cân bằng hệ sinh thái trong tự nhiên nhằm phục vụ nhu cầu của con người một cách an toàn, đảm bảo sức khỏe và đảm bảo sự phát triển giống nòi. Làm được điều đó sẽ góp phần củng cố niềm tin của người tiêu dùng đối với các mặt hàng nông sản, góp phần tăng năng suất lao động và phát triển kinh tế xã hội.

Đạo đức là động lực bên trong điều chỉnh sự hoàn thiện và tự hoàn thiện hành vi ứng xử, giao tiếp của người lao động. Vì thế, nếu người nông dân có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, có lòng dũng cảm, sự tự tin vào bản thân để đối chọi với những thử thách trong công việc thì họ sẽ thành công. Bởi lẽ, ngành trồng trọt là ngành phụ thuộc vào tự nhiên rất nhiều, có thể có những thiên tai dẫn đến những khó khăn, thất bại trong công việc.

Hơn nữa, thiên nhiên là tư liệu sản xuất vô cùng quan trọng đối với ngành Nông nghiệp nói chung và đặc biệt là đối với ngành trồng trọt. Vậy, người lao động trong quá trình sản xuất phải luôn ý thức việc bảo vệ thiên nhiên. Khi khai thác thiên nhiên bao nhiêu thì phải khôi phục, cải tạo lại thiên nhiên bấy nhiêu. Phải duy trì và cải tạo được tự nhiên và hệ sinh thái, tránh việc khai thác quá mức và gây ô nhiễm cho các nguồn lực tự nhiên, giảm thiểu việc sử dụng nguồn lực không thể tái sinh, sản xuất lương thực có dinh dưỡng, chất lượng cao, không độc hại; đảm bảo duy trì và gia tăng độ màu mỡ lâu dài của đất, củng cố các chu kỳ sinh học trong nông trại, đặc biệt là các chu trình dinh dưỡng; đa dạng các vụ mùa và loại vật nuôi phù hợp với điều kiện địa phương. Ngoài ra, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp cần có tinh thần hợp tác để xây dựng và phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, góp phần đẩy mạnh sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt và tương đương, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; tăng cường chế biến để đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc rõ ràng. 

Như vậy, đạo đức nghề nghiệp là nhân tố cơ bản có vai trò quyết định nhất đến sự thành công trong hoạt động nghề nghiệp của mỗi con người vì sự phát triển và tiến bộ của nhân loại. Đánh mất đạo đức nghề nghiệp là con người đã đánh mất giá trị tồn tại đích thực của bản thân mình bởi vì chỉ có thông qua hoạt động nghề nghiệp con người mới khẳng định được vị trí và vai trò của mình trong xã hội, mới góp phần vào việc “Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài”

và tiến tới xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc để đưa “nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(3)

Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.413.
Ban Chấp hành TW Đảng, Nghị quyết số 26-NQ/TW, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngày 5 tháng 8 năm 2008.
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.36.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác