Đào tạo khóa giảng viên nguồn (TOT) - “Người gìn giữ tương lai xanh”
Để công tác bảo vệ môi trường tốt hơn trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức khóa tập huấn đào tạo Giảng viên nguồn (TOT) về xử lý rác thải hữu cơ, thân thiện với môi trường. Chương trình diễn ra trong 3 ngày (từ 19/9 đến 21/9), tại TP Vinh. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động của Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” do Tổ chức ủng hộ các giải pháp khu vực vì cộng đồng và hệ sinh thái (quỹ BRACE) tài trợ, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam là cơ quan chủ quản, được triển khai thực hiện trong 4 năm (2021 – 2024) tại 15 tỉnh thành trên cả nước.
Tham gia khóa tập huấn đào tạo giảng viên nguồn có 35 đại biểu cấp tỉnh, cấp huyện và 11 xã thuộc vùng dự án, gồm: Hoà Sơn, Tân Sơn, Xuân Sơn, Thịnh Sơn, huyện Đô Lương; Thượng Tân Lộc, Kim Liên, Xuân Lâm và thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn; Nghĩa Tiến, Đông Hiếu, Tây Hiếu, thị xã Thái Hoà; các đại biểu đã được các giảng viên cao cấp, chuyên gia hàng đầu, có trình độ chuyên môn, kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trực tiếp đào tạo, tâp huấn.
Chương trình có 4 nội dung trọng tâm, bao gồm: Tổng quan phân loại và xử lý rác thải hữu cơ; kỹ thuật lên men phụ phẩm cây trồng làm thức ăn chăn nuôi; kỹ thuật nuôi gà trên nền đệm lót sinh học dày; kỹ thuật xử lý rơm rạ trực tiếp trên đồng ruộng. Tất cả những nội dung này đều hướng đến chu trình sản xuất tuần hoàn nhằm bảo vệ môi trường một cách thân thiện nhất và hạn chế tối đa những tác động của con người lên hệ sinh thái tự nhiên.
Mục tiêu của khóa đào tạo giảng viên nguồn (TOT) là nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội về kỹ năng truyền đạt các kiến thức về xử lý rác thải hữu cơ thân thiện với môi trường, sau khóa đào tạo này các học viên sẽ trở thành những giảng viên trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn các kỹ thuật của dự án và khuyến khích hội viên nông dân áp dụng. Góp phần nâng cao nhận thức cho hội viên nông dân về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Qua đó, từng bước giải quyết một cách cơ bản việc lãng phí thức ăn dư thừa, chất thải chăn nuôi trong trang trại, giảm thiểu lượng rác thải gây ô nhiễm môi trường.
Từ chương trình đào tạo tập huấn này sẽ tiến đến xây dựng và nhân rộng các mô hình chuyển đổi chất thải thành nguồn thức ăn dinh dưỡng phục vụ chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, giảm chi phí, tăng năng suất, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho hội viên nông dân và nâng cao được sức khỏe cộng đồng.
- Hội Nông dân huyện Diễn Châu đã chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền, xây dựng Hội, xây dựng mô hình, điển hình
- Đoàn công tác Trung ương Hội NDVN thăm và làm việc tại tỉnh Đồng Tháp
- Tuyên truyền pháp luật đến nông dân được duy trì thường xuyên, ổn định
- Đoàn công tác Trung ương Hội NDVN làm việc với Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang