Lễ hội – Văn hoá truyền thống

Độc đáo Lễ hội truyền thống Xa mã - Rước kiệu đình Hoàng Châu

13:07 28/07/2023 GMT+7
Ngày 27/7 (tức ngày 10/6 âm lịch), tại xã Hoàng Châu, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng diễn ra Lễ hội truyền thống Xa mã - Rước kiệu đình Hoàng Châu năm 2023. Đây là lễ hội dân gian lâu đời, độc đáo, đặc sắc, thể hiện truyền thống "uống nước nhớ nguồn" và hội tụ của nhiều giá trị văn hóa của cư dân miền biển.

Chú thích ảnh

Lễ dâng hương của các đại biểu. Ảnh TTXVN phát

Làng Hoàng Châu bắt đầu vào hội từ ngày 9/6 âm lịch. Không khí tấp nập, nhộn nhịp phủ khắp các ngõ xóm. Đình làng và những con đường rực rỡ cờ hội, hoa tươi. Theo phong tục, Lễ cáo yết được người dân tiến hành vào đầu giờ chiều, dâng lễ xin phép thánh thần cho làng được mở hội. 

Lễ đại tế chính hội diễn ra vào ngày mùng 10/6 âm lịch. Sau nghi thức khai mạc lễ hội, các đoàn đại biểu, đại diện các dòng họ và đoàn khách thập phương lần lượt vào dâng hương lễ thánh. Đoàn hành lễ xong cũng là lúc các đội xa mã, rước kiệu đã sẵn sàng. Trai đinh đại diện 12 dòng họ ở Hoàng Châu chia thành 2 giáp, giáp Đông và giáp Tây, mỗi giáp từ 15 - 20 người gồm 3 đình phe và các trai đinh. Để bắt đầu xa mã, 2 giáp dàn đội hình trên sân trước cỗ xe ngựa của đội mình. Giáp Đông mặc quần áo màu đỏ, giáp Tây mặc quần áo màu vàng... Đây là hoạt động thể hiện tinh thần, sức mạnh thượng võ, tiếng quân reo, tiếng ngựa hý, tiếng trống vang lên, tái hiện lại cảnh rèn luyện, tập trận của binh sĩ thời xưa, mang đậm đà bản sắc dân tộc mà tổ tiên để lại, bảo lưu bao đời đến tận ngày nay.
Theo Chủ tịch UBND xã Hoàng Châu Ngô Quang Dũng, Lễ hội Xa mã - Rước kiệu là dịp để người dân Hoàng Châu tưởng nhớ, tỏ lòng thành kính, tri ân công đức tổ tiên. Lễ hội được tổ chức đều đặn hằng năm cũng chính là một cách để biểu dương sức mạnh, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm chung vì cộng đồng của dân làng, là dịp để giáo dục con cháu đạo lý hướng về cội nguồn. Đồng thời, đây cũng là một hình thức bảo tồn, trao truyền và lan tỏa những nét văn hóa tốt đẹp, đặc sắc cũng như cốt cách riêng của cư dân miền cửa biển Hải Phòng. Những hoạt động của lễ hội luôn khơi dậy những điều tốt đẹp, giúp cho mọi người không ngừng hướng đến cái thiện, thôi thúc con người vươn đến lý tưởng, nếp sống cao đẹp, giàu ý nghĩa hơn.  

Song song các nghi lễ của Lễ hội là các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, cùng nhiều trò chơi dân gian tạo không khí vui tươi, phấn khởi, hào hứng ngày Lễ hội.

Chú thích ảnh

Đinh phe chuẩn bị Xa Mã. Ảnh TTXVN phát

Đình Hoàng Châu đã được xếp hạng và cấp bằng công nhận là Di tích quốc gia (năm 2014), Lễ hội Xa mã - Rước kiệu đình Hoàng Châu được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (năm 2017).

Đình Hoàng Châu được xây dựng từ thế kỷ XVII. Lúc đầu, đình được khởi dựng sát phía bờ biển, nơi có độ cao lớn hơn bình diện chung của khu vực. Trải qua thời gian, sự biến đổi về địa chất và nước biển dâng, cùng với việc người Pháp xây dựng cây đèn biển La Vang tại đây, nên vào năm Khải Định thứ nhất (1916), nhân dân đã chuyển đình về sâu hơn trong làng như bây giờ. Dấu tích còn lại của ngôi đình ở vị trí cũ hiện vẫn còn chiếc sập đá cổ long chầu nguyệt rất to và nặng, đang bị chìm sâu dưới lớp bùn dày nơi cửa lạch.

Đình Hoàng Châu đã qua nhiều lần được trùng tu, tôn tạo để trở thành một công trình tổng thể phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân như hiện nay. Kiến trúc tổng thể của đình Hoàng Châu giữ nguyên những nét đặc thù của đình làng truyền thống vùng đồng bằng Bắc bộ. 
Đình Hoàng Châu thờ Mẫu Liễu Hạnh cùng hai vị dương thần được tôn làm Đức Thành Hoàng và Đức Bản thổ của làng là “Phó Nguyên soái tổng quốc chính, từ minh nhân thánh, hùng dũng đại lược Duy Bùi chi thần” (theo Bản sắc phong niên hiệu Thành Thái thứ nhất, 1889) và “Dực bảo trung hưng linh phù bản thổ Đô nguyên soái Tuyên nghi chi thần” (theo Bản sắc phong năm Duy Tân thứ 3, 1909). Nếu Công chúa Liễu Hạnh được coi là một vị thánh mẫu linh thiêng, biểu tượng về công dung ngôn hạnh của phụ nữ, một trong tứ bất tử theo tín ngưỡng của người Việt thì hai vị Đức Thành Hoàng và Đức Bản thổ của làng được coi là biểu tượng cho sự uy nghi và sức mạnh chiến thắng kẻ thù xâm lược, trấn ải, bảo vệ vùng biển Đông Bắc và cuộc sống bình yên của nhân dân.

Chú thích ảnh

Nữ quan rước kiệu Mẫu. Ảnh TTXVN phát

Ở ngôi đình làng biển này, người dân còn thờ Vua Bà Nam Hải càn Quế lương Quốc mẫu và Đức ông Đông Hải Đô úy Đại vương, hai vị thần linh đầy quyền uy và sức mạnh trong tâm thức của những người đi biển. Người dân Hoàng Châu cung kính tôn thờ và luôn cầu mong các thần che chở, cho mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, cuộc sống an bình, mùa màng, tôm cá bội thu.
Đình Hoàng Châu là dấu son lịch sử, nơi che dấu, nuôi dưỡng các đồng chí hoạt động cách mạng tiền khởi nghĩa, trong kháng chiến chống thực dân Pháp; là nơi cất giữ vũ khí, khí tài của quân đội ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trước đây… Đình làng còn là trụ sở hành chính đầu tiên của xã Hoàng Châu; là trường học dạy dỗ, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức văn hóa biết bao thế hệ của người dân Hoàng Châu…
Lễ hội Xa mã - Rước kiệu chính là nét văn hóa truyền thống đặc sắc, độc đáo chỉ có duy nhất ở Hoàng Châu, Hải Phòng. Để chuẩn bị cho lễ hội, ngay từ đầu tháng 5, Hoàng Châu đã tổ chức họp làng, xã bầu ra các ban và phân công chuẩn bị cho lễ hội. Theo quy định, người tham gia đội tế lễ phải là những người có chức sắc trong làng, thanh tịnh, đạo đức tốt, gia đình ấm êm, hòa thuận... Người tham gia các đội xa mã, rước kiệu cũng phải là những nam thanh, nữ tú khỏe mạnh, thanh tịnh.

Theo TTXVN/Vietnam+

Tin cùng chuyên mục
Tin khác