Thảo luận

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn - “chìa khóa” để phát triển bền vững

(Tapchinongthonmoi.vn) - Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và là lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững... Hình thành thói quen tự đào tạo, tự nâng cao kiến thức cho mình là một trong những điều kiện then chốt giúp lao động nông thôn tăng năng suất, thu nhập và phát triển bền vững…
Hướng dẫn thực hành kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả cho nông dân ở  xã Tả Văn Chư (Bắc Hà, Lào Cai). Ảnh: H.C

Huy động được sự vào cuộc của các cấp, các ngành

Hơn 10 năm qua, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, hàng chục triệu nông dân đã được tham gia các khóa học nghề, phần lớn trong số đó có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất, thu nhập cao hơn. Có thể khẳng định, đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã huy động được sự vào cuộc của các cấp các ngành, chất lượng, hiệu quả về đào tạo nghề cho lao động nông thôn được cải thiện đáng kể, cả nước có gần 15 triệu lao động nông thôn được học nghề, trong đó hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho 7,57 triệu người; đặt hàng dạy nghề trình độ cao đẳng, trung cấp cho 10.534 người thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế…; có hơn 86,5% lao động nông thôn có việc làm sau học nghề; tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng và đào tạo nâng cao trình độ cho 549.874 lượt cán bộ, công chức xã… 

Đặc biệt, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã mang lại nhiều kết quả, hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo chuyển biến tích cực về việc làm, thu nhập khu vực nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Chính phủ đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, xây dựng Đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, trong đó, tập trung các giải pháp đột phá, khai thác các nguồn vốn văn hóa ở các vùng miền, tạo động lực để người dân khơi dậy các giá trị văn hóa bản địa, phát triển du lịch sinh thái, từ đó nâng cao đời sống vật chất của người dân và đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nội dung đổi mới của Đề án tập trung vào các vấn đề, trong đó chú trọng đến việc đổi mới trong công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh, khởi nghiệp cho lao động nông thôn; Đổi mới phát triển chương trình, giáo trình, học liệu; Đổi mới trong việc tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn cơ chế chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Theo đó, cần hình thành một thói quen, người lao động tự đào tạo, tự nâng cao kiến thức cho mình; Đổi mới về cơ chế chính sách khuyến khích, huy động doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn; gắn kết đào tạo nghề cho lao động nông thôn với việc làm, doanh nghiệp và thị trường lao động; Nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác quản lý về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đồng thời nâng cao chất lượng và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực và các điều kiện đảm bảo cho hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn…

Tại hội nghị giao ban về Đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên vừa qua, ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo nghề Thường xuyên - Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng: “Đổi mới đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng nào luôn là câu hỏi khó, nhưng có thể tư duy thực hiện đổi mới theo hướng: Trước tiên có thể hình thành thói quen tự đào tạo, tự nâng cao kiến thức cho mình, đây là điều kiện then chốt giúp lao động nông thôn tiếp cận với những phương pháp mới, tạo ra năng suất cao hơn để nâng cao thu nhập. Tiếp đó, đổi mới trong công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, định hướng cho nông dân và đối với từng vùng thì cách làm cần khác nhau. Phải phân loại, đối với với nông dân trình độ thấp, trình độ chưa tương xứng thì cầm tay chỉ việc. Đổi mới chương trình, giáo trình đào tạo để gắn với sinh kế lao động, tạo việc làm tại chỗ cho người lao động nâng cao thu nhập cho người dân… Trong các chương trình Mục tiêu quốc gia, đã bố trí rất nhiều nguồn kinh phí cho đào tạo nghề, nhưng khi về địa phương lại bố trí lồng ghép vào những công việc khác, nên hiệu quả chưa cao. Thời gian tới cần tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm tăng hiệu quả nguồn vốn dành cho đào tạo nghề… Đặc biệt, việc phân vai, phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các bộ, ban, ngành, trong đó toàn bộ lĩnh vực đào tạo nghề nông nghiệp là trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Chủ tịch UBND tỉnh, lĩnh vực phi nông nghiệp là trách nhiệm thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và luôn phải coi đào tạo nghề là bước đột phá trong xây dựng cơ cấu nông thôn…” 

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn một số hạn chế do hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, chưa thường xuyên, kịp thời; ngành nghề đào tạo chưa đa dạng, chưa phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ ở mỗi địa phương; chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà” để sau khi đào tạo người lao động có thể áp dụng ngay vào lao động sản xuất; cơ chế, chính sách bảo đảm cho quá trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, chất lượng đào tạo nghề chưa cao… 

Trình diễn máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân tham quan học hỏi ở Tây Ninh. Ảnh: Tấn Hùng

Tiếp tục nhận thức đúng về vị trí, vai trò của đào tạo nghề cho LĐNT

Với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phải gắn liền với sự phát triển khu vực nông thôn và nâng cao trình độ của người nông dân. Trong thời gian tới, cần tiếp tục nhận thức đúng về vị trí, vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt quan tâm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, phát huy sức mạnh, vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Giải quyết các vấn đề về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững và các vấn đề an sinh xã hội ở nông thôn là cơ sở quyết định việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng giai cấp nông dân xứng tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới.  Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP ngành Nông nghiệp phấn đấu đạt bình quân khoảng 3%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân từ 5,5-6%/năm; thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 phấn đấu tăng gấp 2,5-3 lần so với năm 2020. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng số lao động xã hội dưới 20%; bình quân hằng năm đào tạo nghề cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn… 

Riêng năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó khẳng định: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái. Nông nghiệp là lợi thế, nền tảng bền vững của quốc gia.

Nông thôn là địa bàn phát triển kinh tế quan trọng, là không gian chính gắn với tài nguyên thiên nhiên, nền tảng văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước. Nông dân là lực lượng lao động và nguồn tài nguyên con người quan trọng. Phát triển nông nghiệp trên quan điểm hiệu quả, bền vững về kinh tế - xã hội - môi trường; xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại; phát triển môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Cư dân nông thôn là chủ thể, trung tâm và được hưởng lợi chính từ thành quả của các hoạt động phát triển nông thôn. Các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước…”
Nông thôn Việt Nam đang có sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.

Nhờ vào những kĩ thuật tiên tiến, các công nghệ cao, nhiều mô hình làm ăn đã đổi mới và phát triển. Các doanh nghiệp ngày càng đầu tư vào việc sản xuất nông nghiệp, chế biến sản phẩm nông, lâm, hải sản… cũng như kinh doanh các dịch vụ... đáp ứng nhu cầu, thị hiếu, lối sống của lao động nông thôn. Do vậy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần có những định hướng cũng như giải pháp đồng bộ, hướng tới đời sống của bà con nông dân ngày càng ấm no, sung túc hơn và có vị thế xứng đáng, cụ thể là: 

Các cấp có thẩm quyền cần điều chỉnh, xây dựng lại danh mục nghề được đào tạo cho người lao động nông thôn, sắp xếp lại hệ thống cơ sở dạy nghề trên địa bàn nông thôn theo hình thức mở và nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số… 

Các cơ sở dạy nghề cần nhanh chóng sử dụng các công nghệ mới để giới thiệu hướng phát triển nghề ở nông thôn, những nghề mới đang có xu hướng phát triển trên địa bàn đồng thời xây dựng các phương pháp đào tạo mới như đào tạo trực tuyến, đào tạo kết hợp giữa trực tiếp với trực tuyến. 
Các chương trình hướng nghiệp trong trường phổ thông các cấp trên địa bàn nông thôn, cần giúp cho học sinh định hướng nhiều hơn vào các nghề sẽ phát triển ở nông thôn mà vẫn đa dạng được các ngành nghề vốn là thế mạnh của khu vực này.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực, đổi mới đào tạo nghề. Tăng cường ứng dụng thương mại điện tử, góp phần giải quyết căn bản vấn đề tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm và giảm chi phí. 

Đối với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân, nhất là chính sách đào tạo nghề cho lao động khu vực này. 

 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác