Thảo luận

Đẩy mạnh liên kết trong sản xuất nông nghiệp thúc đẩy HTX phát triển

Trần Quốc Dân* - 07:04 07/01/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngành Nông nghiệp hiện nay có yêu cầu ngày càng cao trong việc tăng cường và đẩy mạnh liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Điều đó tạo động lực thúc đẩy phát triển hợp tác xã (HTX) theo hướng hình thành chuỗi giá trị nông sản hàng hóa, trong đó HTX là một tác nhân trong chuỗi, giữ vai trò quy tụ nhiều nông dân để liên kết với các doanh nghiệp lớn.

Vai trò của liên kết trong sản xuất nông nghiệp
Hợp tác, liên kết (sau đây gọi chung là liên kết) được hiểu là cùng chung sức làm việc, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong một công việc hay một lĩnh vực nào đó vì mục đích chung. Tinh thần xuyên suốt của sự liên kết là phải xuất phát từ sự tự nguyện, bình đẳng, giúp đỡ và hỗ trợ qua lại trong công việc vì lợi ích chung. Trong đời sống xã hội, hầu như lĩnh vực nào cũng có sự liên kết và nó thúc đẩy sự phát triển của xã hội, đến lượt mình, xã hội phát triển thúc đẩy liên kết lên tầm cao mới.

Sản xuất rau công nghệ cao của HTX Tuấn Ngọc (TP. HCM) - là 1 trong 63 HTX tiêu biểu toàn quốc năm 2023 do Hội NDVN tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập.
Trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (sau đây gọi chung là sản xuất nông nghiệp) có yêu cầu ngày càng cao việc tăng cường và đẩy mạnh sự liên kết trong nhiều lĩnh vực từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào cho đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Sự liên kết trong sản xuất nông nghiệp là tất yếu bởi nó được quy định từ đặc điểm và yêu cầu của sản xuất nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp được tiến hành trên địa bàn rộng lớn, phức tạp, phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên (đất đai, thời tiết – khí hậu…) nên mang tính khu vực rõ rệt. Đất đai là tư liệu sản xuất chủ yếu không thể thay thế, nhưng ruộng đất bị giới hạn về mặt diện tích, con người không thể tăng thêm theo ý muốn chủ quan. Đối tượng của sản xuất nông nghiệp là cây trồng và vật nuôi - những cơ thể sống. Chúng phát triển theo quy luật sinh học nhất định, nhạy cảm với các yếu tố ngoại cảnh, mọi sự thay đổi về điều kiện thời tiết, khí hậu đều tác động trực tiếp đến sự phát triển của cây trồng, vật nuôi, đến kết quả thu hoạch sản phẩm cuối cùng. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp mang tính thời vụ cao. Điều đó đòi hỏi phải thực hiện nghiêm khắc những khâu công việc ở thời vụ tốt nhất như thời vụ gieo trồng, bón phân, làm cỏ, tưới tiêu… đặt ra yêu cầu phải có giải pháp tổ chức lao động hợp lý, cung ứng vật tư - kỹ thuật kịp thời, trang bị công cụ, máy móc thích hợp. Sản xuất nông nghiệp hiện nay đang chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao tất yếu phải liên kết nhiều nguồn lực, làm theo tiêu chuẩn thì sản phẩm mới có chỗ đứng trên thị trường.
Thực tiễn cho thấy động lực để phát triển nông nghiệp hiện nay gặp những rào cản vô cùng lớn về nguồn lực. Nếu không tập trung được nguồn lực tổ chức liên kết để sản xuất nông nghiệp thì gần như động lực phát triển ngành Nông nghiệp bị triệt tiêu đi rất nhiều. Điển hình là việc được mùa rớt giá, đây chính là hệ quả của sản xuất manh mún và sản xuất nhỏ truyền thống. Nhằm thúc đẩy liên kết trong sản xuất nông nghiệp, ngày 05-7-2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2018/NĐ-CP quy định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Liên kết chính là chìa khóa giúp phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia. Từ thực tiễn trong sản xuất nông nghiệp, liên kết đóng vai trò quan trọng như sau:
Một là, liên kết góp phần thúc đẩy cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, quy mô và trình độ sản xuất được nâng cao; chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa theo hướng gắn với thị trường trong nước và quốc tế; trình độ canh tác, năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất và khả năng cạnh tranh quốc tế của nhiều loại nông sản được nâng cao; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. 
Hai là, liên kết góp phần thúc đẩy thị trường nông nghiệp phát triển bền vững. Bảo đảm nguồn cung nông sản thiết yếu đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước; theo dõi sát sao diễn biến giá cả và cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lưu thông, phân phối, tiêu thụ nông sản; tăng cường công tác giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ, xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu...
Ba là, liên kết góp phần thúc đẩy công tác quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm hàng nông sản; xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản an toàn, áp dụng rộng rãi mô hình VietGAP, phát triển hệ thống phân phối thực phẩm nông sản an toàn; tuyên truyền, hướng dẫn và giúp người tiêu dùng nhận biết được thực phẩm hàng nông sản an toàn và thực phẩm hàng nông sản không an toàn, góp phần củng cố và nâng cao lòng tin của người tiêu dùng. 
Bốn là, liên kết góp phần thúc đẩy cơ giới hóa, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Năm là, liên kết góp phần thúc đẩy xây dựng và phát triển nông thôn mới. Thực tiễn cho thấy quá trình liên kết đã đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn, từ đó tạo tiền đề vật chất để thực hiện thành công xây dựng và phát triển nông thôn mới; thúc đẩy phát triển các ngành, nghề gắn với định hướng phát triển kinh tế nông thôn; chuyển đổi cơ cấu sản xuất kinh doanh, phát triển các sản phẩm chủ lực, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Sáu là, liên kết góp phần thúc đẩy đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, nhất là HTX nông nghiệp, cả về số lượng, chất lượng và từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động. Tính đến hết tháng 12.2022, cả nước có 19.431 HTX nông nghiệp, chiếm khoảng 66,2% tổng số HTX trong các lĩnh vực trên cả nước, thu hút gần 3,8 triệu thành viên tham gia, trong đó chủ yếu là hộ nông dân, bình quân 195 thành viên/HTX nông nghiệp (có trên 31.500 tổ hợp tác nông nghiệp với trên 493.000 thành viên; 92 Liên hiệp HTX nông nghiệp với 532 HTX nông nghiệp thành viên(1). Thông qua quá trình hoạt động, các HTX nông nghiệp từng bước trở thành mắt xích quan trọng trong phát triển quá trình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Ngoài ra, nhiều HTX nông nghiệp đã tham gia cung ứng các dịch vụ ở khu vực nông thôn như: Bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm y tế, du lịch sinh thái, tín dụng nội bộ, quản lý chợ, vệ sinh môi trường, nước sạch và nhiều dịch vụ khác, với mục tiêu đem lại lợi ích tối đa cho thành viên, cộng đồng.
Với vai trò trên, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất nông nghiệp không chỉ giúp ổn định về phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mà còn tạo việc làm, gia tăng thu nhập, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống của người lao động. Phát triển liên kết trong nông nghiệp có ý nghĩa sâu sắc cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và trật tự an ninh.
Đẩy mạnh liên kết và phát triển HTX nông nghiệp - vấn đề đặt ra
Sau hơn 5 năm thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ, nhiều địa phương đã đẩy mạnh xây dựng và phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản. Theo thông tin từ Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 98, đã có 60/63 tỉnh, thành phố ban hành danh mục các sản phẩm, ngành hàng, chủ lực cần ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết; 57/63 tỉnh, thành phố ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn… Quá trình triển khai thực hiện Nghị định 98 cho thấy, việc đẩy mạnh liên kết không chỉ tăng khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân, doanh nghiệp mà còn giúp người tiêu dùng được hưởng lợi từ việc tiếp cận nông sản an toàn với giá cả hợp lý. Các HTX bước đầu thực hiện được vai trò liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tham gia tích cực vào chuỗi giá trị sản phẩm, góp phần chuyển dịch và cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo chủ trương của Đảng, giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội ở nông thôn, nông dân.

Các sản phẩm nông sản của Hội Nông dân thị xã Bình Long (Bình Phước) tại Hội chợ trái cây và hàng nông sản tỉnh lần thứ VI, năm 2023.
Qua tổng hợp từ các địa phương, bên cạnh những ưu điểm nói trên, việc liên kết trong sản xuất nông nghiệp, vai trò đầu mối của HTX trong quá trình thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ còn có những vấn đề sau đây:
Một là, HTX được hưởng 100% chi phí tư vấn liên kết (tối đa là 300 triệu đồng) bao gồm tư vấn nghiên cứu xây dựng hợp đồng liên kết, phương án sản xuất kinh doanh - phát triển thị trường, tư vấn xây dựng dự án liên kết. Tuy nhiên, phần lớn HTX hiện nay rất khó tìm kiếm và hợp tác được với các đơn vị tư vấn, đặc biệt là các đơn vị tư vấn có năng lực. Trong khi đó, việc xây dựng dự án, kế hoạch liên kết, HTX phải tuân thủ theo quy trình kỹ thuật, định mức, vật tư làm cho các HTX gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong xây dựng dự án, kế hoạch, phương thức liên kết… Chính vì vậy, dù Nghị định 98 có chính sách hỗ trợ về tư vấn nhưng nhiều HTX chưa thể tiếp cận.
Hai là, Nghị định 98 còn chưa thống nhất với các chính sách khác mà Nhà nước đã ban hành, gây khó khăn trong quá trình triển khai tại địa phương. Ví dụ: Quyết định số 1804/QĐ-TTg, ngày 13-11-2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021 - 2025 quy định hỗ trợ HTX tối đa 100% về hạ tầng trong liên kết, nhưng tại Điều 8 của Nghị định 98 quy định về hỗ trợ hạ tầng chỉ 30% từ ngân sách Nhà nước; về chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi cũng rất thấp, tối đa chỉ 40%. Trong khi đó, cùng nội dung này tại Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg, ngày 09-01-2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ HTX áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt lại là 100%.
Ba là, theo các HTX, việc chưa thống nhất mức quy định trong cùng một nội dung hỗ trợ khiến các HTX gặp khó khăn khi làm việc với các cơ quan quản lý tại địa phương vì họ cho rằng bị trùng lặp, khó kiểm tra hồ sơ gây kéo dài thời gian nhận hỗ trợ. Bên cạnh đó, mức hỗ trợ của Nghị định 98 được cho là thấp hơn so với các chính sách hỗ trợ khác nên gây tâm lý chán nản cho HTX. Mặt khác, thủ tục hồ sơ để nhận chính sách hỗ trợ của Nghị định 98 rất phức tạp, hợp tác xã tốn rất nhiều công sức, thời gian và sửa hồ sơ nhiều lần nhưng vẫn chưa hoàn thiện.
Bốn là, các đối tượng được quy định tại Điều 2 Nghị định 98 nói chung và HTX nói riêng muốn tiếp cận được chính sách hỗ trợ của Nghị định 98 phải có đủ năng lực tài chính. Thực tế cho thấy, nếu HTX đã bảo đảm năng lực tài chính thì rất ít có nhu cầu tiếp cận chính sách hỗ trợ. Trong khi mức hỗ trợ phần lớn chỉ 30-40%, HTX phải có 60-70% vốn đối ứng thì rất khó thu hút được các hợp tác xã có năng lực. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí của Nghị định 98 hiện chưa được phân bổ hàng năm mà chủ yếu lồng ghép vào các chương trình, dự án khác. Điều này khiến việc tiếp cận nguồn kinh phí hỗ trợ của HTX càng khó khăn hơn.
Năm là, việc hiểu và hỗ trợ HTX tiếp cận Nghị định 98 tại các địa phương chưa được thông suốt nên gây lúng túng trong triển khai; các chính sách như tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, đất đai còn nhiều vướng mắc, chưa đồng bộ nên chưa giúp HTX bảo đảm được các yêu cầu nhận hỗ trợ; các cơ quan quản lý địa phương như Sở NN&PTNT, Liên minh HTX còn chưa thực sự đồng hành với HTX, nhất là trong vai trò hỗ trợ HTX tìm kiếm hoặc liên kết với các đơn vị, đội ngũ tư vấn có đủ năng lực. Mỗi địa phương đã xây dựng được những chuỗi liên kết hợp tác cụ thể, nhưng thực tế các HTX hiện hoạt động đa ngành, mỗi ngành có một đặc trưng riêng và mỗi địa phương lại có điểm khác biệt. Điều đó, làm cho các HTX và các đơn vị tư vấn lúng túng trong xây dựng dự án liên kết. 
Qua phân tích ở trên cho thấy mối quan hệ HTX và liên kết trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều vướng mắc, các HTX chưa phát huy được vai trò nòng cốt trong liên kết nên không đẩy mạnh liên kết phát triển; liên kết trong sản xuất không đủ mạnh để tạo động lực thúc đẩy HTX phát triển.
Một số giải pháp chủ yếu đẩy mạnh liên kết 
Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị”(2). Đó là định hướng phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Đảng ta. Liên kết trong sản xuất nông nghiệp là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân. Yêu cầu phát triển nông nghiệp càng cho thấy vai trò quan trọng của việc liên kết trong sản xuất nông nghiệp cũng như vai trò của HTX - một trong chủ thể quan trọng của quá trình liên kết. Để đẩy mạnh liên kết trong sản xuất nông nghiệp và thúc đẩy hợp tác xã phát triển cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau đây:
Một là, cần nâng cao nhận thức về liên kết và hiệu quả của liên kết trong sản xuất nông nghiệp của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các đối tượng hưởng chính sách của Nghị định 98, nhất là các HTX và người nông dân. Từ đó chủ động tìm kiếm, lựa chọn và thiết lập các mối liên kết phù hợp ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ, liên kết trong chuỗi giá trị của nông sản.
Hai là, sửa đổi, bổ sung các nội dung của Nghị định 98 đang được coi là chưa thông thoáng, thống nhất các chính sách hỗ trợ tạo động lực cho liên kết trong sản xuất nông nghiệp; giải quyết hiệu quả các xung đột và bất đồng trong thực hiện hợp đồng liên kết giữa các bên; ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng, nâng cao hiệu lực hợp đồng và hoàn thiện khung pháp lý và các chính sách hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước tạo điều kiện cho liên kết phát triển.
Ba là, tăng cường hỗ trợ các HTX xây dựng tổ chức bộ máy và nhân lực, phối hợp đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ cho cán bộ hợp tác xã, đặc biệt là các kỹ năng về tài chính, hợp đồng, thị trường, hội nhập; hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển các HTX, cung cấp các dịch vụ công và bán công, như: Xác nhận, chứng nhận chất lượng, đẩy mạnh đào tạo, tập huấn và khuyến nông, tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật, cung cấp các thông tin về thị trường và công nghệ nhằm nâng cao mặt bằng kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ trong phòng, chống dịch bệnh, thiên tai.
Bốn là, tổng kết các mô hình liên kết thành công để rút kinh nghiệm cho việc tìm kiếm, lựa chọn các mô hình liên kết thích hợp với quy mô và trình độ phát triển của từng ngành hàng, từng địa phương, với cơ cấu, trình độ, năng lực quản lý khác nhau của các HTX.
Năm là, đẩy mạnh liên kết có sự tham gia sâu rộng của HTX để tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, đổi mới mạnh mẽ các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp và hiệu quả, áp dụng chính sách hỗ trợ đột phá để khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, tạo động lực thúc đẩy phát triển HTX theo hướng hình thành chuỗi giá trị nông sản hàng hóa, mà HTX là một tác nhân trong chuỗi, giữ vai trò quy tụ nhiều nông dân để liên kết với các doanh nghiệp lớn.
*Nguyên Phó Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

Tài liệu tham khảo:
(1) Cục Kinh tế hợp tác và PTNT: Toàn cảnh HTXNN Việt Nam 2022 hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Hà Nội, 2022, tr. 17-20.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr 124.
- Xem: Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, ngày 05-7-2018 quy định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. https://vanbanchinhphu.vn.
- Xem: Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg, ngày 09-01-2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ HTX áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt. https://vanbanchinhphu.vn.
- Xem: Quyết định số 1804/QĐ-TTg, ngày 13-11-2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021 - 2025. https://vanbanchinhphu.vn.
- Xem: Huyền Trang: Gỡ vướng mắc để HTX thuận lợi trong liên kết hợp tác, https://lmhtx.binhthuan.gov.vn.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác