Hội Nông dân Quảng Nam gắn đào tạo nghề với hỗ trợ nông dân
Hội Nông dân cơ sở đào tạo đa dạng ngành nghề cho hội viên
Huyện Tiên Phước là địa phương luôn chú trọng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn gắn với phát triển kinh tế vườn – trang trại. Từ đó, người dân đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ và giảm nghèo bền vững.
Từ khu đất hoang sơ, lão nông Phan Đình Nhơn (xã Tiên Hà, Tiên Phước) đã kiến tạo khu vườn cây ăn quả, thu nhập 100 triệu đồng/năm (Ảnh: Trương Hồng).
Ông Mai Minh Nguyệt, Trưởng phòng NNPTNT huyện Tiên Phước cho biết, những năm qua, huyện đã chi hơn 1,4 tỷ đồng phối hợp tổ chức gần 100 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho gần 2.000 lao động nông thôn. Nội dung đào tạo chủ yếu là chuyển giao kỹ thuật trồng tiêu, nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm, sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi, trồng và nhân giống các loại cây ăn quả, trồng đậu phụng, sản xuất nấm, chế biến sản phẩm OCOP...
Theo ông Nguyệt, hầu hết học viên sau khi hoàn thành các khóa học đã biết vận dụng kiến thức vào sản xuất; tận dụng hết thời gian để chăn nuôi, làm vườn, tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế hộ. Đặc biệt, kiến thức từ việc đào tạo nghề thực sự góp phần cải tiến tập quán canh tác, nâng cao năng suất lao động, chất lượng cây trồng và con vật nuôi. Nhiều sản phẩm kinh tế vườn có lợi thế của huyện đã được liên kết sản xuất, chế biến theo chuỗi giá trị và đăng ký tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” – OCOP.
Hội Nông dân Thị xã Điện Bàn cũng đã phối hợp với Phòng Kinh tế, Phòng Lao động TBXH… tổ chức 12 lớp nghề trong năm 2021, thu hút gần 500 lao động nông thôn tham gia. Các lớp dạy nghề đã giúp cho người dân lao động phổ thông được tiếp cận những tiến bộ KHKT áp dụng trong trồng trọt và chăn nuôi.
Hội Nông dân thị xã Điện Bàn đã tổ chức nhiều lớp học tập, dạy nghề cho nông dân về xây dựng các mô hình phát triển kinh tế nông thôn. Ảnh: Hồng Hoa.
Đầu năm 2022, Hội Nông dân Thị xã Điện Bàn đã tiến hành khảo sát, dự kiến tổ chức và phối hợp tổ chức khai giảng 19 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn (cho hơn 700 học viên) tham gia, cụ thể như: 04 lớp Nhân giống cây ăn quả (gồm các đơn vị Điện Phương, Điện Minh, Điện Hồng và Điện Thọ), 02 lớp dạy nghề Nuôi bò vỗ béo (tại Hội Nông dân Điện Trung và Điện An), 03 lớp trồng lúa, rau hữu cơ (Điện Minh, Điện Thắng Nam và Điện Phước), 05 lớp trồng hoa cây cảnh (tại Hội Nông dân Điện Phong, Điện Tiến, Điện Nam Bắc, Vĩnh Điện và cụm thi đua số 03), 03 lớp Phi nông nghiệp (chế biến thức ăn, đồ uống) tại Hội Nông dân Điện Quang, Điện Thắng Trung và Điện Thắng Bắc, lớp quản lý dịch bệnh trên cây trồng (Điện Nam Trung) và lớp Nuôi cá nước ngọt (Điện Hòa). Cùng với đó, trong năm 2022, Hội Nông dân Thị xã dự kiến sẽ phối hợp tổ chức 10 – 15 lớp chuyển giao KHKT cho cán bộ, hội viên và bà con nhân dân trên địa bàn 20 xã/phường.
Vừa qua, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ Nông dân tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với các đoàn thể xã Điện Thọ (Điện Bàn) tổ chức khai giảng lớp đào tạo nghề “Trang điểm thẩm mĩ” cho 35 học viên là lao động nữ, lao động nông thôn tại địa phương.
Các học viên tham gia lớp lớp đào tạo nghề “Trang điểm thẩm mĩ”.
Lớp đào tạo trang điểm - thẩm mĩ giúp cho các học vên là lao động nữ nông thôn có thể tự mở tiệm hay xin vào làm việc tại các studio, thẩm mỹ viện, spa, các cơ sở có dịch vụ trang điểm khác. Lớp học hoàn toàn miễn phí học phí và chi phí thực hành, lớp diễn ra trong 2 tháng, học viên sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản của kỹ thuật trang điểm, biết làm đẹp cho bản thân và tự tin phát triển nghề trang điểm (make up), đem lại thu nhập cho bản thân. Kết thúc khoá học, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ Nông dân tỉnh Quảng Nam sẽ cấp chứng chỉ đào tạo nghề cho các học viên hoàn thành chương trình đào tạo.
Vai trò đầu tàu trong dạy nghề lao động nông thôn
Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Quảng Nam có vai trò chủ yếu là đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thực hiện các dịch vụ hỗ trợ nông dân trong sản xuất nông nghiệp; liên kết tư vấn tuyển sinh, đào tạo xuất khẩu lao động và du học nước ngoài…
Năm 2021, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam) cung ứng hơn 37.000 cây giống ăn quả và hỗ trợ cho nông dân 113 xã của 11 huyện trên địa bàn tỉnh; 5.408 tấn phân bón trả chậm các loại; tổ chức 90 lớp dạy nghề cho gần 2.900 lao động nông thôn.
Hàng năm Trung tâm mở từ 80 - 90 lớp dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp với 2.800 - 3.100 học viên tham gia, chiếm 50% số lượng lao động nông thôn và các lớp dạy nghề được tổ chức tại cơ sở. Giáo viên đứng lớp nhiệt tình truyền dạy các kiến thức, tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho học viên và hướng dẫn thực hành chi tiết, giúp giải quyết các vướng mắc, khó khăn của học viên trong quá trình sản xuất, chăn nuôi... Hơn 85% học viên qua đào tạo nghề đã có việc làm hoặc tự tổ chức việc làm, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Lễ ký bàn giao Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân Quảng Nam. (Ảnh: Trương Hồng).
Theo ông Bùi Quốc Yên, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh, bên cạnh công tác dạy nghề, Trung tâm còn tổ chức dịch vụ cho hỗ trợ nông dân như: Cung cấp phân bón theo hình thức trả chậm cho hộ nông dân nghèo, cận nghèo, khó khăn về vốn; Cung ứng cây giống có chất lượng, cung ứng máy công cụ… được hội viên nông dân tự nguyện tham gia và đánh giá cao.
Các hoạt động của Trung tâm được triển khai trên phương châm “đồng hành cùng nông dân trong quá trình sản xuất”, “chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, dịch vụ” trước tổ chức Hội và hội viên. Trung tâm luôn đặt lợi ích của người nông dân lên hàng đầu trong quá trình cung ứng các dịch vụ hỗ trợ, được các cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức cơ sở Hội và hội viên đánh giá cao, được đông đảo hội viên nông dân tích cực hưởng ứng, đồng tình và tin tưởng tham gia.
Nhằm cụ thể hóa Thỏa thuận hợp tác giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam và Bưu điện tỉnh đã triển khai chương trình phối hợp Hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2022 – 2025.
Theo đó, Hội Nông dân tỉnh và Bưu điện tỉnh sẽ tập trung phối hợp thực hiện 5 nhiệm vụ chính: Thu thập thông tin của tối thiểu 54.000 hộ nông dân sản xuất giỏi; hộ nông dân sản xuất quy mô trang trại; nhóm hộ nông dân sản xuất hàng hoá chủ yếu để bán; tổ hợp tác, hợp tác xã, tổ hội nghề nghiệp, câu lạc bộ nông dân trên địa bàn tỉnh... cập nhật, giới thiệu lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn. Hội Nông dân tỉnh phối hợp kết nối, tiêu thụ nông sản hàng hóa gồm nông sản an toàn, chất lượng do người nông dân sản xuất ra; ưu tiên các sản phẩm có giấy chứng nhận Viet Gap, Global Gap, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm OCOP... thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn/Agri-postmart.vn và hệ thống điểm bán hàng của hai bên; phát triển tối thiểu mỗi xã 1 cộng tác viên, đại lý bán hàng sản phẩm, dịch vụ của Vietnam Post; xây dựng các gói sản phẩm, dịch vụ với chính sách ưu đãi cho các cấp Hội, cán bộ, hội viên, nông dân, các chi/tổ hội nghề nghiệp, câu lạc bộ nông dân, các tổ hợp tác, hợp tác xã. Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh cũng triển khai các chương trình truyền thông về chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn lồng ghép vào các hội nghị, tập huấn, đào tạo hoặc sự kiện của Hội.
Tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu hàng năm, bình quân đào tạo, đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi và các chương trình đào tạo nghề khác cho khoảng 5.000 - 7.000 lượt lao động nông thôn. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70 - 75% ; trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khu vực miền núi đạt 50%; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp từ 71 - 72%. Đào tạo nghề phi nông nghiệp chiếm khoảng 60%, đào tạo nghề nông nghiệp chiếm khoảng 40%. Tỷ lệ người lao động đào tạo mới có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn sau khi học nghề đạt trên 80%.
- Hà Giang: Kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu tại Thủ đô
- Hà Giang: Nuôi dê Bách Thảo - sinh kế lâu dài cho nông dân vùng cao
- Thanh Hoá: Nông dân được học tập, chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải thân thiện với môi trường
- Lào Cai: Hỗ trợ hơn 1 tấn cá giống giúp nông dân khôi phục sản xuất sau bão Yagi