Lễ hội – Văn hoá truyền thống

UNESCO công nhận Việt Nam có thêm một Di sản tư liệu thế giới

Minh Tú - 08:25 09/05/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Chiều 8/5/2024, hồ sơ “Những bản đúc trên Chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” của Việt Nam đã được UNESCO thông qua và chính thức trở thành di sản tư liệu của Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

UNESCO trao danh hiệu Di sản tư liệu thế giới, Khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho Việt Nam (Ảnh: TTBT)

Cửu đỉnh - Hoàng cung Huế do vua Minh Mệnh ra lệnh đúc vào năm 1835 và hoàn thành vào năm 1837, được đặt trước sân Thế Tổ Miếu ngay từ khi ra đời cho đến hiện nay. Vua Minh Mệnh cho đúc Cửu đỉnh nhằm biểu thị sự trường tồn của triều đại, sự giàu đẹp và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam. Trình độ đúc đồng tinh xảo của những người thợ thủ công ở Việt Nam, với 162 họa tiết chạm khắc nhiều chủ đề khác nhau trên Cửu đỉnh, cùng nhiều giá trị ẩn sâu phía sau đã đưa Cửu đỉnh vượt ra ngoài tầm vóc của quốc gia.

Đây là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài rất quan tâm bởi nó mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa - giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp. Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân mà hồ sơ “Những bản đúc trên Chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” của Việt Nam đã được UNESCO thông qua là bên cạnh những giá trị tư liệu, Cửu đỉnh còn đặc biệt là đề cao thân phận của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến với hình ảnh kênh Vĩnh Tế trên Cao đỉnh. Đây là một điều rất hiếm có trong chế độ phong kiến “trọng nam, khinh nữ” 

Kênh Vĩnh Tế và câu chuyện về sự hi sinh của người phụ nữ Việt Nam được ghi trên Cửu Đỉnh

Thoại Ngọc Hầu (1761-1829) quê quán huyện Diên Phước (tỉnh Quảng Nam), nay thuộc quận Sơn Trà (TP. Đà Nẵng), xuất thân từ một gia đình quan chức cấp thấp. Cuối thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát, ông cùng gia đình vào sống ở làng Thới Bình, huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long). Năm 1777, ông theo phò Chúa Nguyễn Ánh cùng qua Xiêm, Lào và lập nhiều công trạng, làm đến chức Thống chế, được phong tước Ngọc Hầu. Ông được sử sách coi là Danh thần mở cõi với hàng loạt công trình giao thông, thủy lợi, chiêu dân lập ấp, xác lập chủ quyền biên giới quốc gia.... Đặc biệt, kênh Vĩnh Tế được xem là công trình mang tính chiến lược, trở thành tấm “lá chắn” vững chắc bảo vệ biên giới quốc gia trước sự dòm ngó của ngoại bang. Vĩnh Tế là một trong những kênh đào lớn nhất trong lịch sử Việt Nam thời quân chủ nước ta, với chiều dài hơn 87km và phải huy động hơn 80 vạn nhân công thực hiện trong 5 năm (1819-1824). Năm 1788, ông kết hôn với bà Châu Thị Vĩnh Tế (1766-1826) hay còn có tên khác là Châu Thị Tế. Bà là người cù lao Dài, nay thuộc xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long và là trưởng nữ của ông Châu Huy (có sách chép là Châu Vĩnh Huy) và bà Đỗ Thị Toán.

Bà Vĩnh Tế nổi tiếng là người vợ hiền đức, tận tụy, đảm đang, đã góp phần không nhỏ trong sự nghiệp lừng lẫy của chồng. Bà còn là người có công xây dựng miếu Bà Chúa Xứ núi Sam – Châu Đốc. Khi Thoại Ngọc Hầu cho đào con kênh nối liền từ Châu Đốc đến Hà Tiên, bà đã tận tụy giúp chồng chăm lo công việc đại sự. Những lúc chồng bận việc công cán, bà đã thay chồng lãnh phần đôn đốc, coi ngó việc đào kênh, tiếng nhân đức của bà được nhân dân truyền tụng. Bấy giờ trong dân gian có câu: 

Nước Nam trai sắc gái tài,

Gương bà Châu thị lưu đời ngàn năm.

Để tuyên dương công trạng của vợ chồng Thoại Ngọc Hầu và thể theo lòng dân mến mộ, vua Minh Mạng cho lấy tên chồng bà là Nguyễn Văn Thoại đặt cho con kênh “Thoại Hà”, núi “Thoại Sơn”, đặt tên kênh Châu Đốc – Hà Tiên là “Vĩnh Tế Hà”, núi Sam gần đấy là “Vĩnh Tế Sơn” và làng cạnh núi là “Vĩnh Tế Thôn”. Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), vua cho chạm hình tượng kênh Vĩnh Tế vào Cao đỉnh, đỉnh đồng lớn nhất trong Cửu đỉnh đặt tại Thế miếu, Huế.

 

Song hành cùng những thăng trầm của một triều đại, sau gần 200 năm dù đã trải qua bao biến cố của thời cuộc và biến thiên của thời gian vẫn vẹn nguyên. Bảo vật hiếm hoi còn lại, tượng trưng cho vương quyền và sự tồn tại của triều đại phong kiến ở các nước Á đông.

Hình ảnh kênh Vĩnh Tế được các thợ đúc đồng lành nghề xứ Huế thể hiện trên đỉnh một cách tinh xảo, là sự khẳng định vai trò người Phụ nữ Việt Nam dưới triều đại phong kiến. 

Trong phiên họp ngày 8/5, Hội nghị tập trung xem xét 20 hồ sơ có giá trị về nhiều mặt và đạt các tiêu chí về ý nghĩa trong khu vực, tính độc bản và tính quý hiếm. Việt Nam có 1 hồ sơ Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế (hay còn có tên gọi khác Cửu đỉnh - Hoàng Cung Huế) được xem xét và thông qua ngay trong đợt này. Cửu đỉnh trở thành Di sản tư liệu UNESCO là niềm tự hào của Việt Nam nói chung và của tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng, điều này đã gia tăng thương hiệu di sản Huế, một điểm đến 8 di sản. 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác